Lý do phương Tây quan ngại về xích mích Canada - Ấn Độ

Hà Linh |

Đài BBC (Anh) nhận định lãnh đạo các nước phương Tây sẽ nỗ lực hết sức để đảm bảo căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Ấn Độ không ảnh hưởng đến các mối quan hệ quốc tế khác.

Lý do phương Tây quan ngại về xích mích Canada - Ấn Độ - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi gặp gỡ người đồng cấp Justin Trudeau tại New Delhi ngày 9/9. Ảnh: AP

Căng thẳng đang leo thang giữa New Delhi và Ottawa sau khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 18/9 cáo buộc các đặc vụ của chính phủ Ấn Độ liên quan đến vụ sát hại một thủ lĩnh ly khai người Sikh trên lãnh thổ Canada.

Nhà lãnh đạo Canada cho rằng Ấn Độ có liên quan đến vụ sát hại ông Hardeep Singh Nijjar, thủ lĩnh phong trào kêu gọi thành lập đế chế tự trị của người Sikh có tên Khalistan. Nijjar là công dân Canada, sinh ra tại Ấn Độ. Ông này vừa bị sát hại vào tháng 6 vừa qua tại Vancouver. Trong nhiều năm, New Delhi khẳng định Nijjar có dính líu tới khủng bố. Tuy nhiên, ông này đã bác bỏ cáo buộc.

Hiện nay, Canada vẫn chưa đưa ra bằng chứng về mối liên quan của chính phủ Ấn Độ với cái chết của ông Nijjar. Trong khi đó, Ấn Độ đã trục xuất một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Canada hôm 19/9. Thủ tướng Justin Trudeau dường như muốn xoa dịu tình hình khi cùng ngày 19/9 phát biểu với các phóng viên rằng Canada không chủ trương khiêu khích hoặc leo thang căng thẳng.

Gần đây nhất, Ấn Độ thông báo tạm ngưng dịch vụ thị thực đối với công dân Canada bắt đầu từ 21/9 cho đến khi có thông báo mới.

BBC nhận định Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây hiện không hề mong muốn xảy ra tranh cãi chia rẽ họ với Ấn Độ. Trên bàn cờ địa chính trị lớn, Ấn Độ là nhân vật then chốt. Ấn Độ là một cường quốc đang phát triển, quốc gia đông dân nhất thế giới, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Bên cạnh đó, phương Tây còn coi Ấn Độ là nhân tố tiềm năng trong đối trọng với Trung Quốc.

Nỗi lo sợ của các nhà ngoại giao phương Tây là nguy cơ các nước chọn phe trong xích mích Canada-Ấn Độ.

Trong những tháng gần đây, Ấn Độ đã nỗ lực thể hiện là nhà lãnh đạo của Global South – nhóm các quốc gia đang phát triển tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. Mỹ cùng một số nước châu Âu đã và đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao để nhận được ủng hộ từ các quốc gia này. Giới ngoại giao không muốn bất đồng hiện nay giữa Ấn Độ và Canada làm đảo lộn những nỗ lực đó.

Bộ Ngoại giao Canada cho biết Thủ tướng Trudeau đã nêu vấn đề này với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Hiện tại, các đồng minh của Canada vẫn trung thành nhưng thận trọng. Nhà Trắng cho biết Mỹ "quan ngại sâu sắc" về các cáo buộc giết người và "điều quan trọng là Canada phải tiến hành điều tra và đưa thủ phạm ra trước công lý".

Đối với các quốc gia như Anh và Australia, hai nước đều có cộng đồng người Sikh lớn, tranh cãi ngoại giao giữa Ấn Độ và Canada hiện nay có khả năng gây ra hậu quả chính trị nội địa. Vào tháng 4 năm nay, Ấn Độ đã bắt giữ một nhà truyền giáo tự phong theo đạo Sikh, Amritpal Singh với cáo buộc ông này khơi dậy kêu gọi ủng hộ Khalistan, làm dấy lên lo ngại về bạo lực mới ở Punjab. Vụ việc khiến nhiều người biểu tình theo đạo Sikh kéo đến hạ quốc kỳ Ấn Độ tại Đại sứ quán ở London (Anh) và phá vỡ cửa kính của tòa nhà này.

Ngoại trưởng Anh James Cleverly cho biết London sẽ "lắng nghe rất cẩn thận những quan ngại nghiêm trọng mà Canada nêu ra". Ngoại trưởng Cleverly nói với BBC rằng ông đã trao đổi với người đồng cấp Canada về cáo buộc và Anh "xem xét nghiêm túc những điều Canada nói".

Bên cạnh đó, ông Cleverly nhấn mạnh: “Cả Canada và Ấn Độ đều là quốc gia thân thiết của Vương quốc Anh, họ là đối tác của Khối thịnh vượng chung”.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia cho biết Canberra "quan ngại sâu sắc" trước những cáo buộc này và đã "truyền đạt mối quan ngại của chúng tôi lên cấp cao ở Ấn Độ".

Vì vậy, BBC cho rằng ở thời điểm này, phương Tây sẽ chờ đợi và theo dõi tiến triển cuộc điều tra của Canada.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại