CNN ngày 8/4 dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Washington đang xem xét điều các tàu chiến đến Biển Đen trong vài tuần tới để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine.
Điều này là do "sự hiện diện quân sự" của Nga ở biên giới phía Đông của Ukraine đã tăng lên. Việc triển khai các tàu chiến đến Biển Đen sẽ gửi một "tín hiệu đặc biệt" tới Nga.
Theo báo Giao Thông, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cũng lưu ý rằng, các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động do thám trong vùng biển quốc tế thuộc khu vực Biển Đen và theo dõi các hoạt động di chuyển của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine.
Nhà Trắng vẫn chưa coi tình hình ở khu vực này là "tình huống trước chiến tranh", nhưng lưu ý rằng quân đội Mỹ và NATO luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, để có những phản ứng kịp thời khi tình hình trong khu vực có thay đổi.
Tàu khu trục USS Donald Cook của Hải quân Mỹ.
Theo Sputnik, một nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho hay, Washington đã thông báo cho Ankara về việc hai tàu chiến của họ đi qua eo biển Bosphorus đến Biển Đen, và sẽ ở lại cho đến ngày 4/5. Bosphorus là một eo biển dài 31km tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngăn cách giữa châu Á và Âu.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận các tàu này sẽ lần lượt vào Biển Đen trong hai ngày 14-15/4, và quay trở lại vào ngày 4-5/5.
Mỹ có nghĩa vụ thông báo cho Thổ Nhĩ Kỳ về việc tàu chiến của họ đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, và điều này phù hợp với Công ước Montreux về chế độ của các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Công ước Montreux là một thỏa thuận năm 1936 cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát eo biển Bosporus và Dardanelles và quy định việc lưu thông qua eo biển này của tàu chiến hải quân.
Về phí Nga, Bộ Quốc phòng nước này cho hay, đang điều hơn 10 tàu hải quân, trong đó có tàu đổ bộ và tàu chiến, từ biển Caspi đến biển Đen để tham gia tập trận.
Thời gian qua, Biển Đen là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa Nga và Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng ở miền Đông Ukraine hiện nay.