Lý do Mao Trạch Đông chọn "người kế thừa lịch sử" Hoa Quốc Phong

Thủy Thu |

Không phải Chu Ân Lai hay Đặng Tiểu Bình, người mà Mao Trạch Đông "chọn mặt gửi vàng" cho lớp lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc là một nhân vật khác.

Sau khi Chu Ân Lai qua đời vào tháng 1/1976, chức vụ Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc bị bỏ trống. Dư luận nước này cho rằng, người kế nhiệm cương vị này chắc chắn sẽ là Đặng Tiểu Bình bởi ông này đang giữ chức Phó thủ tướng thứ nhất.

Tuy nhiên, do lúc này Đặng đang chịu nhiều bất lợi nên không thể nắm giữ vị trí Thủ tướng.

Trong khi đó, Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn thuộc "bè lũ bốn bên" thời Cách mạng văn hóa (1966-1976) tin rằng nếu có thể lật đổ Đặng, họ sẽ có thể trở thành tầng lớp lãnh đạo kế tiếp.

Nhưng bản Thông báo của trung ương đảng cộng sản Trung Quốc ra ngày 2/2/1976 đã khiến nhiều người bất ngờ.

Mao Trạch Đông không chọn Chu Ân Lai làm "người kế thừa"

Theo đề nghị từ chủ tịch Mao Trạch Đông, Bộ chính trị trung ương Trung Quốc (BCT) đã phê duyệt Hoa Quốc Phong giữ chức Quyền Thủ tướng Quốc vụ viện.

Lý do Mao Trạch Đông chọn người kế thừa lịch sử Hoa Quốc Phong - Ảnh 1.

Ông Hoa Quốc Phong được Chủ tịchMao Trạch Đông chọn làm người kế nhiệm trong sự ngỡ ngàng của các thành viên BCT. Ảnh: Hexun

Đồng thời, BCT cũng đồng ý, trong thời gian nguyên soái Diệp Kiếm Anh dưỡng bệnh, tướng Trần Tích Liên sẽ thay ông phụ trách chủ trì công tác của Quân ủy trung ương Trung Quốc.

Điều này chứng minh, Mao Trạch Đông đã chọn Hoa Quốc Phong là người kế nhiệm mới của mình.

Theo lời kể của bà Trương Ngọc Phượng - thư ký riêng của Mao, vị chủ tịch này từng nhiều lần chia sẻ với bà về việc lựa chọn người kế nhiệm:

"Tôi rất đau đầu về việc này. Lâm Bưu do Thủ tướng (Chu Ân Lai) giới thiệu, Vương Hồng Văn cũng do ông ấy giới thiệu, đều không ổn".

Một lần khác, khi được bà này hỏi: "Tại sao không chọn Thủ tướng làm người kế nhiệm?".

Mao Trạch Đông đã làm động tác chặt tay xuống và trả lời: "Thủ tướng giỏi đấy nhưng thiếu cái này", với ý nói rằng ông Chu "đã nhiều tuổi".

Khi Thủ tướng Chu mất, Mao đích thân viết điếu văn nhưng không đến truy điệu.

Trong thời gian này, Mao chú tâm vào vấn đề tìm người kế nhiệm khi yêu cầu thư ký riêng liệt kê lại danh sách các thành viên trong BCT.

Đến giữa tháng 1/1976, Mao Viễn Tân - cháu ruột Mao Trạch Đông đến thăm và hỏi ông về người kế nhiệm Chu.

Mao đã suy nghĩ một hồi và đáp: "Cần để Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều nhún nhường một chút".

Sau đó, Mao chỉ vào danh sách ủy viên BCT, nói: "Vẫn là Hoa Quốc Phong thì tốt hơn".

Mao Viễn Tân cũng tán thành ý kiến với Chủ tịch Mao.

Bà Trương Ngọc Phượng kể lại rằng, Mao Viễn Tân khi đó nói với bà: "May mà ông ấy đi trước (ý chỉ Chu Ân Lai đã mất). Chủ tịch đã chọn được người kế nhiệm rồi. Đây là việc lớn".

Sau này, Mao Viễn Tân báo cáo lại với Mao Trạch Đông: "Cháu đã truyền đạt lại ý của Chủ tịch với Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều.

Vương Hồng Văn đồng ý với sắp xếp của Chủ tịch nhưng Trương Xuân Kiều lại không có biểu hiện gì. Trong BCT, mọi người đều cho rằng Chủ tịch nhìn người và chọn người rất chính xác".

Phó chủ tịch Uông Đông Hưng khi đến thăm Mao Trạch Đông cũng đã rất tán thành việc Mao chọn Hoa Quốc Phong làm người kế nhiệm.

Mao vui mừng chia sẻ rằng: "Hoa Quốc Phong không những có kinh nghiệm công tác phong phú tại cơ sở, tỉnh ủy mà còn cả ở trung ương".

Cuộc gặp gỡ "định mệnh"

Tháng 7/1955, sau khi đọc báo cáo Vấn đề trong hợp tác hóa nông nghiệp của Mao Trạch Đông, Hoa Quốc Phong khi ấy là Bí thư khu ủy Tương Đàm, Hồ Nam đã soạn liền 3 bản báo cáo khác cũng về vấn đề này.

Lý do Mao Trạch Đông chọn người kế thừa lịch sử Hoa Quốc Phong - Ảnh 2.

Hoa Quốc Phong (phải) nắm tay thân thiết với Chủ tịch Mao Trạch Đông (trái). Ảnh: China.com

Khi đó, ngay cả Hoa cũng không ý thức được tính quan trọng của chức vụ Bí thư khu ủy Tương Đàm bởi Mao Trạch Đông là người huyện này.

Những tư liệu gắn liền với quê hương khiến Mao có cảm giác quen thuộc. Tác giả bài viết đề tên Hoa Quốc Phong đã gây sự chú ý của Mao.

Sau này khi Mao có chuyến công tác đi qua Hồ Nam đã cho gọi Hoa Quốc Phongđến gặp. Từ sau đó, mỗi lần về Hồ Nam, Hoa đều là người kề cận bên Mao.

Tháng 10/1955, tại phiên họp thứ 6 Đại hội đảng CSTQ lần thứ 7, Mao Trạch Đông đã mời Hoa Quốc Phong làm đại biểu chia sẻ kinh nghiệm cuộc vận động hợp tác hóa khu vực Tương Đàm.

Một Bí thư khu ủy được diễn giảng tại đại hội trung ương là việc không hề dễ dàng. Do đó, Hoa đã để lại một ấn tượng khá sâu sắc trong Mao.

Mao từng nói đùa và khen Hoa là người thật thà: "Anh là quan phụ mẫu của tôi".

Sau đại hội trở về Hồ Nam, Hoa Quốc Phong được thăng chức Bộ trưởng Bộ Chiến tuyến thống nhất tỉnh ủy Hồ Nam.

Hoa Quốc Phong trở thành "nhân vật số 1"

Ngày 30/4/1976, Hoa Quốc Phong hộ tống Mao Trạch Đông trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng New Zealand, Sir Robert Muldoon tại Bắc Kinh.

Sau cuộc tiếp kiến, Hoa chủ động tiễn Thủ tướng New Zealand lên xe và quay trở lại bàn việc với Mao.

Ông này nói rằng: "Có một vài vấn đề đã phát sinh ở những tỉnh mà tôi đã xử lý gần đây. Tôi đã giao cho BCT xem xét. Hiện đã điều tra xong nên đã gửi văn kiện trung ương về các địa phương.

Tình hình quốc tế cũng có một số vấn đề cần giải quyết. Tôi không có nhiều kinh nghiệm nên rất nhiều việc thường trao đổi với các đồng chí trong BCT. Tôi cần xin ý kiến của Chủ tịch".

Mao trả lời: "Việc quốc tế, trung ương đã quyết, đó cũng không phải vấn đề lớn. Việc trong nước, cần chú ý hơn".

Khi đó, Mao Trạch Đông nói chuyện không còn được rành mạch, Hoa Quốc Phong nghe không hiểu nên bà Trương Ngọc Phượng đã phải nói lại lần hai.

Sau đó, Mao Trạch Đông nói thêm câu nữa nhưng cả Hoa và Trương đều không nghe rõ.

Lúc này, Mao viết trên giấy dòng chữ: "Cứ từ từ, không cần gấp. Cứ theo phương châm cũ mà làm. Anh làm việc, tôi yên tâm."

Lý do Mao Trạch Đông chọn người kế thừa lịch sử Hoa Quốc Phong - Ảnh 3.

Mao Trạch Đông rất tin tưởng cách làm việc của Hoa Quốc Phong. (Ảnh minh họa)

Sau này, dư luận Trung Quốc truyền tai nhau rằng: "Cứ theo phương châm cũ mà làm" là "lợi dặn trước lúc lâm chung" và "Anh làm việc, tôi yên tâm" chính là thông điệp chỉ định người kế nhiệm.

Tuy nhiên, các học giả cho rằng, điều này chỉ là suy diễn, không đúng sự thật.

Trên thực tế, những câu nói tương tự đã được Mao nói với nhiều người như Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình.

Ngoài ra, trước đó vào tháng 12/1970, Mao Trạch Đông đã đề cập đến Hoa Quốc Phong trong cuộc nói chuyện với nhà báo Mỹ nổi tiếng Edgar Snow.

Sau khi bài viết của Edgar Snow đăng trên tạp chí Life (Mỹ), Hoa Quốc Phong lần đầu thu hút được sự chú ý của truyền thông nước ngoài.

Mao Trạch Đông đã nói rằng: "Nhân tài Hồ Nam có nhiều. Đầu tiên đó là chính Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Hồ Nam. Cậu ta là một 'người già'".

Khi đó Hoa chưa đầy 49 tuổi nên không thể coi là "người già". Ý Mao muốn nói ông chính là "người nhiều kinh nghiệm".

Sau sự kiện Lâm Bưu đảo chính, Mao Trạch Đông đã điều Vương Hồng Văn và Hoa Quốc Phong từ Thượng Hải, Hồ Nam về Bắc Kinh.

Tuy đã chuyển về thủ đô công tác nhưng Hoa tiếp tục giữ chức Bí thư thứ nhất tỉnh ủy Hồ Nam, Chính ủy quân đội Quảng Châu và Chính ủy thứ nhất quân khu Hồ Nam.

Sau khi Bộ trưởng Công An Tạ Phú Trị qua đời năm 1972, Hoa lại được Mao phê chuẩn kiêm giữ chức vụ của Tạ. Từ đó, địa vị của Hoa ở Bắc Kinh càng được củng cố vững chắc.

Tại đại hội đảng CSTQ lần thứ 10 vào năm 1973, Mao Trạch Đông đã phê duyệt để Hoa Quốc Phong vào hàng ghế chủ tịch, công tác tại BCT. Đồng thời, Hoa cũng trở thành người kế nhiệm dự bị sau Vương Hồng Văn.

Cuối năm 1974, khi bản chất của "bè lũ bốn bên" ngày càng lộ rõ, Mao đã nhất mực tỏ ý tin tưởng, trông cậy vào cách xử lý công việc của Hoa Quốc Phong.

Lý do Mao Trạch Đông chọn người kế thừa lịch sử Hoa Quốc Phong - Ảnh 4.

Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm và Uông Đông Hưng chụp ảnh kỷ niệm sau vụ bắt giữ "bè lũ bốn bên". Ảnh: Phượng Hoàng

Đến cuối tháng 1/1976, Mao Trạch Đông đề xuất Hoa Quốc Phong giữ Quyền Thủ tướng Quốc vụ viện và phụ trách chủ trì khai mạc các cuộc họp thường nhật của trung ương.

Vào ngày 7/10/1976, sau vụ bắt giữ “bè lũ 4 tên”, Hoa Quốc Phong chính thức đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Cho đến nay, đây là nhân vật duy nhất từng được gọi là "lãnh tụ Trung Quốc" sau Mao Trạch Đông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại