Lý do Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc không trực tiếp dự Thượng đỉnh SCO 2023

Công Thuận |

Cả Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc đều không dự hội nghị thượng đỉnh SCO được tổ chức tại Ấn Độ lần này vì những lý do

Lý do Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc không trực tiếp dự Thượng đỉnh SCO 2023 - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp của SCO ở Samarkand, Uzbekistan ngày 16/9/2022. Ảnh: Sputnik/Reuters

Theo báo Nezavisimaya Gazeta, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 23 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ diễn ra tại New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 4/7. SCO, được thành lập vào năm 2001, gồm Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, và đến năm 2017 có sự tham gia của Ấn Độ và Pakistan. Iran dự kiến sẽ là thành viên mới nhất khi đang hoàn tất thủ tục gia nhập. Các quốc gia có ảnh hưởng khác ở Nam bán cầu cũng bày tỏ mong muốn trở thành thành viên của SCO.

Tầm quan trọng của SCO ngày càng tăng lên, nhưng các nhà bình luận đang đặt câu hỏi: Tại sao Ấn Độ, ngày càng đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế, lại quyết định tổ chức hội nghị thượng đỉnh mà không có sự hiện diện trực tiếp của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các thành viên?

Tờ Hindu của Ấn Độ đưa tin rằng chỉ một tháng trước hội nghị thượng đỉnh, Bộ Ngoại giao nước này đã thông báo rằng hội nghị thượng đỉnh SCO sẽ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến chứ không phải với sự hiện diện trực tiếp của các lãnh đạo nước thành viên như kế hoạch.

Thông cáo báo chí của Bộ trên cho biết Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ chủ trì cuộc họp. Tất cả các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã được mời tham dự. Turkmenistan là khách mời thường trực và tổng thống các nước Belarus, Mông Cổ, Iran đã nhận được lời mời tham gia với tư cách quan sát viên.

Nhưng điều thay đổi về hình thức tổ chức lại không được đề cập trong tuyên bố mới nhất. Mặc dù trước đó lời mời tham dự trực tiếp đã được gửi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Pakistan Shahbaz Sharif và lãnh đạo các quốc gia thành viên Trung Á. Ngoài ra, tại cuộc gặp ở Goa (Ấn Độ) trước đó, Ngoại trưởng Ấn Độ Subramanyam Jaishankar và Tổng thư ký SCO Zhang Ming đã tuyên bố sẽ hợp tác để tổ chức hội nghị thượng đỉnh thành công.

Năm 2020, hội nghị thượng đỉnh SCO dưới sự chủ trì của Nga được tổ chức trực tuyến do đại dịch COVID-19, nhưng năm ngoái tất cả các nhà lãnh đạo đều có mặt tại cuộc họp ở Samarkand (Uzbekistan). Các nguồn tin nói với tờ Hindu rằng "những khó khăn về lịch trình" là lý do chính dẫn đến việc Ấn Độ thay đổi kế hoạch. New Delhi vẫn chưa nhận được xác nhận từ một số nhà lãnh đạo, trong đó có Trung Quốc và Pakistan.

Ngoài ra, cuộc xung đột ở Ukraine có thể phủ bóng đen lên sự tham gia của Tổng thống Nga Putin. Về phần mình, ông Modi đang rất bận rộn với các chuyến công du nước ngoài. Thủ tướng Ấn Độ đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ (19 – 24/6) và dự định đến tham Pháp, nơi dự kiến sẽ diễn ra một cuộc duyệt binh vào ngày 14/7 tới tại Paris.

Một khó khăn tiếp theo là việc xây dựng tòa nhà để tổ chức hội nghị thượng đỉnh trên quảng trường Pragati Maidan chưa hoàn thành. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao nước này nhấn mạnh, Ấn Độ vẫn cam kết đảm bảo thành công của hội nghị thượng đỉnh.

Một lời giải thích khác về quyết định của New Delhi được đưa ra bởi cựu Đại sứ Ấn Độ tại Kazakhstan, Thụy Điển và Latvia, Ashok Sajjanhar. Theo ông Sajjanhar, Bộ Ngoại giao Ấn Độ chưa bao giờ tuyên bố rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức theo "hình thức trực tiếp". Và quyết định về hình thức trực tuyến được đưa ra liên quan đến một số yếu tố. Thứ nhất, do cuộc xung đột Nga - Ukraine đang diễn ra ở châu Âu, thứ hai là căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Cuộc xung đột ở Ukraine dường như là một lý do khiến Tổng thống Putin khó công du nước ngoài vào thời điểm này. Trong khi đó, một cuộc thảo luận trực tuyến giữa ông Putin và Thủ tướng Modi có thể làm sáng tỏ các vấn đề quan trọng mà không cần gặp mặt trực tiếp. Trước hội nghị, cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc điện đàm vào ngày 30/6. Như thông cáo báo chí của Điện Kremlin nêu rõ: "Các nhà lãnh đạo tái khẳng định quan điểm chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt ưu tiên giữa Nga và Ấn Độ và nhất trí tăng cường các cuộc tiếp xúc sâu rộng hơn”.

Đối với Trung Quốc, Ấn Độ không nhận được phản hồi nào về sự tham gia của ông Tập Cận Bình. Do đó, New Delhi đã lựa chọn phương án "không chờ đợi". Hơn nữa, sau cuộc đụng độ giữa binh lính Ấn Độ và Trung Quốc ở biên giới vào tháng 4/2020, không có trao đổi thông tin liên lạc nào giữa Thủ tướng Modi và nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại