Lý do Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải

Hoàng Phạm |

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Nếu nỗ lực này thành công, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên đầu tiên của NATO gia nhập tổ chức Á-Âu có cả Nga và Trung Quốc.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan ngày 16/9 vừa qua với tư cách khách mời đặc biệt. Ảnh: AFP

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan ngày 16/9 vừa qua với tư cách khách mời đặc biệt. Ảnh: AFP

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand, Uzbekistan, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách gia nhập tổ chức này. Ông Erdogan tham dự sự kiện năm nay với tư cách khách mời đặc biệt.

“Mối quan hệ của chúng tôi với các nước này sẽ chuyển sang một vị thế rất khác với bước đi sắp tới”, Tổng thống Erdogan phát biểu với các phóng viên hôm 17/9.

Khi được hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đang tìm cách chính thức gia nhập SCO hay không, ông Erdogan trả lời: “Tất nhiên, đó là mục tiêu của chúng tôi”. Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ “lịch sử và văn hóa” với lục địa châu Á và muốn đóng vai trò trong SCO – tổ chức chiếm hơn 30% GDP toàn cầu.

Sức hút của SCO

Thổ Nhĩ Kỳ đã liên kết với SCO từ năm 2013, sau khi nước này ký thỏa thuận đối tác. Năm 2016, Tổng thống Erdogan cũng từng công khai bày tỏ mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

Tại hội nghị Thượng đỉnh ở Uzbekistan vừa qua, quốc gia Trung Đông đầu tiên – Iran, đã chính thức trở thành thành viên đầy đủ của SCO. Cũng nhân dịp này, SCO đã trao tư cách đối tác đối thoại cho Ai Cập, Saudi Arabia và Qatar, đồng thời đạt được thỏa thuận về việc công nhận Bahrain, Maldives, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait và Myanmar là các đối tác đối thoại mới.

Có thể thấy, ngày càng có nhiều quốc gia Trung Đông tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với SCO. Tương lai mở rộng thêm nhiều thành viên cùng số lượng các nước tham gia hoạt động của SCO ngày càng tăng lên mỗi năm, trong đó bao gồm cả những nước đồng minh của Mỹ, càng chứng tỏ vị thế và tầm ảnh hưởng của tổ chức này.

SCO theo đuổi một khái niệm an ninh mới với các nguyên tắc hợp tác không liên kết, không đối đầu và không nhằm vào các bên thứ ba, đồng thời nhấn mạnh sự tin tưởng lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, tôn trọng sự đa dạng của các nền văn minh, theo đuổi sự phát triển chung giữa các quốc gia thành viên. Điều này có lợi cho tất cả các quốc gia thành viên, các nước quan sát và các đối tác đối thoại.

Sau vụ tấn công 11/9/2001, chính sách chống khủng bố kéo dài 20 năm của Mỹ ở Trung Đông đã chứng tỏ rằng nó mang tính chất tiêu cực nhiều hơn là tính xây dựng đối với khu vực. Điều này có thể giải thích tại sao một số quốc gia vùng Vịnh như Bahrain, Qatar và Saudi Arabia, những quốc gia có quan hệ tương đối chặt chẽ với Mỹ, cũng thể hiện sự quan tâm đối với SCO.

Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới SCO?

Theo Global Times, mối quan hệ không mấy suôn sẻ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây là một trong những lý do Ankara hướng tới SCO. Ankara nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1987 và được trao tư cách ứng cử viên vào năm 1999, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ đó. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ cảm nhận được sự “xa lánh” của các nước châu Âu, đặc biệt là khi so với Ukraine.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đề nghị để Kiev được gia nhập EU ngay lập tức. Ủy ban châu Âu phản hồi bằng cách đề xuất trao quy chế ứng cử viên cho Ukraine (cùng với Moldova). Tháng 6/2022, 27 nhà lãnh đạo EU đã nhất trí phê chuẩn đề xuất đó. Điều này khiến Thổ Nhĩ Kỳ thất vọng.

Trong khi đó, “chính sách Hướng Đông” của Thổ Nhĩ Kỳ trên các khía cạnh kinh tế, chính trị và văn hóa, có nhiều dư địa. Điều này có thể giải thích tại sao Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện quan tâm tới việc gia nhập SCO.

Ông Tian Wenlin, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng có trở thành một quốc gia thành viên của SCO hay không phụ thuộc phần lớn vào việc ý định này có thể tồn tại được bao lâu.

Theo ông Tian, mặc dù đều là quốc gia Trung Đông, nhưng vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ rất khác so với Iran. Do luôn phải chịu sự cô lập của Mỹ và phương Tây, Iran có thiện chí trở thành thành viên SCO mạnh mẽ hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với SCO sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ tương lai của nước này với phương Tây.

Con bài mặc cả của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây

Các nhà phân tích an ninh phương Tây có xu hướng bác bỏ tầm quan trọng địa chiến lược của SCO và hạ thấp tiềm năng của tổ chức này như một tổ chức đối trọng với NATO. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác với SCO sẽ gióng lên một hồi chuông cảnh báo ở châu Âu và Mỹ bởi Ankara đóng vai trò chiến lược quan trọng đối với phương Tây khi giải quyết các thách thức an ninh khu vực.

Theo Quỹ Marshal Đức của Mỹ (GMFUS), quyết tâm của Ankara trong việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho NATO đặt ra những thách thức đáng kể về cấu trúc an ninh xuyên Đại Tây Dương hiện nay.

Các nước Trung và Đông Âu lo ngại việc một thành viên NATO có quan hệ hợp tác với một tổ chức an ninh mà Nga đóng vai trò nòng cốt. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với SCO trong tương lai, Ankara sẽ trở thành nguy cơ gây mất lòng tin chính trong NATO.

Mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ-SCO cũng sẽ đặt ra thách thức trong việc hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương. Ngay cả tư cách quan sát viên của Thổ Nhĩ Kỳ trong SCO cũng khiến các thành viên NATO dè dặt hơn trong việc chia sẻ thông tin với Ankara.

Dù vậy, hầu hết các chuyên gia đều hoài nghi về triển vọng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành thành viên đầy đủ của SCO. Họ bác bỏ quan điểm cho rằng sự quan tâm của Ankara đối với SCO có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển từ phe phương Tây sang phe phương Đông. Chính sách ngoại giao cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ không phải là định hướng lại chính sách đối ngoại mà là một nỗ lực nhằm mở rộng các lựa chọn chiến lược và quyền tự chủ của Ankara.

Mặt khác, tư cách thành viên đầy đủ của SCO sẽ mang lại cho Thổ Nhĩ kỳ đòn bẩy mới trong các cuộc thương lượng với phương Tây và tạo dựng thêm các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ chặt hơn trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Erdogan đang nỗ lực ổn định nền kinh tế trước cuộc bầu cử năm 2023./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại