Lý do rất ít hãng chế tạo chip của Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi ‘Made in USA’

Tuấn Linh |

Ngày càng nhiều công ty chế tạo linh kiện bán dẫn đặt cứ điểm sản xuất ở châu Á, không hào hứng trước lời kêu gọi của chính quyền Mỹ dịch chuyển sản xuất về nội địa.

Năm 1990, Mỹ và châu Âu chiếm tới ¾ sản lượng của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Nay tỉ lệ đó giảm xuống còn chưa đầy ¼. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan/Trung Quốc và Trung Quốc đã vươn mình trỗi dậy. Riêng Trung Quốc đang trên con đường trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Điểm trung tâm đưa tới dịch chuyển sản xuất ngành bán dẫn chính là việc các chính phủ nước ngoài đưa ra nhiều đề nghị hấp dẫn về tài chính trong xây dựng nhà xưởng sản xuất, đổi lại họ có thêm cơ hội để phát triển ngành công nghiệp nội địa. Các công ty bán dẫn cũng bị cuốn hút bởi mạng lưới chuỗi cung ngày một mở rộng nằm ở bên ngoài nước Mỹ, cùng với đó là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước sở tại, đủ năng lực vận hành dây truyền, máy móc đắt tiền.

Tính đến cuối năm 2019, thị phần của các công ty chế tạo chip có trụ sở đặt tại Mỹ chiếm 47% sản lượng toàn cầu. Nhưng thực tế ngành sản xuất bán dẫn đã dịch chuyển khỏi Mỹ trong vài thập kỉ gần đây. Intel, tập đoàn chip lớn nhất của Mỹ tính trên doanh thu, tiếp tục mảng sản xuất nội địa, dù cũng mở nhiều nhà máy ở Ireland, Israel và Trung Quốc.

Nhưng trường hợp như Intel chỉ là cá biệt. Đa phần các công ty chế tạo bán dẫn lớn khác của Mỹ đã thực hiện chiến lược thuê ngoài (oursource), đẩy sản xuất sang các công ty khác ở châu Á như TSMC (Đài Loan/Trung Quốc). Hay như với Nvidia – tập đoàn bán dẫn lớn nhất nước Mỹ tính theo giá trị vốn hóa thị trường đặt trụ sở ở Santa Clara, California, đa phần hoạt động sản xuất chip được thực hiện bên ngoài nước Mỹ.

Sự lớn mạnh của các nhà sản xuất theo hợp đồng (contract manufacturer) như TSMC giúp đẩy nhanh quá trình dịch chuyển sản xuất chip ở bên ngoài nước Mỹ. Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng là một ông lớn trong ngành chế tạo bán dẫn và tập đoàn điện tử này cũng không có nhà máy đặt tại Mỹ. Các nguyên liệu thô đầu vào cho sản xuất chip như hóa chất công nghiệp, tinh thể silicon (silicon crystal) cũng chủ yếu được nhập từ bên ngoài nước Mỹ.

Dịch chuyển sản xuất công nghệ cao từ Mỹ ra các nước là xu hướng đã được định hình trong nhiều thập kỉ qua, khi chuỗi cung ứng và các nhà máy sản xuất ở châu Á nở rộ, được hỗ trợ bởi những ưu đãi từ chính quyền sở tại lẫn giá nhân công rẻ hơn, nhiều quy định được nới lỏng hơn. Dòng chảy đó đặc biệt rõ nét trong ngành phần cứng máy tính và điện tử tiêu dùng.

Nếu mọi chuyện tiếp tục theo xu hướng như hiện nay, thị phần của Mỹ trong ngành chế tạo chip sẽ còn suy giảm hơn nữa trong những năm tới đây, một phần là do năng lực sản xuất, làm chủ công nghệ của Trung Quốc đang tăng mạnh. Điều này khiến Washington lo ngại, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung ngày càng gay gắt. Trung Quốc đã đổ hàng chục tỉ USD vào phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, với hy vọng cuối cùng sẽ sánh ngang hoặc vượt các nước.

Thế giới ngày càng xem chip là sản phẩm gắn với ưu tiên an ninh quốc gia, do vai trò đặc biệt quan trọng của mặt hàng này, không chỉ trong công nghệ tiêu dùng, mà còn cả quân sự và cuộc chiến trên không gian mạng. Mỹ đã ban hành nhiều quy định mới, với ý định kiềm chế ngành công nghiệp chiến lược này của Trung Quốc. Nổi bật là việc Mỹ đưa Huwei của Trung Quốc vào “danh sách đen”, cấm các nhà sản xuất Mỹ cung ứng chip, thiết bị cho đối tác Trung Quốc mà không có giấy phép.

Đại dịch COVID-19 khiến Mỹ có thêm động lực để "bẻ lái", thúc ép các công ty sản xuất chip đưa sản xuất quay trở lại nội địa. Các nhà máy đóng cử vì dịch bệnh khiến chuỗi cung tại châu Á bị đứt gãy, làm dấy lên lo ngại việc tập trung sản xuất tại một địa bàn, một khu vực có thể chặn đường tiếp cận của Mỹ đối với một công nghệ thiết yếu trong một thời kỳ khủng hoảng.

Giới phân tích cho rằng, ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ Mỹ có thể là nhân tố quan trọng để thực hiện chủ trương “Sản xuất tại Mỹ” (Made in USA) đối với ngành công nghiệp bán dẫn. Để xây dựng một nhà máy sản xuất chip quy mô hàng đầu, hoạt động trong thời gian 10 năm, có thể cần đến khoản kinh phí lên đến 30 tỉ USD. Vì thế, hỗ trợ về tài chính sẽ là giữ vai trò quyết định để các công ty ra quyết định có hay không đầu tư cho sản xuất tại Mỹ.

Trong lịch sử, Mỹ chưa từng có các chương trình kích thích liên bang nào dành cho ngành chế tạo chip, dù từng bang có thể có những gói ưu đãi khác nhau trong xây dựng nhà xưởng, phổ biến là giảm thuế, trợ giá đất. Ngược lại, ở châu Á, các nước thường miễn phí đất dùng cho xây dựng nhà xưởng, trợ giúp mua sắm thiết bị sản xuất chip vốn là mảng chiếm nhiều chi phí nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại