Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Barack Obama trong cuộc họp báo hôm 23/5
Tại cuộc họp báo chung tại Hà Nội hôm 23/5 với Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Như vậy, các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam đã tiến thêm một bước hướng tới việc bình thường hóa quan hệ song phương.
Ông Sivkov cho rằng Việt Nam có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung nhưng sẽ chưa mua ồ ạt vũ khí Mỹ.
Bình luận trên tờ Vzglyad (Nga) về sự kiện này, Phó viện trưởng Học viện nghiên cứu các vấn đề địa chính trị - ông Konstantin Sivkov cho biết Việt Nam đang có nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí.
"Có rất nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến quyết định của một quốc gia khi muốn mua vũ khí của nước ngoài.
Việc mua vũ khí diễn ra phổ biến ở các quốc gia mà tiềm lực trong nước không đủ khả năng tự đảm bảo đầy đủ trang thiết bị và vũ khí cho quân đội. Do đó, họ phải nghĩ tới việc mua của nước ngoài, và cũng cần phải lựa chọn đối tác".
"Tập trung đa dạng hóa nguồn cung hiểu đơn giản là mua vũ khí từ nhiều nhà cung cấp của nhiều nước khác nhau.
Trong trường hợp này, nếu không may xảy ra bất đồng với một đối tác thì khả năng chiến đấu của quân đội tuy có bị ảnh hưởng do thiếu đi nguồn cung vũ khí nhưng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng vì còn có hàng từ những nhà cung cấp khác".
Song ông Sivkov nhận định, Việt Nam sẽ chưa sắm ồ ạt vũ khí Mỹ với số lượng lớn bởi để có thể mua vũ khí từ nhiều nhà cung cấp, quốc gia nhập khẩu sẽ cần tới hệ thống quản lý các lực lượng vũ trang phức tap, tiên tiến hơn và đắt tiền hơn.
Vì thế, các nhà cung cấp vũ khí của Nga trên thị trường Việt Nam không có gì phải lo ngại Mỹ.
Ông Frolov cho hay, không có Mỹ thì các đối thủ nặng ký của Nga trong khu vực cũng đã có mặt từ lâu.
Về phần mình, tổng biên tập của tạp chí "Arms Export"- ông Andrei Frolov chia sẻ quan điểm với tờ Vzglyad rằng, quyết định của ông Obama sẽ không đem lại thay đổi lớn nào ngay lập tức về thị phần vũ khí bán cho Việt Nam, vì "tôi không nghĩ rằng Việt Nam sẽ sớm mua vũ khí của Mỹ".
Khi được hỏi ý kiến quan ngại về sự cạnh tranh sắp tới trên thị trường vũ khí Việt Nam giữa Nga và Mỹ, ông Frolov nói:
"Không có sự tham gia của người Mỹ thì các đối thủ nặng ký của chúng ta (Nga) cũng đã có mặt ở đó từ lâu rồi. Vũ khí từ Israel và các nước châu Âu xưa nay vẫn muốn chiếm lĩnh thị trường các nước Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam".
Trước đó, hãng thông tấn Interfax dẫn một nguồn tin trong hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật cho biết, Việt Nam có truyền thống mua vũ khí từ Nga và điều này sẽ không thay đổi trong thời gian gần.
Thế nhưng, Moscow "không nên coi nhẹ" việc này, bởi các nhà xuất khẩu thiết bị quân sự Nga sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường Việt Nam.
"Không giống như các nước khác trong khu vực, Hà Nội không đa dạng hóa nhiều các hoạt động mua bán vũ khí. Tuy nhiên, các nhà xuất khẩu vũ khí của Nga không nên lơi là.
Thực tế mới, diễn ra sau khi Tổng thống Obama quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, sẽ đặt các công ty xuất khẩu của Nga vào một tình thế phức tạp hơn khi nhìn từ quan điểm cạnh tranh" - Nguồn tin nói.
Báo chí Nga dự đoán máy bay do thám biển sẽ là một trong những mặt hàng Việt Nam mua đầu tiên từ Mỹ.
Gần đây, theo Reuters, 2 tập đoàn Boeing và Lockheed Martin đã tham gia hội thảo về vũ khí do Việt Nam tổ chức. Trái ngược với truyền thông Nga, truyền thông Mỹ đánh giá các tập đoàn này sẽ có cơ hội "thắng lớn" trên thị trường Việt Nam.