Theo trang The Guardian, việc so sánh các số liệu liên quan đến dịch COVID-19 của các quốc gia khác nhau là vô cùng khó khăn vì nhiều yếu tố có khả năng làm chênh lệch các con số. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ rệt về tổn thất do dịch COVID-19 gây ra giữa các quốc gia Đông Âu và Tây Âu khó có thể bỏ qua.
Các quốc gia Trung và Đông Âu có tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong thấp hơn nhiều so với các quốc gia Tây Âu. Tính đến ngày 6/5, Slovakia đã ghi nhận 1.429 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 và 25 ca tử vong. Austria - quốc gia láng giềng - cũng được đánh giá đã kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nước này có số ca mắc bệnh nhiều hơn gấp 10 lần và số ca tử vong gấp 20 lần, trong khi dân số Austria chỉ bằng một nửa Slovakia.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt về tỷ lệ mắc bệnh giữa các khu vực của châu Âu. Người Đông Âu có tuổi thọ thấp hơn, đồng nghĩa với việc số lượng người già dễ có nguy cơ mắc bệnh ít hơn, đây cũng là một trong số lý do khiến số ca nhiễm virus tại khu vực này thấp hơn.
Các nguyên nhân như mật độ dân số thưa thớt hơn, số lượng các chuyến bay thẳng từ các quốc gia Đông Âu tới Trung Quốc và ngược lại cũng ít hơn, tỷ lệ xét nghiệm thấp hơn cũng được nhiều chuyên gia phân tích ghi nhận. Hơn nữa, việc bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, hiện phổ biến trên khắp châu Âu, được Cộng hòa Séc và Slovakia triển khai từ rất sớm cũng là lý do Đông Âu có số lượng người nhiễm virus thấp hơn.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất dường như là việc phong tỏa sớm được thực hiện ở hầu hết các quốc gia Trung và Đông Âu, khi chính phủ nhận thấy mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và thực hiện phong tỏa nhanh chóng. Trong khi ở Anh và các quốc gia Tây Âu khác, các sự kiện công cộng và các cuộc tụ họp vẫn diễn ra vào giữa tháng 3.
Hành khách đã kiểm tra nhiệt độ tại một sân bay Hungary. Ảnh: AP
Không chỉ có vậy, các quốc gia Đông Âu đã nhận thức được những yếu kém trong hệ thống y tế của mình nên đã sớm đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch bệnh quyết liệt. “Trong khi đó, những quốc gia như Thụy Điển và Anh đều cho rằng họ có thể đề ra những chính sách hiệu quả giúp ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan mà không gây tác động nhiều đến hệ thống y tế quốc gia, nhưng thực tế không phải vậy”, ông Ben Stanley, chuyên gia khoa học chính trị tại Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ở Warsaw, Ba Lan, chia sẻ.
Người dân tại các quốc gia Đông Âu cũng sẵn sàng tuân theo các yêu cầu của chính phủ. Trong khi đó, tại các quốc gia Tây Âu và Mỹ đã xảy ra một số bất đồng với chính phủ của họ.
“Thực tế, chúng tôi đã cảm thấy những hạn chế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của mình. Điều đó khiến mọi người tuân thủ nghiêm ngặt quy định phong tỏa” ông Ivan Krastev, một nhà khoa học chính trị người Bulgaria nói.
Hy Lạp là quốc gia đã sớm áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhằm tránh gây áp lực cho hệ thống y tế yếu kém của mình trong nỗ lực đối phó với đại dịch COVID-19. Tính đến ngày 8/5, số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này được ghi nhận thấp đáng chú ý. Đất nước 11 triệu dân chỉ có trên 2.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Người Hy Lạp đã có thể ra ngoài khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Ảnh: Getty Images
“Giống như các quốc gia ở Trung và Đông Âu, Hy Lạp nhận thức được sự mong manh của hệ thống y tế của mình. Điều đó đã thôi thúc chính phủ thực hiện các biện pháp khẩn cấp sớm hơn các quốc gia Tây Âu khác, vốn luôn chủ quan về hệ thống của họ”, ông George Pagoulatos, nhà kinh tế chính trị tại Quỹ Hellenic về Chính sách đối ngoại và châu Âu, nhận định.
Thành công của Hy Lạp đã giúp quốc gia này lấy lại uy tín quốc tế sau nhiều năm dài bị đánh gia tiêu cực trong cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Cả Hy Lạp và Cộng hòa Séc đều được đưa vào danh sách gồm 7 quốc gia có biện pháp ứng phó thành công trong dịch COVID-19, được Thủ tướng Austria Sebastian Kurz mời tham dự hội nghị để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với các quốc gia khác.
Bà Veronica Anghel, một nhà khoa học chính trị người Rumani hiện đang làm việc tại Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng một số quốc gia trong Đông Âu xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn về nỗ lực phòng chống COVID-19.
“Nhiều quốc gia đã triển khai kịp thời các biện pháp phong tỏa chặt chẽ. Đây là yếu tố dẫn đến sự thành công của họ”, bà nói và ca ngợi phản ứng của một số quốc gia, bao gồm Cộng hòa Séc, Slovakia. Cả hai đều có hệ thống chăm sóc sức khỏe được tài trợ tương đối tốt. “Tuy nhiên, hệ thống y tế của Hungary, Romania và Bulgaria đang rơi vào tình trạng khó khăn, khiến họ khó có thể đối phó với dịch bệnh nếu có bất kỳ sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 nào”, bà Anghel cho biết
Cộng hòa Séc là một trong những quốc gia Đông Âu thành công trong việc ứng phó với COVID-19. Ảnh: Reuters
Dù đã đạt được những thành công nhất định trong công tác phòng chống dịch COVID-19, các quan chức Đông Âu vẫn thận trọng cảnh báo về khả năng dịch bệnh bùng phát lần thứ 2 trong khu vực. Chính vì lý do này, nhiều quốc gia có ý định nới lỏng lệnh phong tỏa của mình nhưng vẫn kiểm soát chặt chẽ biên giới, hạn chế du khách nước ngoài và cách ly tất cả những người đến Đông Âu.