Lý do Tổng thống Croatia không cho quân đội tham chiến

Hoàng Vân |

Tìm hiểu lý do Tổng thống Croatia quyết định không cho quân đội tham chiến và ảnh hưởng đến tình hình quốc tế

 - Ảnh 1.

Một người lính Croatia đóng quân tại Ba Lan như một phần của Nhóm tác chiến hiện diện tiền phương tăng cường của NATO.

“Trong khi tôi là tổng thống và tổng tư lệnh, thì binh lính, sĩ quan và hạ sĩ quan Croatia sẽ không tham gia vào các hoạt động có thể kéo Croatia vào cuộc chiến với Nga”, Tổng thống Croatia, Zoran Milanovic, nói với các phóng viên hôm 4/10.

Nước cộng hòa Nam Tư cũ này đã là thành viên của khối do Mỹ lãnh đạo kể từ năm 2009. Chính phủ cánh hữu của nước này đã gửi vũ khí và trực thăng tới Ukraine, bất chấp sự phản đối của tổng thống, một đảng viên Dân chủ Xã hội.

Ông Milanovic đã từ chối đóng góp bất kỳ nhân sự nào cho Bộ Tư lệnh Hỗ trợ và Đào tạo An ninh NATO cho Ukraine (NSATU), mà khối này thành lập với mục đích điều phối viện trợ quân sự cho Kiev, với lý do điều này sẽ kéo Zagreb vào cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.

Zagreb được cho là sẽ gửi một số ít sĩ quan đến đội ngũ nhân viên NSATU gồm 700 người ở Wiesbaden, Đức.

Thủ tướng Croatia Andrej Plenkovic đã cáo buộc tổng thống "làm Croatia ngày càng cô lập trên trường quốc tế và phá hủy uy tín của nước này với tư cách là thành viên NATO".

Trong khi đó, NATO đã nhắc nhở Tổng thống Milanovic rằng, lệnh này đã được nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7 ở Washington, và rằng, nó sẽ không liên quan đến việc gửi bất kỳ quân đội nào đến Ukraine.

Khối do Mỹ lãnh đạo đã lập luận rằng, việc chi hàng trăm tỷ USD để trang bị vũ khí, huấn luyện và cung cấp cho nỗ lực chiến tranh của Kiev không thực sự biến họ thành một bên trong cuộc xung đột với Nga.

“Cho dù là một hay một trăm người lính, bất kể họ ở đâu, đây sẽ là sự hỗ trợ chỉ huy trực tiếp cho một bên tham chiến không phải là thành viên NATO, điều này nằm ngoài phạm vi lợi ích quốc gia của Croatia. Croatia có nghĩa vụ giúp đỡ các đồng minh, đó là những gì chúng tôi đã và đang làm. Mọi thứ khác đều là tham gia vào một cuộc chiến tranh, điều mà tôi sẽ không cho phép”, ông Milanovic nói.

Tổng thống Croatia đồng thời nhắc nhở khối rằng, Zagreb đã thể hiện cam kết của mình bằng cách tăng gần gấp đôi số lượng quân Croatia trong lực lượng biên giới NATO, từ 300 lên 520.

“Tôi chỉ chịu trách nhiệm trước người dân Croatia, không phải trước Washington và Brussels”, ông Milanovic cho biết.

Theo hiến pháp Croatia, Tổng thống Milanovic có quyền cấm triển khai quân đội ra nước ngoài. Nội các có thể phủ quyết tổng thống bằng hai phần ba số phiếu trong quốc hội, nhưng liên minh cầm quyền chỉ được 78 trong số 151 nhà lập pháp ủng hộ.

Nhà lãnh đạo Milanovic từ lâu đã chỉ trích chính sách của NATO là cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga. Ông cũng chỉ trích cách đối xử của EU với các quốc gia thành viên như Ba Lan và Hungary, và cáo buộc Brussels đối xử với Croatia như một đứa trẻ "chậm phát triển".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại