Lý do thực sự khiến Trung Quốc bất ngờ 'thả trôi' nhân dân tệ

Hương Giang |

Các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đã sụp đổ, Bắc Kinh không còn nhiều lý do để thúc đẩy đồng NDT chỉ để làm Nhà Trắng hài lòng.

Từ những năm 1960, Milton Friedman đã lập luận rằng tỷ giá hối đoái tự do có thể dẫn đến "thương mại quốc tế tự do hơn và giảm thuế quan". Đối với trường hợp của Trung Quốc , thì logic của ông lại bị đảo ngược. Ngày 1/8, Tổng thống Trump đã cảnh báo rằng ông sẽ áp mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

4 ngày sau đó, Bắc Kinh đáp trả bằng cách để tỷ giá đồng NDT được "thả" tự do. Theo đó, đồng NDT đã phá thủng ngưỡng tâm lý quan trọng 7 đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua. Thị trường chứng khoán toàn cầu cũng lao dốc sau thông tin trên, Dow Jones mất gần 800 điểm chỉ trong một phiên giao dịch.

Kể từ cuộc cải cách tỷ giá hối đoái vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc cho biết họ sẽ giữ giá trị của đồng NDT ổn định so với rổ tiền tệ lớn, hiện gồm 24 "thành viên", từ đồng Baht của Thái Lan cho tới Zloty của Balan.

Tổng tỷ trọng của đồng USD (và các đồng tiền tệ khác được neo theo đồng USD) trong rổ này là khoảng 30%. Tuy nhiên, điều đó nhấn mạnh rằng đồng USD vẫn là một đồng tiền tệ mạnh. Bởi hầu hết những người nắm giữ đồng NDT vẫn tập trung chú ý về mức giá của nó so với đồng bạc xanh, nên giới chức Trung Quốc cũng không thể rời mắt khỏi cặp tỷ giá này. Bất kỳ sự suy yếu đáng chú ý nào của đồng NDT so với đồng USD đều khiến thị trường lo lắng, dù cho điều gì có xảy ra với rổ tiền tệ kia. Và sự lo ngại ấy có thể leo lên nấc thang mới, khiến áp lực bán mạnh hơn.

Sức mạnh của đồng NDT đối với đồng USD cũng là mối quan tâm đặc biệt của ông Trump cùng các quan chức Mỹ. Điều kỳ lạ là có vẻ như ngài tổng thống tin chắc rằng các nước đang cố gắng lợi dụng Mỹ bằng cách hạ giá cho các sản phẩm của họ. Do đó, các quan chức của ông luôn đề phòng những dấu hiệu cho thấy chính phủ nước ngoài đang cố ý làm suy yếu đồng tiền của họ để khiến các sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh hơn. "Tiền sử" thao túng tiền tệ và thặng dư thương mại lớn với Mỹ của Trung Quốc là lý do tại sao đồng NDT luôn được theo dõi sát sao.

Bởi cả 2 nguyên nhân - nhằm khiến Nhà Trắng an tâm và trấn an những nhà đầu tư nắm giữ đồng NDT, giới chức Trung Quốc đã giữ cho đồng NDT không trượt xuống dưới mức 7. Ví dụ, trong nửa cuối năm 2018, PBOC đã hỗ trợ đồng nội tệ bằng cả lời nói và hành động, nhấn mạnh sự cần thiết của ổn định tỷ giá, việc mua đồng NDT ở hải ngoại và tăng chi phí quản lý đầu cơ tiền tệ.

Vậy tại sao hiện giờ Trung Quốc lại thay đổi cách tiếp cận? Trong những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã thắt chặt kiểm soát dòng vốn ra, vì vậy họ ít phải lo lắng rằng đồng NDT yếu đi sẽ khiến người dân Trung Quốc bán tháo tài sản trong nước để chạy theo ngoại tệ.

Ngân hàng trung ương nước này đã từng nói ngưỡng quan trọng này không giống như cái đập - khi bị phá vỡ sẽ gây tình trạng lũ lụt. Và giờ đây, các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ đã sụp đổ, Bắc Kinh không còn nhiều lý do để thúc đẩy đồng NDT chỉ để làm Nhà Trắng hài lòng.

Cuối cùng thì, đồng NDT yếu đi cũng là phản ứng tự nhiên của thị trường đối với thuế quan của Mỹ. Mức thuế mới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Trung Quốc - điều này sẽ làm giảm số lượng NDT họ có thể mua bằng USD trong hoạt động xuất khẩu. Hơn nữa, tỷ giá đồng NDT cũng phải chịu áp lực giảm giá ngay cả khi trở thành một đồng tiền tệ có tỷ giá thả nổi. Thật vậy, PBOC đã nhanh chóng đổ lỗi cho "chủ nghĩa bảo hộ thương mại" và "chủ nghĩa đơn phương" đã gây ra sự sụt giảm cho đồng nội tệ.

Trong động thái đáp trả, Nhà Trắng cáo buộc Bắc Kính sử dụng tiền tệ làm vũ khí trong cuộc chiến thương mại. Thế nhưng, sẽ chính xác hơn khi nói rằng Bắc Kinh đã ngừng hỗ trợ đồng nội tệ bởi họ thấy triển vọng cho hoà bình thương mại ngày càng mờ đục.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại