Sau khi Houthi, nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn, kiểm soát thủ đô Sanaa của Yemen năm 2014, Saudi Arabia đã dẫn đầu một liên minh các nước Arab can thiệp quân sự vào nước láng giềng phía Nam.
Với sự hỗ trợ và vũ khí từ Mỹ, các phi công Saudi Arabia đã tiến hành chiến dịch “Cơn bão quyết định” ở Yemen vào tháng 3/2015. Khi đó giới chức Riyadh dự đoán có thể nhanh chóng đánh bại lực lượng nổi dậy có tên Houthi và hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi được quốc tế công nhận khôi phục quyền lực.
Thực tế, liên minh các nước Arab đã mất nhiều năm sa lầy trong một cuộc xung đột mà sau đó nó dẫn đến giao tranh giữa nhiều nhóm vũ trang, làm tiêu tốn hàng tỷ USD ngân sách của Saudi Arabia.
Saudi Arabia và đối tác chính, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), cuối cùng đã giảm quy mô can thiệp quân sự, một phần do áp lực của Mỹ. Các đại diện của Saudi Arabia tham gia đàm phán hòa bình với Houthi, lực lượng đã kiểm soát miền Bắc Yemen.
Cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza một lần nữa đưa Houthi trở thành tâm điểm chú ý.
Lực lượng Houthi gần đây liên tiếp tập kích các tàu hàng mà nhóm cho là có liên hệ với Israel tại Biển Đỏ, thậm chí nhắm mục tiêu cả tàu chiến Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ hàng hải ở khu vực, để phản đối chiến dịch của Tel Aviv nhằm vào lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Houthi và Hamas là thành viên của “trục kháng chiến” do Iran dẫn dắt để chống Israel ở Trung Đông.
Mỹ đã vận động thành lập một liên minh hàng hải quốc tế để ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi và đang cân nhắc các biện pháp khác để đối đầu với nhóm này. Tuy nhiên, Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng của Mỹ, dường như chỉ đứng bên lề theo dõi mọi diễn biến.
Saudi Arabi không muốn bị kéo trở lại xung đột với Houthi
Đối với Riyadh, triển vọng hòa bình ở biên giới phía Nam là mục tiêu quan trọng hơn so với việc tham gia nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công mà Houthi tuyên bố là nhắm vào Israel.
Thái tử Mohammed bin Salman hiện là người cầm quyền về mặt thực tế ở Saudi Arabia và ông không muốn Riyadh bị lôi kéo trở lại vào một cuộc xung đột với Houthi.
“Để có một khu vực ổn định, cần phải phát triển kinh tế trong toàn khu vực”, Thái tử Mohammad bin Salman đã nhấn mạnh như vậy trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 9, khi giới chức Saudi Arabia tiếp đón một phái đoàn Houthi ở thủ đô Riyadh.
Với mục tiêu thúc đẩy Saudi Arabia thành một trung tâm kinh doanh toàn cầu vào năm 2030, Thái tử Mohammad đã nỗ lực làm dịu các cuộc xung đột và căng thẳng trên khắp Trung Đông, bao gồm cả việc nối lại quan hệ với Iran – một đối thủ của Riyadh trong khu vực.
Theo các nhà phân tích, Saudi Arabia sẽ không muốn chứng kiến tên lửa của Houthi bay qua Riyadh hay rơi xuống các thị trấn phía Nam nước này như trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc xung đột ở Yemen.
“Sự leo thang không mang lại lợi ích cho bất cứ ai. Chúng tôi cam kết chấm dứt chiến tranh ở Yemen và chúng tôi cam kết ngừng bắn lâu dài để mở ra cơ hội cho một tiến trình chính trị”, Hoàng thân Faisal bin Farhan, Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình đầu tháng này.
Chiến lược hiện nay của Saudi ở Yemen là tránh hành động quân sự trực tiếp, đồng thời hướng tới xây dựng mối quan hệ với các phe phái Yemen. Điều này xuất phát từ thực tế sau 8 nội chiến ở Yemen, Houthi đã giành chiến thắng.
Triển vọng đàm phán tích cực
Giao tranh tại Yemen lắng dịu hơn một năm qua sau khi Saudi Arabia và Houthi đạt thỏa thuận đình chiến do Liên Hợp Quốc làm trung gian. Hai bên hiện đang đối thoại về khả năng thiết lập lệnh ngừng bắn lâu dài.
Trước khi cuộc xung đột Gaza bùng phát vào đầu tháng 10, lực lượng Houthi đã chuẩn bị ký một thỏa thuận hòa bình do Mỹ và Saudi Arabia hậu thuẫn. Thỏa thuận này có khả năng củng cố vị thế quyền lực của Houthi và cho phép cộng đồng quốc tế tuyên bố kết thúc chiến tranh ở Yemen.
Các nhà phân tích cho rằng, phản ứng của Houthi đối với cuộc xung đột ở Gaza dường như không khiến Saudi Arabia giảm bớt mong muốn đạt được một thỏa thuận về Yemen, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại.
Ông Ahmed Nagi, nhà phân tích cấp cao về Yemen tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG), cho biết: “Cuộc xung đột ở Gaza không làm suy yếu các cuộc đàm phán giữa Houthi và Saudi Arabia. Ngược lại, nó còn khiến hai bên xích lại gần nhau hơn”.
Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times vào cuối tháng 9, ông Ali al-Qahoom, thành viên Hội đồng chính trị tối cao của Houthi, nói rằng các cuộc đàm phán với Saudi Arabia “rất nghiêm túc và lạc quan”. Hai bên đã thảo luận về cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc trả lương cho công chức và khả năng mở lại các sân bay và bến cảng.
“Quan điểm của chúng tôi khá tương đồng. Điều đang cản trở các bên đạt được thỏa thuận là Saudi Arabia, UAE, Anh và Mỹ từ chối nghĩa vụ giải quyết sự tàn phá do 8 năm chiến tranh gây ra và các vấn đề khác như tái thiết và bồi thường”, ông al-Qahoom nói.
Ông Qahoom dường như ám chỉ đến khoản tiền bồi thường mà Houthi muốn nhận được từ Saudi Arabia như một phần khuyến khích cho bất kỳ thỏa thuận nào.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Saudi Arabia có thể sẽ đưa ra một số hình thức thanh toán để thực hiện thỏa thuận.
Mối quan hệ với Iran
Bên cạnh các cuộc đàm phán với Houthi, Saudi Arabia cũng tiếp tục xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn với Iran – vốn là đối thủ lâu năm của Riyadh trong khu vực. Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã có chuyến thăm đầu tiên tới Riyadh vào tháng 11 vừa qua.
Khi Mỹ tuyên bố thiết một lực lượng đặc nhiệm hải quân để đối phó với mối đe dọa do Houthi gây ra ở Biển Đỏ, cả Saudi Arabia và UAE đều từ chối tham gia vào nỗ lực này. Bahrain là quốc gia Arab duy nhất đồng ý và họ đã vấp phải sự chỉ trích trong nước vì quyết định này.
“Saudi Arabia không quan tâm đến bất kỳ nỗ lực nào của phương Tây nhằm bảo vệ Israel”, ông Sulaiman al-Oqeliy, một nhà bình luận chính trị Saudi Arabia nhận định.
Nhiều chuyên gia ở vùng Vịnh cũng bày tỏ thất vọng với Mỹ và lập luận rằng rằng chính sách của Washington về cuộc chiến ở Yemen đã tạo điều kiện cho lực lượng Houthi phát triển mạnh mẽ.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho hay, Mỹ tôn trọng quyết định của các quốc gia, bởi một số nước có thể có “lý do trong nước” để không tham gia lực lượng đặc nhiệm.
Theo một số quan chức Mỹ, các nhà hoạch định quân sự nước này đã chuẩn bị các mục tiêu sơ bộ của Houthi ở Yemen trong trường hợp Nhà Trắng ra lệnh tấn công trả đũa. Tuy nhiên, Nhà Trắng dường như không muốn đáp trả quân sự với Houthi, bởi điều đó có nguy cơ gây ra một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực.