Lý do thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO là gì?

Mạnh Kiên |

Khả năng gia nhập NATO của Thuỵ Điển và Phần Lan đang gặp khó khăn khi Thổ Nhĩ Kỳ đã kịch liệt phản đối điều này. Nguyên nhân thực sự là gì?

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển và Phần Lan vào NATO?

Sau nhiều thập kỷ trung lập, hai quốc gia Bắc Âu là Thuỵ Điển và Phần Lan đã nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Nhưng có một trở ngại lớn trên con đường này mang tên Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tuyên bố không đồng ý với ý định gia nhập của hai quốc gia. Để có được tư cách thành viên của NATO, Phần Lan và Thụy Điển không thể thiếu sự chấp thuận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan là người đơn độc trong số các nhà lãnh đạo NATO khi công khai tuyên bố phản đối việc hai quốc gia tham gia liên minh.

Sự phản đối của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên quan điểm cho rằng Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ "những kẻ khủng bố".

Ý của ông Erdogan là cả hai quốc gia này đều chở che cho các thành viên của đảng Công nhân người Kurd (PKK) - nhóm vũ trang bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ coi là mối đe doạ khủng bố.

Vấn đề người Kurd từ lâu đã trở thành khúc mắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia đồng minh phương Tây, theo Asia Times.

Bất chấp việc PKK bị Mỹ và EU liệt vào danh sách khủng bố, Phần Lan và Thụy Điển đã miễn cưỡng trong việc dẫn độ các thành viên của nhóm này về Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Phần Lan và Thụy Điển cũng trở nên trầm trọng hơn khi quốc gia này có những người ủng hộ giáo sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen - người bị cáo buộc đứng sau dàn dựng cuộc đảo chính năm 2016.

Ở hướng ngược laị, hai quốc gia Bắc Âu từng lên án cuộc tấn công năm 2019 của Thổ Nhĩ Kỳ vào Syria, nhắm mục tiêu vào người Kurd tại đây.

Các quy tắc gia nhập liên minh chiến lược đòi hỏi sự nhất trí của các thành viên NATO hiện tại.

Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Lý do thực sự khiến Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thuỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO là gì? - Ảnh 1.

Lý do thật sự là gì?

Bế tắc hiện tại nêu ra những chia rẽ trong liên minh NATO, nơi các thành viên có những mục tiêu và lợi ích không tương đồng nhau.

Tiến sĩ Paul Levin, giám đốc sáng lập Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đại học Stockholm, nói với Euronews rằng mối quan tâm hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ là sự hiện diện của các nhà hoạt động PKK ở Thụy Điển.

Ông Levin cho biết: "Với Thổ Nhĩ Kỳ, PKK là mối quan tâm an ninh quốc gia cốt lõi. Thụy Điển không hoàn toàn có cùng quan điểm về mối đe dọa đó".

"Vì vậy, đó là một cơ hội tự nhiên đến, khi Thụy Điển muốn gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nêu rõ quan điểm của mình và yêu cầu Thụy Điển phải tính đến điều này".

Sinan Ülgen, cựu quan chức ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và Kinh tế có trụ sở tại Istanbul, nói rằng Ankara sau cùng sẽ muốn có những yêu cầu khác để đáp ứng ý muốn gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu.

"Theo tôi, Thổ Nhĩ Kỳ có những yêu cầu chính đáng. Ví dụ, Thụy Điển nên dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói với Euronews.

Theo CNN, các nhà phân tích cho rằng quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO có thể được sử dụng như một đòn bẩy không chỉ chống lại các thành viên tương lai mà còn cả những thành viên hiện tại.

"Vấn đề không chỉ là Thụy Điển và Phần Lan", Asli Aydintasbas, chuyên gia chính sách cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu nhấn mạnh,

"Tổng thống gần như chắc chắn coi đây là thời điểm cơ hội để bày tỏ sự bất bình của mình về các thành viên NATO hiện tại, đặc biệt là với chính quyền Biden, vốn có những xích mích gần đây".

Aydintasbas chỉ ra rằng đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ phản đối các thành viên mới.

"Không chắc Erdogan đã nghĩ đến một mục tiêu chính sách cụ thể, nhưng chắc chắn ông ấy muốn có được sự thuyết phục, nhượng bộ và cuối cùng được ca ngợi cho sự hợp tác của mình, giống trong quá khứ", Aydintasbas đề cập đến những lời đe dọa phủ quyết trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại