Xác định thu ngân sách nhà nước (NSNN) có vai trò rất quan trọng, bảo đảm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tạo mọi điều kiện để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế.
Cụ thể, ngành thuế Thanh Hóa đã thực hiện chuyển đổi số , hoàn thành nhiệm vụ triển khai sử dụng hóa đơn điện tử nhằm hạn chế rủi ro trong công tác quản lý thuế; thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách theo các cơ chế, chính sách của Chính phủ, của tỉnh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính thuế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
Cục Thuế Thanh Hóa đã tổ chức đa dạng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tương tác người nộp thuế theo phương thức điện tử, gián tiếp; cung cấp các dịch vụ đăng ký thuế, nộp thuế, tra cứu hóa đơn điện tử. Đồng bộ sử dụng hóa đơn điện tử tạo thuận lợi, bảo đảm quyền, nghĩa vụ cho đối tượng nộp thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước.
Trong năm, ngành Thuế Thanh Hoá đã tiếp nhận và đăng ký mới hơn 3.640 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc, đạt 121,4% kế hoạch của UBND tỉnh, gần 700 doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh, hơn 1.280 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.
Trong khi đó, với mục tiêu đưa Thanh Hóa tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn và tin cậy cho các nhà đầu tư, UBND tỉnh Thanh Hoá đã có nhiều văn bản yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ các chỉ số thành phần liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh. Trong đó, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử; triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, với tâm thế chủ động đương đầu, tự lực vượt khó, cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa đã để lại những dấu ấn, đặc biệt, một số lĩnh vực tăng trưởng cao như công nghiệp - xây dựng, dịch vụ... Rất nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh bộn bề thách thức đã chủ động nhiều phương án thích ứng mới, từ đầu tư công nghệ tới con người để nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh nhằm củng cố vị thế, ổn định và phát triển sản xuất.
Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, việc thu NSNN của Thanh Hoá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như, khối doanh nghiệp dân doanh ước thu ngân sách Nhà nước năm 2023 được gần 3.170 tỷ đồng, đạt 120,9% dự toán giao, bằng 114,8% so cùng kỳ.
Đáng chú ý, dù thị trường bất động sản khó khăn, tuy nhiên số thu từ đất vẫn đạt 9.860 tỷ đồng. Trong đó, thu tiền sử dụng đất năm 2023 được 8.900 tỷ đồng, đạt 125,4% dự toán giao, bằng 65,6% so với cùng kỳ. Thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước năm 2023 được 960 tỷ đồng, đạt 174,5% dự toán giao, bằng 155% so với cùng kỳ.
Theo đánh giá của các ngành chức năng Thanh Hóa, một trong những nguyên nhân thu NSNN của Thanh Hóa đạt kết quả trên là do ngành Thuế Thanh Hóa đã nắm bắt kịp thời việc Chính phủ ban hành Nghị định về sửa đổi, bổ sung tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý và tình hình thu ngân sách năm 2022 để chỉ đạo, điều hành nên một số nguồn thu chuyển nộp năm 2023 theo đúng quy định của pháp luật; giải quyết hoàn thuế chặt chẽ đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; tập trung xác minh, xử lý các doanh nghiệp vi phạm về hóa đơn, chống gian lận về thuế..
Theo ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, sự vào cuộc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, nỗ lực, đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người dân, các đơn vị sản xuất, hộ kinh doanh cùng ngành thuế và Hải quan Thanh Hóa đã tạo ra giá trị kinh tế cùng nguồn thu cho NSNN; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp quản lý, điều hành thu NSNN.
Kết quả thu NSNN năm 2023 đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, cũng như tạo thuận lợi để tiếp tục duy trì ổn định kinh tế, chính trị, xã hội năm 2024. Từ đó từng bước hiện thực hóa mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đưa Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.
Trao đổi với PV Tiền Phong , ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thanh Hóa - cho biết, trong bối cảnh khó khăn nói chung, đặc biệt khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp mà Thanh Hóa có kết quả thu NSNN cao như vậy đã phản ánh rõ nét bức tranh về môi trường đầu tư tại Thanh Hóa.
"Môi trường đầu tư tốt, thuận lợi đã tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế, thu NSNN vượt dự toán được giao" - ông Hiệu nói.
Giám đốc VCCI Thanh Hóa cũng cho rằng, thu NSNN của địa phương năm 2023 vượt dự toán thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, việc triển khai đồng bộ các giải pháp của các cấp, ngành trong việc tạo điều kiện để doanh nghiệp vượt khó, duy trì sản xuất, phát triển cũng như thực hiện tốt việc thu NSNN.
Theo thống kê, năm 2023 tổng thu nội địa trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đạt 26.391 tỷ đồng, đạt 120,8% dự toán tỉnh giao, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu do ngành hải quan thực hiện ước đạt 16.888 tỷ đồng thì tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá năm 2023 đạt 43.279 tỷ đồng, vượt 22,5% dự toán được giao.