Lý do sâu xa khiến võ sư Karate muốn thay Nam Huỳnh Đạo tỉ thí cao thủ Vịnh Xuân

Lê Sơn |

Không màng tới thắng thua, võ sư Đoàn Bảo Châu có lý do rất riêng để gửi lời thách đấu tới Pierre Francois Flores – người từng hai lần “tuyên chiến” Chưởng môn Nam Huỳnh Đạo.

Chỉ trong ít ngày qua, võ sư môn Vịnh Xuân người Canada Pierre Francois Flores đã 2 lần gửi lời thách đấu tới Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt phái Nam Huỳnh Đạo. Trong khi lời đề nghị còn chưa có hồi âm, Flores lại bất ngờ nhận được lời đề nghị so găng từ võ sư Karatedo Đoàn Bảo Châu.

Nhưng võ sư Đoàn Bảo Châu là ai và tại sao ông lại muốn "tỉ thí" với vị cao thủ Vịnh Xuân?

*PV: Anh nghĩ việc võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt thờ ơ trước 2 lần thách đấu của Pierre Francois Flores là vì lý do gì và theo anh có nên lựa chọn giải pháp im lặng như vậy?

- Võ sư Đoàn Bảo Châu: Việc im lặng hay không đấy là lựa chọn riêng của mỗi người. Người ngoài có thể không thể hiểu được hết lý do. Có thể một số người cho rằng võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt sợ nhưng có lẽ chúng ta không nên võ đoán. Song nếu là tôi, dù có từ chối lời thách đấu thì tôi cũng sẽ đưa ra những lời giải thích rõ ràng.

*Nếu để đánh giá chủ quan về đẳng cấp giữa hai võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt và Pierre Francois Flores thì anh nghĩ trinh độ của ai nhỉnh hơn?

- Nhìn bên ngoài thì cũng khó đoán. Có thể nếu dựa theo quan sát thông thường, nhiều người sẽ nghĩ Flores giỏi hơn. Tuy nhiên, dù tôi không tin những pha biểu diễn khí công của võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt là thật nhưng tôi tin ông ấy là một võ sư giỏi. Việc thi đấu sẽ không thể biết mèo nào cắn mỉu nào.

Hơn nữa, việc thắng thua bằng chân tay cũng không thể đo lường được giá trị của mỗi võ sư bởi giao đấu chỉ là một khía cạnh của võ thuật. Võ thuật là thứ rộng hơn thế rất nhiều.

Lý do sâu xa khiến võ sư Karate muốn thay Nam Huỳnh Đạo tỉ thí cao thủ Vịnh Xuân - Ảnh 1.

Võ sư Đoàn Bảo Châu muốn thách đấu cao thủ Vịnh Xuân Pierre Francois Flores.

*Vậy tại sao anh lại thách đấu Pierre Francois Flores thay vì Chưởng môn Huỳnh Tuấn Kiệt?

- Thường tôi không rủ ai giao đấu bao giờ mà chỉ có ai đó rủ thì tôi mới đấu. Tôi nghĩ một người luyện võ không nhất thiết phải tìm tới việc thách đấu để phân cao thấp bởi võ học vốn là một thứ rất mênh mông. Chỉ sợ mình không vượt qua được chính mình, sợ không có khát khao để vươn lên thôi.

Tôi không phải là một ngôi sao võ thuật nhưng tôi là người đam mê võ thuật. Khi tôi mời Flores giao đấu, vấn đề quan trọng không phải là chuyện thắng thua.

Theo tôi, việc rủ một người khác giao đấu đó là sự giao tiếp về nghệ thuật chiến đấu, nó là một thứ văn hóa rất cao. Giao đấu trong võ thuật đúng nghĩa là kể cả khi một người bị thua cuộc, bị chấn thương hoặc đổ máu thì vẫn không có sự thù hận trong đó mà hai người đều phải coi nhau là bạn bè, anh em. Tôi nghĩ giao đấu là để gần nhau hơn chứ không phải để xa nhau hơn.

Theo những gì tôi quan sát thì võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt có vẻ như không muốn giao đấu với Flores. Nếu tôi là Flores, tôi sẽ không tiếp tục gây sức ép nữa. Nhưng tôi rất ấn tượng với Flores. Anh ấy là một người chính trực, thấy điều vô lý là phải tìm hiểu. Tôi rất trân trọng điều đó.

*Nếu anh thua, anh có sợ đánh mất danh dự của chính mình?

- Nếu chúng ta quan niệm danh dự dựa trên kết quả thắng thua trong một trận đấu thì điều đó rất thiển cận. Kể cả khi tôi bị Flores đánh sấp mặt xuống đất, tôi tin các học trò của tôi vẫn sẽ tôn trọng tôi.

Tôi nghĩ, việc bị đánh gãy răng, chảy máu, vào viện nằm vài ngày là chuyện rất bình thường, chẳng có gì phải e ngại với một người luyện võ.

Với tôi, mình có như thế nào thì cứ thể hiện đúng như vậy. Tôi chưa khi nào tự nhận mình là một "siêu nhân" hay là một cao thủ gì ghê gớm nên việc thắng thua với tôi không quan trọng.

Võ sư Đoàn Bảo Châu thi triển quyền cước cách đây đúng 30 năm (năm 1987)

*Anh sẽ chuẩn bị thế nào nếu Flores đáp lại lời thách đấu? Anh nói bị hạn chế về tầm vóc và hình như là võ sư Pierre Francois Flores có trẻ hơn anh nhiều tuổi. Bất lợi như vậy, sao anh vẫn muốn thách đấu?

- Tôi nghĩ anh ấy sẽ không từ chối lời mời của tôi. Việc thi đấu với tôi là chuyện bình thường vì hàng ngày tôi vẫn tập luyện thường xuyên. Thậm chí khi dậy học trò, chính tôi còn là người phải vận động nhiều nhất.

Việc thách đấu Flores sẽ nhóm lên trong tôi một khát vọng mới, một hy vọng mới và bắt tôi nghiêm túc hơn trong tập luyện.

Như đã nói, nếu thua tôi cũng rất vui, bởi ý nghĩa của võ học không phải là thắng thua ai, mà quan trọng nhất là hoạt động ấy sẽ khiến ta định nghĩa lại bản thân mình. Ta sẽ nhìn về võ thuật của mình ở một góc độ khác. Và nếu có cái nhìn tích cực thì những trải nghiệm luôn rất tốt cho người theo đuổi võ học.

Chúng ta quen nhìn việc thua một trận đấu là kết thúc sự nghiệp võ học nhưng không phải vậy. Giá trị của một võ sư không phải là thắng thua mà bởi tri thức và thái độ đúng đắn về võ học.

Việc cọ sát là cần thiết để võ học phát triển nhưng với điều kiện là ta không coi thắng thua quan trọng. Mà điều ý nghĩa hơn là chúng ta nhóm lên được tinh thần thượng võ. Hơn nữa, nếu chỉ vì tầm vóc thì một ngày nào đấy có một kẻ cướp to khoẻ vào nhà bạn, bạn sẽ chỉ còn biết sợ hãi.

*Anh từng nói mình trải qua những lần cay đắng vì võ thuật. Vậy anh có thể kể chi tiết hơn về những cay đắng này?

- Từ hồi 13-14 tuổi, tôi đã rất thích võ thuật. Lúc đầu tôi tập Vịnh Xuân của cụ Bình Bún, rồi tập của thầy Xuân Thi. Khi anh trai tôi tập Karate, tôi chuyển sang tập môn này và vô cùng đam mê…

Với tôi, võ thuật là một khát kháo cháy bỏng. Ví dụ một đòn đá ngang tôi có thể tập gần 1000 lần/ngày, thức dậy tập từ 5h sáng, đến nỗi sàn hè bóng loáng… Bất chấp mọi khó khăn, tôi đã dồn rất nhiều công sức và tâm huyết vào việc tập luyện võ thuật.

Nhưng rồi bao nhiêu hy vọng, bao sự khổ luyện của mình không đạt được kết quả mong muốn. Tôi tầm vóc nhỏ, cao có 1.61 nên rất thiệt thòi trong giao đấu. Tôi không lọt được vào đội tuyển quốc gia. Khát vọng của tôi gặp lối cụt.

Lý do sâu xa khiến võ sư Karate muốn thay Nam Huỳnh Đạo tỉ thí cao thủ Vịnh Xuân - Ảnh 3.

Theo Đoàn Bảo Châu, việc thắng hay thua trên võ đài chưa đủ nói lên giá trị của một võ sư.

*Trận đấu nào mà anh cảm thấy đáng nhớ nhất?

- Ngoài những trận đấu giải thì không có mấy ấn tượng. Nhưng thời 16-17 tuổi, tôi đã bị rất nhiều người thách đấu. Hồi đó có lần một anh to cao và nhiều tuổi hơn tôi, nhà ở Cầu Giấy, cũng là người dậy võ đã rủ tôi giao đấu. 

Tôi nhận lời và đạp xe tới nhà anh ấy vào sáng hôm sau. Đến nơi, anh ấy đang dậy võ cho học trò. Trước khi đấu, tôi có đi hai bài quyền và phần nào uy hiếp được đối phương.

Trước lúc đấu, anh ấy bảo đám học trò đi ra ngoài nhưng tôi liền bảo cứ để họ ở lại. Thế rồi trong lúc tỉ thí, tôi dùng đòn đá lướt và xoay gót khiến anh ấy dình đòn liên tục. Hai ngày sau, đi đường gặp thấy anh ấy dán băng đầy mặt vì dính nhiều vết thương quá. Cho đến giờ, trận đấu đó vẫn là một kỷ niệm đẹp với tôi.

*Anh là e trai của võ sư Đoàn Đình Long – người sáng lập hệ phái Đoàn Long Karatedo Việt Nam. Vậy chắc anh cũng sở hữu ít nhiều tuyệt kỹ của Karate chứ?

- Thực ra thì tôi không nghĩ là được truyền nhiều tuyệt kĩ gì. Bởi tôi xa võ thuật từ năm 1993 và hoạt động võ thuật của tôi giờ khá độc lập. Tôi tham khảo nhiều trên mạng và tôi cũng không dám nhận mình là một cao đồ của võ sư Đoàn Đình Long.

Nhưng nghị lực của anh trai và cũng là người thầy của tôi thì quá kinh ngạc - một người mổ tim đến 3 lần nhưng vẫn tập luyện và cống hiến rất nhiều cho võ thuật. Riêng điều đó đã khiến anh ấy là một người thầy lớn của tôi rồi.

Võ sư Đoàn Bảo Châu giới thiệu một vài động tác trong môn Karate Do

*Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng việc anh mời võ sư Vịnh Xuân chỉ là một hành động nhằm tìm kiếm sự nổi tiếng?

- Võ học là một con đường vô cùng nhọc nhằn. Tìm được sự nổi tiếng trong ấy không dễ chút nào. Mà tôi cũng đã qua cái tuổi để tìm vinh quan trong võ học. Tôi chỉ tâm nguyện dùng những hiểu biết và kĩ năng của mình trong việc phát triển phong trào.

Hơn nữa, tôi còn có niềm đam mê văn học và nếu muốn tìm kiếm sự nổi tiếng, tôi thà dồn công sức của mình vào lĩnh vực khả quan ấy hơn.

Việc muốn giao lưu với Flores chỉ đơn giản là bởi tôi muốn nói lên một quan niệm mới của riêng tôi về giao đấu võ thuật. Một quan niệm mở, gạt bỏ tự ái, tự cao để hoà nhập theo tinh thần thượng võ cao thượng.

*Được biết ngoài là võ sư thì anh còn là phóng viên? Vậy lịch tập hoặc huấn luyện võ của anh như thế nào?

- Tôi không chỉ là phóng viên. Thời gian tôi dành nhiều cho việc viết tiểu thuyết. Tôi đã viết được 5 cuốn và xuất bản 3 cuốn. Đây có thể nói là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Tôi đã thất bại trong võ thuật đỉnh cao. Giờ tôi chỉ lấy việc truyền thụ lại niềm đam mê cho thế hệ trẻ là niềm vui.

*Vâng. Xin cảm ơn võ sư vì những quan điểm rất thượng võ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại