Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa

PHẠM HUY |

Chương trình tích hợp hệ thống phòng thủ chủ động (APS) trên các phương tiện chiến đấu bọc thép của Lục quân Mỹ đang ưu tiên khí tài đến từ Israel trong khi lại từ chối sản phẩm trong nước.

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”

Xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams và xe chiến đấu bộ binh Bradley, Stryker là những thành phần cơ giới quan trọng trong đội hình tác chiến của Lục quân Mỹ.

Từ lâu, xe tăng và xe chiến đấu bộ binh nói chung luôn được coi là “tấm khiên” cho lực lượng bộ binh bởi chúng đều có lớp giáp dày, vũ khí trang bị tốt, công nghệ phòng thủ tiên tiến để đối phó với các mối đe dọa trên chiến trường.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 1.

Binh sĩ thuộc Sư đoàn bộ binh số 4, Lục quân Mỹ đang lắp thêm các tấm giáp phản ứng nổ ERA cho xe tăng Abram (ARAT) ở 2 bên sườn xe. Ảnh: Flickr.

Tuy nhiên, kinh nghiệm chiến đấu trong các cuộc xung đột mà quân đội Mỹ tham gia từ gần 3 thập kỷ trở lại đây cho thấy, Abrams hay Bradley, Stryker vẫn có thể bị các vũ khí chống tăng khắc chế, kể cả đó là loại vác vai.

Trong cuốn Sổ tay về vũ khí nước ngoài do Lục quân Mỹ phát hành năm 2016, lực lượng này nhận định “vũ khí chống tăng là mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng hiện tại”.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 2.

Một chiếc xe tăng Abrams của quân đội Iraq bị phiến quân bắn cháy bằng tên lửa chống tăng. Ảnh: Sputnik News.

Công nghệ vũ khí chống tăng thời gian qua đã có nhiều bước tiến vượt trội so với khả năng bảo vệ của xe tăng. Những loại đầu đạn mới như xuyên lõm, tandem (thực hiện 2 hoặc nhiều bước nổ lõm kế tiếp nhau) đã có thể vô hiệu hóa ưu thế vốn có của xe tăng, chứ đừng nói đến lớp giáp mỏng của xe chiến đấu bộ binh.

Bên cạnh đó, môi trường tác chiến phức tạp, bất đối xứng đã khiến Abrams, Bradley hay Stryker lộ ra những điểm yếu ở các vị trí hai bên thân, đuôi xe vốn được bọc giáp mỏng.

Hàng nội địa chưa thỏa mãn yêu cầu

Nhận ra được giá trị của hệ thống APS, bên cạnh các gói nâng cấp cho những loại giáp thụ động, Lục quân Mỹ đã mở chương trình tích hợp thêm hệ thống này trên phương tiện chiến đấu bọc thép để tối ưu hóa khả năng bảo vệ cho xe.

Mỹ luôn tự hào về công nghệ quốc phòng hàng đầu thế giới và tất nhiên trong lĩnh vực hệ thống APS, họ cũng có một đại diện đó là Iron Curtain do hãng chế tạo Artis phát triển. Lục quân Mỹ quyết định thử nghiệm trên xe Stryker.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 3.

Một xe Stryker được thử nghiệm tích hợp hệ thống Iron Curtain. Ảnh: Breaking Defense.

Thực chất, cũng như rất nhiều hệ thống APS của các nước khác, hệ thống Iron Curtain là sự kết hợp giữa hàng loạt cảm biến và đạn đánh chặn. Về chi tiết, hệ thống bao gồm các bộ phận giống tấm màn thép gắn trên 4 phía của xe, được trang bị radar cùng cảm biến quang học để cảnh giới và điều khiển hỏa lực.

Ưu điểm của hệ thống này là tích hợp đạn đánh chặn ở trên nóc xe và vô hiệu hóa đạn chống tăng bằng áp lực thuốc nổ theo hướng từ trên xuống dưới và sát với mục tiêu cần bảo vệ. Biện pháp này có thể khắc chế được cách thức tấn công nhắm thẳng vào nóc xe (nơi có lớp bảo vệ mỏng nhất) hoặc kiểu đầu đạn tandem.

Tuy nhiên, sau 2 năm thử nghiệm trên xe Stryker, Lục quân Mỹ quyết định dừng dự án này. Đại tá Glenn Dean, phụ trách chương trình Stryker cho biết, tổ hợp này chưa đáp ứng được cho xe Stryker và cần phải tiếp tục được phát triển thêm nữa.

“Theo đánh giá của Lục quân Mỹ, hệ thống Iron Curtain mới chỉ dừng lại ở mức khái niệm chứ chưa thể ứng dụng ngay trên các phương tiện của lực lượng này. Để đáp ứng được yêu cầu của Lục quân Mỹ, nhà sản xuất cần phải đầu tư thêm thời gian và cả nguồn lực”, ông Dean giải thích.

Sự nổi trội của đại diện từ Israel

Hiện Lục quân Mỹ đang theo đuổi 2 chương trình phát triển hệ thống APS đó là hệ thống phòng thủ chủ động module (MAPS) và hệ thống phòng thủ cho phương tiện chiến đấu (VPS). Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, lực lượng này cần phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Đó là hệ thống APS Trophy và Iron Fist của Israel.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 4.

Xe tăng Merkava được trang bị hệ thống Trophy. Ảnh: Pinterest.

Tới thời điểm này, Abrams vẫn được coi là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh mẽ nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều chiếc bị bắn hạ bởi các loại súng chống tăng có tuổi đời cao như RPG-7 trên chiến trường Iraq hay Afghanistan đã thôi thúc Lục quân Mỹ gấp rút trang bị hệ thống Trophy cho Abrams.

Hơn 1.000 bộ đã được sản xuất và lắp đặt trên các xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava của Israel từ năm 2009. Đáng chú ý, Trophy cũng là hệ thống APS duy nhất được kiểm nghiệm qua thực chiến trên thế giới. Trong đó, ngày 1-3-2011 đã ghi nhận hệ thống Trophy lần đầu đánh chặn thành công một tên lửa chống tăng tại Dải Gaza.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 5.

Xe tăng Abrams với một hệ thống Trophy. Ảnh: The Drive.

Theo đó, một liên doanh giữa Tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel và công ty DRS Leonardo của Mỹ sẽ cung cấp các hệ thống Trophy cho Lục quân Mỹ. Giữa tháng này, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống Trophy đã được bàn giao.

Xe tăng Abrams với hệ thống Trophy không có nhiều thay đổi, khi các cụm thiết bị của hệ thống này được bố trí ngay trên tháp pháo. “Trái tim” của Trophy là 4 radar mảng pha chủ động Elta EL/M2133 cho tầm bao quát 360 độ quanh xe.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 6.

Các thành phần của hệ thống Trophy trên tháo pháo xe tăng Abrams. Ảnh: The Drive.

Khi đạn chống tăng bắn vào xe, máy tính trung tâm trong thời gian cực nhanh sẽ tính toán và xác định đầu đạn nào có khả năng đánh trúng và gây tổn thương cho xe, sau đó ngăn chặn bằng cách phóng một chùm đạn nổ từ bệ phóng gắn trên các tấm radar để kích nổ đầu đạn trước khi chúng có thể chạm tới xe.

Ngoài ra, các cảm biến của hệ thống Trophy còn giúp phát hiện nơi trú ẩn của đối phương ngay sau khi tên lửa được phóng ra, giúp xe nhanh chóng phản đòn.

Ngoài Trophy, Lục quân Mỹ còn lựa chọn một sản phẩm nữa của Israel là hệ thống Iron Fist để tích hợp lên xe chiến đấu bộ binh Bradley. Dự án được thực hiện bởi General Dynamics Ordnance and Tactical Systems - một công ty con của Tập đoàn quốc phòng General Dynamics của Mỹ cùng với hai nhà thầu quân sự Elbit Systems và RADA Electronic Industries của Israel.

Theo Giám đốc điều hành RADA Electronic Industries, ông Dov Sella, chương trình tích hợp hệ thống Iron Fist đang diễn ra theo đúng kế hoạch dù Lục quân Mỹ mới chỉ nối lại dự án từ cuối năm 2018. Dự tính, lực lượng này nhận các nguyên mẫu để nghiệm thu từ cuối năm 2020.

Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 7.
Lý do Mỹ chọn hệ thống APS của Israel thay vì hàng nội địa - Ảnh 8.

Hệ thống Iron Fist trang bị trên xe Bradley. Ảnh: Shephard Media.

Hệ thống Iron Fist được thiết kế để đánh chặn đạn súng phóng lựu, tên lửa chống tăng có điều khiển, đạn xuyên lõm (HEAT) hay thậm chí cả đạn xuyên giáp động năng (APFSDS) bắn ra từ xe tăng.

Nó sử dụng radar và cảm biến để phát hiện, kiểm soát, phân loại và theo dõi các mối nguy cơ. Sau đó, hệ thống sẽ phóng đạn đánh chặn làm từ vật liệu dễ cháy, áp lực khí thuốc sẽ làm chệch hướng đầu đạn.

Các chuyên gia quân sự khẳng định, so với hệ thống Trophy hay Iron Curtain, hệ thống Iron Fist có cơ chế đánh chặn ưu việt hơn bởi nó đảm bảo an toàn cho bộ binh hộ tống sau xe.

Một điểm mạnh khác của hệ thống Iron Fist là dễ dàng được lắp đặt (dù tháp pháo của xe Bradley khá nhỏ) mà không ảnh hưởng đến kết cấu hay các hệ thống điện tử bên trong xe.

Gần đây, quân đội Israel cũng chọn hệ thống Iron Fist để trang bị cho Eitan - xe chiến đấu bộ binh sẽ được biên chế cho quân đội nước này từ năm 2020 để thay thế xe chở quân M113 do Mỹ sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại