Dù không tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ những năm 1990 nhưng cả 3 quốc gia đều có những lý do riêng để mở rộng địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Giáo sư Jeffrey Lewis thuộc Trung tâm Nghiên cứu không phổ biến hạt nhân James Martin tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury cho rằng:
"Có nhiều dấu hiệu cho thấy Nga, Trung Quốc và Mỹ có thể nối lại thử nghiệm hạt nhân, điều mà không một nước nào làm kể từ năm 1996". Tuy vậy, việc nối lại hoạt động thử nghiệm chắc chắn sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về ngoại giao và chính trị.
Ảnh chụp tại bãi thử Nevada của Mỹ.
Cạnh tranh trong cuộc đua hạt nhân
CNN cho biết, sau khi phân tích hình ảnh về các địa điểm thử hạt nhân của Mỹ, Nga, Trung Quốc do vệ tinh thương mại Planet chụp, các chuyên gia quân sự cho rằng, có nhiều hoạt động đang được tiến hành tại những khu vực trên, trong đó, số lượng các đường hầm trong núi, cơ sở lưu trữ, lưu lượng phương tiện ra vào, ngày càng gia tăng.
Thông thường, các vụ thử hạt nhân được thực hiện dưới lòng đất nhằm ngăn chặn sóng xung kích lan tỏa xung quanh và các chất phóng xạ có thể bị gió cuốn đi, gây nguy hiểm cho người dân sống gần bãi thử. Những ngọn núi đặc biệt hữu ích vì các lực lượng thử nghiệm có thể đào theo chiều ngang để tạo ra không gian bao trùm vụ nổ.
Lần cuối cùng Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân là vào năm 1992, Liên Xô vào năm 1990 và Trung Quốc vào năm 1996. Nga đã kế thừa kho dự trữ hạt nhân từ thời Liên Xô. Ba quốc gia này chiếm hơn 92% tổng số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới nhưng đã không thử nghiệm hạt nhân trong nhiều thập kỷ qua.
Nga đã phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa ký kết. Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện ra đời vào ngày 24/9/1996 với mục đích cấm tất cả các vụ thử hạt nhân trên Trái Đất, kể cả các vụ thử vì mục đích hòa bình. Song đến thời điểm hiện tại, hiệp ước này vẫn chưa có hiệu lực vì chưa có sự phê chuẩn đầy đủ của 44 quốc gia thuộc danh sách Phụ lục II (các quốc gia sở hữu công nghệ hạt nhân).
Vũ khí hạt nhân của Mỹ
Mỹ có 5.244 đầu đạn hạt nhân, được chia thành 8 loại, chủ yếu trang bị cho tên lửa phóng từ đất liền, máy bay ném bom và tàu ngầm. Mặc dù Mỹ khá tự tin vào độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân mà nước này có, nhưng các chuyên gia cho rằng vẫn có một số lỗ hổng khó nắm bắt có thể ngăn vũ khí hạt nhân đạt được công suất tối đa. Để giải mã hoàn toàn bí mật về cách thức hoạt động của vũ khí hạt nhân là điều rất khó khăn, đòi hỏi nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân hơn nữa.
Bộ Năng lượng và Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát triển hai loại vũ khí mới là bom trọng lực hạt nhân B61-12 và đầu đạn hạt nhân chiến thuật W76-2 dùng cho tên lửa phóng từ tàu ngầm nhưng Washington vẫn chưa có bất cứ cuộc thử nghiệm nào. Cả hai loại trên đều là phiên bản nâng cấp của các vũ khí hiện có. Bom B61-12 là phiên bản cải tiến mới nhất trong dòng bom B61 có từ những năm 1960 còn W76-2 là sản phẩm phái sinh của đầu đạn W76 có đương lượng nổ nhỏ hơn nhiều.
Vũ khí hạt nhân của Nga
Nga sở hữu 5.589 đầu đạn hạt nhân được chia thành 10 loại, từ vũ khí hạt nhân chiến lược gắn trên tên lửa tầm xa, máy bay ném bom và tàu ngầm cho đến vũ khí hạt nhân chiến thuật hiệu suất thấp trang bị cho tên lửa thông thường và tên lửa hành trình. Nga chưa tiến hành bất cứ vụ thử nghiệm hạt nhân nào ở thời điểm hiện tại, nhưng nước này đã được thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân đồ sộ cùng cơ sở vật chất đi kèm sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
Nga phụ thuộc rất nhiều vào vũ khí hạt nhân để đảm bảo an ninh, một phần do diện tích của nước này khá lớn, có rất nhiều vùng lãnh thổ cần phải bảo vệ. Nga cũng thường xuyên tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí hiện đại và tập trận nhằm thể hiện sức mạnh đối kháng với Mỹ và NATO.
Vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Trung Quốc được cho là đã mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân của nước này với 410 đầu đạn hạt nhân, được chia thành 6 đến 8 loại khác nhau. Trung Quốc dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1996. Khác với Nga và Mỹ, Trung Quốc chủ yếu tìm cách phát triển các loại đầu đạn hạt nhân đáng tin cậy, có hiệu suất cao để bù đắp cho độ thiếu chính xác của tên lửa.
Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng cường kho dự trữ hạt nhân. Trong một thập kỷ qua, nước này đã bổ sung khoảng 100 đến 150 đầu đạn hạt nhân, cùng nhiều tên lửa mới, trong đó có tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, tên lửa phóng từ tàu ngầm JL-3 và máy bay ném bom tàng hình H-20. Nhiều khả năng Bắc Kinh muốn có thêm đầu đạn hạt nhân mới và nhỏ hơn cho những loại tên lửa có khả năng tấn công nhiều mục tiêu. Mặc dù việc mô hình hóa trên máy tính có thể giúp Trung Quốc tin rằng thiết kế đầu đạn mới đạt hiệu quả, nhưng mọi việc chỉ rõ ràng cho đến khi họ tiến hành thử nghiệm.
Theo giới phân tích, việc Mỹ, Nga và Trung Quốc gia tăng hoạt động tại các bãi thử hạt nhân cho thấy, dường như cả 3 bên đã sẵn sàng cho động thái tiếp theo. Hiện các bên đều đang dò xét thái độ của nhau để xem bên nào sẽ "nổ phát súng đầu tiên". Mỗi quốc gia đều có những lý do riêng để biện minh cho việc tiếp tục thử nghiệm hạt nhân, nhưng không bên nào muốn trở thành nước đầu tiên vi phạm lệnh cấm không chính thức. Nhà phân tích Kyle Mizokami của Popular Mechanics cho rằng, vẫn chưa biết khi nào cuộc thử nghiệm hạt nhân mới sẽ được thực hiện nhưng chắc chắn một khi điều này diễn ra, vụ thử nghiệm tiếp theo sẽ được tiến hành ngay sau đó.
Các nhà quan sát cảnh báo, việc mở rộng các địa điểm thử hạt nhân có nguy cơ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong bối cảnh tình hình quốc tế đang có nhiều biến động khó lường.