Lý do xe tăng Abrams của Mỹ không phát huy hiệu quả trên chiến trường Ukraine

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo eurasiantimes.com/Business Insider) |

Ukraine đã trở thành "nghĩa địa" của xe tăng. Bất chấp thiết kế tiên tiến, những chiếc xe tăng Abrams cũng phải chịu chung số phận như nhiều chiếc xe tăng khác, trước thực tế khắc nghiệt của chiến trường.

Lý do xe tăng Abrams của Mỹ không phát huy hiệu quả trên chiến trường Ukraine- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Uy tín của xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp ngày càng bị suy giảm khi bộc lộ những điểm yếu và sai sót trên chiến trường Ukraine, mặc dù từng được ca ngợi là nhân tố thay đổi cuộc chơi cho quân đội Ukraine.

Việc triển khai các xe tăng Abrams này, đặc biệt là mẫu M1A1, nhằm mục đích tăng cường sức mạnh của quân đội Ukraine trong cuộc đối đầu với các lực lượng Nga, nhưng thực tế chiến trường đã làm dấy lên nghi ngờ về tính hiệu quả của chúng.

Vào tháng 1/2023, Mỹ đã đồng ý gửi 31 xe tăng Abrams tới Ukraine. Những chiếc xe tăng này, mỗi chiếc trị giá khoảng 10 triệu USD, rất cần thiết để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Nga. Đến tháng 10/2023, tất cả 31 xe tăng trên đã đến Ukraine, làm dấy lên hy vọng về lợi thế chiến lược cho Kiev trên chiến tuyến luôn thay đổi.

Tuy nhiên, những chiếc xe tăng này gặp phải thách thức đáng kể trên chiến trường, đặc biệt là từ thiết bị bay không người lái của Nga. Ít nhất 5 xe tăng Abrams đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công của Nga.

Trong cuộc phỏng vấn mới nhất với kênh CNN của Mỹ, các kíp xe tăng Ukraine được huấn luyện ở Đức đã chia sẻ mối quan ngại về hiệu quả của xe tăng Abrams. Họ nói rằng lớp giáp của xe tăng Mỹ không đủ chắc chắn trước các loại vũ khí hiện đại.

“Lớp giáp của xe tăng không đảm bảo vào thời điểm này. Nó không bảo vệ mọi người trong xe. Thực sự thì ngày nay đây là cuộc chiến của thiết bị bay không người lái", một thành viên tổ lái xe Ukraine cho biết.

Một thành viên khác chỉ ra rằng xe tăng Abrams là mục tiêu số một trên chiến trường và không có lực lượng yểm trợ, xe tăng không thể sống sót trên chiến trường.

Những nhận định này nhấn mạnh điểm yếu của xe tăng Abrams và nguy cơ cao đối với những người lính vận hành.

Mặc dù các thông tin trước đó chỉ ra rằng Ukraine đã rút xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp khỏi tiền tuyến, nhưng các quan chức từ Lữ đoàn cơ giới 47, đơn vị nhận xe tăng từ Mỹ, khẳng định rằng tất cả xe tăng Abrams đều đóng quân gần mặt trận phía đông.

Các vấn đề kỹ thuật càng làm tăng thêm thách thức cho xe tăng. Trong một lần đưa tin của phóng viên CNN, một chiếc xe tăng Abrams đã bất động do trục trặc động cơ dù mới được vận chuyển từ Ba Lan sang.

Các binh sĩ Ukraine sử dụng xe tăng cũng báo cáo rằng mưa hoặc sương mù có thể gây ra hiện tượng ngưng tụ hơi nước, có khả năng làm hỏng thiết bị điện tử của xe tăng. Ngoài ra, họ còn phải đối mặt với các vấn đề về đạn dược, do nguồn cung cấp hiện tại không phù hợp với nhu cầu chiến đấu.

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) trong chiến tranh trên bộ cường độ cao hiện đại. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã chứng minh rằng các hoạt động tấn công quy mô lớn là không thể thiếu sự tham gia của các phương tiện bọc thép này.

Tuy nhiên, có một số yếu tố chính góp phần khiến xe tăng Abrams do Mỹ cung cấp gặp khó khăn trên chiến trường Ukraine. Những yếu tố này cũng cho thấy những thách thức mà lực lượng vũ trang Ukraine phải đối mặt.

Một số nguồn tin phương Tây đã chỉ trích giới lãnh đạo Ukraine vì lập kế hoạch tác chiến kém. Nhưng thực tế là lực lượng vũ trang Ukraine đang gặp bất lợi nghiêm trọng trước quân đội Nga được trang bị tốt và nguồn lực dồi dào.

Hiệu quả của xe tăng Abrams cũng bị cản trở đáng kể do thiếu hỗ trợ quan trọng từ trên không, một thành phần quan trọng trong chiến tranh bọc thép hiện đại.

Trong cuộc phỏng vấn, các đội xe tăng Ukraine đã nhắc lại khác biệt quan trọng giữa điều kiện chiến trường của NATO và Ukraine. Xe tăng Abrams được thiết kế theo phong cách tác chiến của NATO, trong đó sức mạnh không quân và pháo đóng vai trò then chốt trong việc chuẩn bị chiến trường trước khi xe tăng và bộ binh tiến lên. Do đó, Kiev thường bày tỏ thất vọng về việc thiếu pháo và không quân.

Ngoài ra, hệ thống phòng thủ mạnh chỉ có thể bị chọc thủng bằng sức mạnh không quân và lượng lớn thiết giáp hạng nặng. Vì không có lực lượng không quân nên chiến thuật này cần nhiều xe tăng, nhưng kho vũ khí hiện tại của Ukraine là sự chắp vá của nhiều phương tiện khác nhau.

Mỹ cũng chỉ cung cấp 31 xe tăng Abrams cho Ukraine. Một số tính năng chính thậm chí đã bị loại bỏ để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng Ukraine cần ít nhất hai lữ đoàn xe tăng Abrams – khoảng 200 xe tăng– trong nỗ lực hiệp đồng chiến đấu để tạo ra tác động trên chiến trường.

Xe tăng, không giống như máy bay chiến đấu hay tên lửa tầm xa, không gây ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với lãnh thổ Nga trừ khi chúng được bố trí trong khu vực giao tranh. Tuy nhiên, số lượng xe tăng Abrams hạn chế không thể vượt qua được hệ thống phòng thủ và phòng không mạnh mẽ của Nga.

Trong suốt cuộc chiến, quân đội Ukraine đã phải học cách sử dụng nhiều hệ thống khác nhau. Abrams, đặc biệt là động cơ, là một hệ thống phức tạp và vấn đề bảo trì từ lâu đã là một mối quan ngại.

Một báo cáo của Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 2 năm nay đã kết luận rằng Lầu Năm Góc không có kế hoạch bảo trì và rằng nếu không có sự kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, bao gồm các phụ tùng thay thế, đạn dược và hỗ trợ thích hợp, Ukraine sẽ không có khả năng duy trì những hệ thống vũ khí này trong cuộc chiến với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại