Vì sao Windows thống trị ở Trung Quốc?
Vào ngày 29/5, chi nhánh Microsoft ở Trung Quốc đã công bố mối quan hệ hợp tác mới với Tencent. Là tập đoàn công nghệ hàng đầu, Tencent được biết đến nhiều nhất là công ty đứng sau WeChat - siêu ứng dụng không thể thiếu ở quốc gia tỷ dân.
Cung cấp cho người dùng các ứng dụng của Tencent trên máy tính là một ý tưởng hay, nhưng nhiều người sẽ ngạc nhiên khi công ty này tìm đến Microsoft trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
Nhưng dù muốn dù không, vai trò của Microsoft cũng vô cùng quan trọng ở Trung Quốc. Cũng tương tự nhiều quốc gia, Windows là hệ điều hành không thể thiếu trên máy tính. Thật khó để có được con số chắc chắn về tỷ lệ sử dụng hệ điều hành tại đây, nhưng một số nhà phân tích đã ước tính thị phần của Microsoft lên tới con số 90%.
Dù tăng trưởng mạnh và thống trị thị trường thiết bị di động, rất ít công ty công nghệ Trung Quốc nghĩ đến việc thách thức Microsoft trong lĩnh vực máy tính, điều càng khiến cho hãng không có bất kỳ mối đe dọa lớn nào. Ở đây, khi một công ty làm ra sản phẩm cho máy tính thì bản chất họ đang tạo ra sản phẩm đó cho Windows.
Đây là một tình cảnh khá trớ trêu khi Trung Quốc từ trước đến nay luôn tỏ ra độc lập, không muốn phụ thuộc vào các công ty công nghệ phương Tây. Năm ngoái, Bắc Kinh thậm chí còn phát hành một hệ điều hành nguồn mở có tên OpenKylin với mục đích rõ ràng là giảm sự phụ thuộc vào Windows.
Nhưng hệ thống mới còn không thể phổ biến hơn Linux, nên Windows vẫn là lựa chọn khó tránh khỏi. Khi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cấm chip AMD và Intel vào tháng 12 năm ngoái, trong khuyến cáo chỉ "không khuyến khích" việc sử dụng Windows.
Một nguồn tin nói với Financial Times rằng ngay cả trong bối cảnh nỗ lực ít phụ thuộc hơn vào công nghệ Mỹ, các cơ quan chính phủ vẫn "thả lỏng một phần" trong việc sử dụng hệ điều hành phổ biến nhất thế giới.
Thực tế, các cơ quan liên quan của cả Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ điều này. Thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu rộng và không phải là cứ nói bỏ là bỏ. Họ chỉ cấm thứ nào không gây ra khủng hoảng và loại bỏ phần còn lại một cách từ từ.
Trong một số trường hợp, quá trình giảm phụ thuộc có thể diễn ra rất chậm. Mỹ sẽ áp dụng thuế quan đối với các tấm pin mặt trời và xe điện, nhưng không đụng đến máy tính xách tay và điện thoại di động do Trung Quốc sản xuất vì hiểu rằng có thể phải mất hàng thập kỷ để xây dựng một chuỗi cung ứng thay thế.
Nếu Microsoft may mắn, hãng có thể rơi vào tình cảnh tương tự ở Trung Quốc - và tồn tại lâu hơn các đối thủ lớn nhất trong quá trình này.
Vì sao Trung Quốc chưa có hệ điều hành riêng?
Điều đáng lo ngại nhất là dù đã nỗ lực hàng chục năm nhưng Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được hệ điều hành nội địa đủ tốt để thay thế Microsoft Windows.
Công bằng mà nói, Trung Quốc không đơn độc. Các quốc gia khác bao gồm Nga, Đức và Hàn Quốc đang cố gắng phát triển hệ điều hành của riêng họ. Nhưng chưa ai tiến được xa.
Xây dựng hệ điều hành riêng là một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất và kéo dài nhất ở Trung Quốc. Nỗ lực này có thể bắt nguồn từ cuối những năm 1970 khi Trung Quốc lần đầu tiên sử dụng hệ điều hành Unix và cố gắng phát triển hệ điều hành dựa trên Unix.
Việc tạo ra hệ điều hành đã được chính thức phê duyệt như một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch trọng điểm của đất nước năm 1992. Nhưng gần ba thập kỷ sau, có rất ít tiến triển.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã phát triển hơn 20 hệ điều hành, một số trong số đó được cài đặt trên các máy tính được quân đội và các cơ quan chính phủ yêu cầu tính an ninh cao sử dụng. Không có thứ nào trong số đó tạo được tiếng vang lớn trên thị trường tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng một trong những lý do lớn nhất là đất nước không có hệ sinh thái phần mềm gồm các nhà phát triển tạo ra các chương trình chạy trên hệ điều hành cây nhà lá vườn mới.
Qin Peng, cựu chuyên gia CNTT Trung Quốc, nói với VOA: "Những hệ thống này chưa bao giờ được một lượng lớn các nhà phát triển phần mềm chấp nhận".
Các nhà phát triển thường chọn lọc những dự án mà họ có lợi về thời gian và tiền bạc, hầu hết đều dựa trên lượng người người dùng lớn.
"Các công ty Trung Quốc vẫn chưa xây dựng được một thư viện các ứng dụng hàng đầu, vì chính họ còn phải dựa vào Microsoft và Google", Qin nói.
LiuXinhuan, tổng giám đốc của Tongxin Software, một trong những nhà sản xuất hệ điều hành lớn của Trung Quốc, cho biết có thể phải mất tới 10 năm trước khi Trung Quốc thực sự cạnh tranh với các hệ điều hành nước ngoài. Chìa khóa để rút ngắn quá trình "là phải có một hệ sinh thái" các nhà phát triển rộng lớn.
Tất cả điều đó có nghĩa là nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gay gắt với nhau, quốc gia tỷ dân có rất ít lựa chọn để thay thế hệ điều hành mà họ đã dựa vào trong nhiều thập kỷ.