Lý do quân đội Nga quyết định tái biên chế siêu pháo tự hành 42 tuổi 2S7

Nguyễn Tiến |

Quân đội Nga mới đưa vào biên chế 12 pháo tự hành 2S7M Malka, phiên bản nâng cấp của siêu pháo tự hành 2S7 Pion được Liên Xô sản xuất từ khoảng cuối những năm 1970.

Quân khu Trung Tâm của quân đội Nga đóng tại vùng Kemerovo vừa tiếp nhận 12 pháo tự hành 2S7M Malka, phiên bản hiện đại hóa của pháo tự hành 2S7 Pion được Liên Xô chế tạo từ năm 1976. Đây là loại pháo tự hành được coi là mạnh nhất thế giới với đạn nặng 110 kg, tầm bắn lên đến hơn 40 km nhưng lại có tốc độ bắn rất chậm.

Pháo tự hành 2S7 Pion được phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi cả Liên Xô và Mỹ đều theo đuổi việc chế tạo pháo tự hành cỡ lớn đủ khả năng bắn đạn pháo hạt nhân chiến thuật. Dự án pháo tự hành 2S7 Pion với cỡ nòng 203 mm được Liên Xô chấp thuận vào năm 1975.

Tới những năm 1980, phiên bản hiện đại hóa của siêu pháo này là 2S7M Malka chính thức được Liên Xô đưa vào biên chế - phiên bản này có hiệu quả chiến đấu cao hơn đáng kể so với 2S7 Pion đời đầu với động cơ mạnh hơn, khung xe hiện đại hơn, các thiết bị điện tử mới hơn bao gồm hệ thống chỉ thị mục tiêu điện tử và hệ thống nhận dữ liệu tự động.

Thời gian chuyển từ chế độ hành quân sang chế độ chiến đấu của 2S7M Malka giảm từ 10 xuống 7 phút, cơ số đạn tăng từ 4 viên lên 8 viên, cơ cấu nạp đạn mới cho phép nạp đạn khi nòng pháo ở bất cứ vị trí nào – điều này cho phép tăng tốc độ bắn của 2S7M Malka lên 2,5 viên đạn mỗi phút, thay vì 1,5 viên đạn mỗi phút trên 2S7 Pion.

Dù có những đặc tính ấn tượng như vậy, 2S7 Pion và 2S7M Malka chưa từng được quân đội Liên Xô đưa vào thực chiến, còn hiện tại quân đội Nga vẫn đang niêm cất khoảng 300 khẩu pháo 2S7 Pion và 2S7M Malka.

Tuy nhiên, chiến trường Syria mở ra cơ hội tham gia thực chiến cho 2S7M Malka và có thể là 2S7 Pion – bên cạnh đạn pháo hạt nhân chiến thuật, những khẩu pháo này còn được trang bị đạn nổ thông thường với lượng thuốc nổ lớn.

Với cỡ nòng và đạn có trọng lượng lớn, pháo tự hành 2S7 Pion và 2S7M Malka có vai trò không khác gì so với thiết giáp hạm trong Thế chiến 2.

Lý do quân đội Nga quyết định tái biên chế siêu pháo tự hành 42 tuổi 2S7 - Ảnh 1.

Pháo tự hành 2S7M Malka là lựu pháo có khả năng bắn đạn pháo hạt nhân, tuy nhiên đạn pháo thông thường của loại pháo này có súc công phá rất lớn. (Ảnh: SP)

Theo chuyên gia quân sự Alexei Leonkov, trong nhiều trận đánh diễn ra trong vài thập kỷ trở lại đây, lựu pháo cỡ nòng 152 mm không phải lúc nào cũng tỏ ra hiệu quả trên chiến trường:

"Nhiều khu định cư bị phiến quân chiếm đóng được củng cố rất vững chắc, điều này khiến cho các loại pháo hoặc vũ khí hạng nhẹ hoặc hạng trung không đủ hỏa lực để trấn áp lực lượng khủng bố tại đây".

"Chiến dịch tại Syria chứng minh một lần nữa rằng trong những cuộc xung đột kiểu này, pháo binh đóng vai trò chủ yếu.

Các loại pháo hạng nặng tầm xa cần thiết trong việc phá vỡ vòng phòng thủ của phiến quân", chuyên gia Leonkov nhận xét, đồng thời cho biết hỏa lực của 2S7M Malka đủ sức thổi bay hàng phòng thủ của phiến quân tại Syria.

"Hãy tưởng tượng rằng nếu quân đội Syria được trang bị 2S7M Malka. Với những viên đạn lớn như vậy, những khẩu pháo này có thể thổi bay hàng phòng thủ của phiến quân. Bộ Quốc phòng Nga biết rõ điều đó, những khẩu pháo này vẫn còn giá trị trong thế kỷ 21", chuyên gia Leonkov cho biết.

Chuyên gia Leonkov cũng cho biết các giải pháp định vị mục tiêu và dẫn đường hiện đại đủ khả năng biến các loại pháo tự hành cao tuổi như 2S7 Pion và 2S7M Malka trở thành loại vũ khí chính xác và hiệu quả cao.

Để làm được điều này, các chuyên gia cần phải tích hợp được pháo tự hành 2S7 Pion và 2S7M Malka vào hệ thống trinh sát và điều khiển hỏa lực của lục quân Nga để thống nhất với hệ thống kết nối và kiểm soát chiến thuật.

Toàn bộ 12 khẩu pháo tự hành 2S7M Malka mới được Quân khu Trung tâm của quân đội Nga đưa vào biên chế khác hoàn toàn so với phiên bản được sản xuất những năm 1985 – 1986 ở thành phần điện tử.

Những khẩu pháo này có thể nhận thông tin về mục tiêu từ vệ tinh, máy bay không người lái, máy bay trinh sát và các đội đặc nhiệm hoặc trinh sát hoạt động bên trong hậu phương địch.

Hệ thống trao đổi thông tin thời gian thực giữa các quân nhân làm nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu và các khẩu đội pháo tăng cường đáng kể độ chính xác của việc pháo kích mục tiêu.

So với tên lửa hành trình Kalibr hay bom có điều khiển KAB-500, đạn pháo 203 mm có giá thành rẻ hơn rất nhiều và hiện quân đội Nga vẫn còn số lượng lớn loại đạn này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại