Lý giải nghịch lý: Ai cũng biết ngồi nhiều là có hại mà sao vẫn không chịu tập thể dục

J.D |

Nhiều người vẫn dành cả ngày cuối tuần chỉ để ngủ thôi. Tại sao chứ? Ai chẳng biết là không vận động là rất có hại!

Này, hãy thử nghĩ về điều nghịch lý này xem. Tất cả chúng ta đều biết tập thể dục là tốt. Mà đồng thời, ai cũng biết việc ngồi nhiều là có hại, thậm chí khiến chúng ta chết sớm. Thế mà chẳng hiểu tại sao rất nhiều người trong chúng ta đang dành cả ngày cuối tuần để làm điều trong bức ảnh dưới đây.

Điều nghịch lý ấy hoàn toàn có lý do. Để nói ngắn gọn, nguyên nhân nằm ở não bộ.

Theo một nghiên cứu mới đây thì thói quen lười biếng của chúng ta thực chất là một cơ chế sinh tồn. Não bộ đã được thiết kế để chúng ta lười vận động hơn, giống như nó đã làm với hàng trăm loài vật khác trong thế giới động vật.

"Tiết kiệm và dự trữ năng lượng là điều cực kỳ quan trọng cho sự sinh tồn của con người. Nó giúp người xưa tìm kiếm thực phẩm và dựng nơi ở một cách hiệu quả hơn, dễ dàng cạnh tranh để yêu dễ dàng hơn, và để né tránh kẻ thù," - Matthieu Boisgontier, chuyên gia thần kinh từ ĐH British Columbia (Canada) cho biết.

"Các chính sách chống lại "nạn" ngồi nhiều đều không thành, có thể là vì não bộ cố ý phát triển nó thành bản năng qua quá trình tiến hóa."

Lý giải nghịch lý: Ai cũng biết ngồi nhiều là có hại mà sao vẫn không chịu tập thể dục - Ảnh 1.

Để đưa ra kết quả, Boisgontier và các cộng sự đã phải tìm xem liệu sự lười biếng có thể bắt nguồn từ khu vực nào trong não. Bằng cách theo dõi điện não đồ, họ biết được phần nào trong não được kích thích khi vận động và lúc không vận động.

Có 29 người tham gia thí nghiệm, trong đó có một phần mềm máy tính hiện lên hình ảnh luyện tập và ảnh nghỉ ngơi làm biếng. Họ sẽ phải sử dụng bàn phím để điều chỉnh hình ảnh bản thân tránh xa khỏi một trong hai loại hình kia, tùy theo yêu cầu của các nhà nghiên cứu.

Kết quả ban đầu cho thấy các ứng viên né được bức ảnh "lười" nhanh hơn - điều vốn đã được công bố trong nhiều thí nghiệm trước đó. Tuy nhiên lần này với sự trợ giúp của điện não đồ, có một kết quả khác đã được tìm thấy.

"Để né được các bức hình làm biếng nhanh hơn thì não bộ cũng phải dùng nhiều năng lượng hơn," - Boisgontier cho biết.

"Kết quả này cho thấy não bộ của chúng ta luôn có xu hướng gắn với các hành vi mang tính chất nghỉ ngơi."

Boisgontier cũng thẳng thắn chia sẻ rằng đây chỉ là một nghiên cứu nhỏ, nên chưa phải là kết quả chính xác nhất. 

Tuy nhiên nếu giả thuyết này được chứng minh là chính xác trong một nghiên cứu lớn hơn, điều đó cũng có nghĩa rằng chống lại "đại dịch" ngồi nhiều là không hề đơn giản. Chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn để xóa bỏ một thứ vốn đã ăn sâu vào tiềm thức từ rất lâu rồi.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neuropsychologia.

Tham khảo: Science Alert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại