Chiến tranh Lạnh đã kết thúc từ lâu, nhưng cuộc cạnh tranh giữa Nga và Mỹ trong việc phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới vẫn tiếp diễn.
MiG-29 Fulcrum
Đối với Mỹ, phần thưởng lớn nhất sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt là cơ hội chạm tay vào MiG-29 Fulcrum – máy bay chiến đấu hai động cơ do Liên Xô phát triển nhằm đối phó với các máy bay chiến đấu của Mỹ như F-15 Eagle và F-16 Falcons.
Khi thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1977, MiG-29 đã bay được một chặng đường dài so với những tiêm kích ra đời trước và các chuyên gia quốc phòng Mỹ nhận thấy rằng Liên Xô đang bắt kịp công nghệ máy bay của Mỹ.
Chiến đấu cơ MiG-29. Nguồn: Wikipedia
Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã tìm mua chiến đấu cơ MiG-29 từ Moldova. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, Moldova đành chấp nhận bán phần lớn phi đội MiG-29 Fulcrum cho Mỹ.
Trên thực tế, MiG-29 là tiêm kích có tính cơ động cao, nhiều tính năng và rất nguy hiểm vào thời điểm đó. Nó sở hữu tên lửa Archer AA-11 – một trong những tên lửa tinh vi nhất trong những năm 1990 với khả năng phát hiện mục tiêu bằng hệ thống tín hiệu ở góc xa hơn so với các máy bay chiến đấu tương đương của Mỹ. Washington đã mua 21 trên tổng số 34 máy bay MiG-29 mà Moldova.
Lo sợ nhu cầu kinh tế cấp bách sẽ khiến Moldova bán những chiếc máy bay này cho Iran, Mỹ đã bỏ ra số tiền tương đương với tiền mua nhiều loại máy bay tiên tiến của nước này. Khi MiG-29 được chuyển giao, Washington ngay lập tức mổ xẻ cấu trúc và kiểm tra năng lực của chúng.
Trong nhiều thập kỷ qua, quân đội Mỹ và các cơ quan tình báo nước này đã lùng sục khắp nơi để tiếp cận mọi thứ, từ tên lửa đất đối không, mảnh vỡ của tàu vũ trụ rơi xuống Trái Đất đến máy bay chiến đấu của Nga. Tất cả các hoạt động này đều có chung một mục đích là tìm hiểu những thông tin có giá trị về đối thủ.
"Khai thác tài sản nước ngoài (FME) từ lâu đã là một phần của chiến dịch thu thập thông tin tình báo của Mỹ, nhưng hầu hết các hoạt động trong khuôn khổ chương trình này đều được giữ bí mật", một quan chức Mỹ cho biết.
Mỹ được cho là đã thành công trong việc tiếp cận nhiều phiên bản thuộc dòng chiến đấu cơ MiG của Nga. Theo EurAsian Times, Mỹ đang vận hành một dự án bí mật có tên gọi dự án Constant Peg, trong đó chủ yếu tìm kiếm và mua các máy bay chiến đấu MiG-17 'Fresco', MiG-21 'Fishbed' và MiG-23 'Flogger'. Một phi đội có biệt danh "Đại bàng đỏ" được giao nhiệm vụ huấn luyện các phi công của không quân Mỹ trong trận chiến trên không nhằm đối phó với chiến đấu cơ của Nga.
MiG-21 'Fishbed'
Mỹ bắt đầu nghiên cứu tiêm kích MiG-21 khi phi công đào tẩu của Iraq Munir Redfa lái chiếc máy bay này hạ cánh ở miền Trung Israel vào ngày 16/8/1966. Lúc hạ cánh xuống sân bay, tiêm kích mang số hiệu Arab "534" trên mũi. Ở thời điểm đó, Không quân Israel không có bất cứ loại máy bay nào ngang ngửa với MiG-21. Họ chỉ được trang bị các loại máy bay chiến đấu Vautours và Mirage IIIC do Pháp sản xuất, có tốc độ chậm hơn nhiều so với MiG-21.
Sau khi Israel hoàn thành nghiên cứu MiG-21, họ đã chuyển tiêm kích này đến khu vực bí mật tại Nevada của Mỹ, thường được gọi là Khu vực 51. Tại đây, MiG-21 được đổi tên thành YF-110 và đưa vào nghiên cứu trong Dự án Have Donut. Sở dĩ Israel đồng ý chuyển giao tiêm kích này cho Mỹ vì Washingon hứa sẽ bán cho họ máy bay chiến đấu F-4 Phantom II.
Tiếp theo, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã mua MiG-23 từ Ai Cập. Trong khuôn khổ dự án HAVE PAD, Mỹ đã lắp ráp lại MiG-23 và tiến hành một loạt chuyến bay thử nghiệm để khám phá điểm mạnh, điểm yếu, tính năng, phạm vi, độ bền của nó.
Sau đó, Mỹ tiếp tục mua thêm 11 chiếc MiG-23MS và 6 chiếc MiG-23BN. Những tiêm kích này được vận chuyển với Mỹ bằng máy bay vận tải C-5.
Tất nhiên đây là thỏa thuận "có đi có lại". Vào năm 1979, Ai Cập đã tiếp nhận các máy bay chiến đấu F-4E Phantom II và F-16 Fighting Falcon của Mỹ trong khuôn khổ chương trình Bán vũ khí cho nước ngoài (Foreign Military Sales) của chính phủ Mỹ.
Tiêm kích MiG-25
Mỹ cũng tiếp cận được tiêm kích MiG-25 khi một phi công Liên Xô đào tẩu sang Nhật Bản bằng tiêm kích này vào năm 1976. Đối với phương Tây, cuộc đào thoát này là một vận may bất ngờ, bởi MiG-25 từ lâu vẫn là tiêm kích bí ẩn nhất họ muốn tìm hiểu sau khi một số chuyên gia đánh giá cao năng lực của MiG-25.
MiG-25 là máy bay trinh sát có tốc độ cao. Theo một số báo cáo, tiêm kích có thể bay lên tầng bình lưu (tầng thứ hai của bầu khí quyển Trái đất) trong vài giây và đạt tốc độ siêu âm. Điều đó khiến MiG-25 được mệnh danh là "Tiêm kích cô đơn ở tốc độ Mach 3" vào thời điểm đó.
Các phi công MiG-25 có thể thâm nhập vào lãnh thổ của đối phương để thực hiện các nhiệm vụ trinh sát chiến lược thông thường, trong khi rất khó bị phát hiện.
Liên Xô bắt đầu chế tạo MiG-25 vào năm 1959 với mục đích ban đầu là thiết kế máy bay đánh chặn nhưng kế hoạch của họ không thành công. Tuy vậy, tốc độ siêu thanh và khả năng vươn tới tầng bình lưu khiến MiG-25 trở thành một máy bay trinh sát xuất sắc. Phương Tây biết đến MiG-25 vào năm 1970 khi các vệ tinh của Mỹ theo dõi sân bay của Liên Xô và nhận thấy họ đang thử nghiệm một loại máy bay mới.
Các chuyên gia Mỹ đã tận dụng cơ hội hiếm hoi để kiểm tra kỹ lưỡng chiếc MiG-25 khi nó hạ cánh xuống Nhật Bản. Chiếc máy bay bị tháo rời từng mảnh. Máy bay C-5A Galaxie của Mỹ đã vận chuyển các bộ phận của máy bay tới Mỹ để đánh giá thêm. Nhật Bản chỉ trả lại máy bay này cho Liên Xô sau khi họ hoàn tất quá trình kiểm tra.