Những năm gần đây, Trung Quốc đầu tư ngày càng nhiều vào lĩnh vực nghiên cứu chiến đấu cơ, sản lượng xuất khấu máy bay chiến đấu của nước này vì thế cũng tăng lên, đưa Trung Quốc trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới.
Tuy nhiên, doanh thu các đơn hàng lại thấp hơn nhiều so với Mỹ và Nga, chẳng hạn như ở các đơn hàng cung cấp máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Máy bay chiến đấu Kiêu Long
Ngoài ra, mặc dù số lượng xuất khẩu chiến đấu cơ của Trung Quốc không ít nhưng nước này cũng để vuột mất tương đối nhiều đơn hàng, chẳng hạn như trong gói thầu cung cấp máy bay cho Không quân Ai Cập, mẫu JF-17 Kiêu Long của Trung Quốc không vượt qua được MiG-35 của Nga, để mất đi đơn hàng lớn trị giá 2 tỷ USD.
Trong cuộc cạnh tranh cung cấp trực thăng vũ trang cho Pakistan, sản phẩm của Trung Quốc cũng chịu thất bại trước T-129 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, chiến đấu cơ F-16 của Mỹ dù đã qua sử dụng và được bán với giá cao 60 triệu USD nhưng vẫn không đủ để cung ứng.
Chiến đấu cơ của Trung Quốc so với 10 năm trước đã có bước tiến rất lớn nhưng tại sao vẫn chưa thể cạnh tranh với chiến đấu cơ của Nga, Mỹ và thường mất đi đơn hàng lớn?
Chuyên gia Nga cho rằng vấn đề này xuất phát từ nhiều phương diện.
Đầu tiên, chiến đấu cơ của Trung Quốc luôn bị mắc kẹt ở động cơ hàng không.
Bất luận là máy bay huấn luyện L-15 hay chiến đấu cơ khác, họ đều không thể thực hiện nội địa hoá quy mô lớn đông cơ. Điều đó khiến khách hàng nước ngoài khi mua chiến đấu cơ Trung Quốc phải xem xét đến tốc độ giao hàng và vấn đề sửa chữa lắp đặt động cơ.
Vì thế, chiến đấu cơ ưu việt đến mấy cũng khó mở rộng thị trường. Về điểm này, Mỹ và Nga đều có thể thực hiện nghiên cứu tự chủ 100%.
Thứ hai, khi so sánh các chiến đấu cơ, không chỉ cần đánh giá tham số kỹ thuật, tính năng của chúng mà còn phải xét đến kinh nghiệm thực chiến.
Sức chiến đấu, thành tích tác chiến chính là cách quảng bá tốt nhất. F-16 của Mỹ tuy phát triển 40 năm trước nhưng quá trình thực chiến đã cho thấy tính năng ưu việt của nó. Vì vậy, Mỹ mới có thể bán được hơn 2.400 chiếc F-16, kiếm được 100 tỷ USD, ngay cả khi F-16 đã ngừng sử dụng.
Trong khi đó, về phương diện này, chiến đấu cơ của Trung Quốc lại kém xa.
Chiến đấu cơ J-31 của Trung Quốc
Thứ ba, Mỹ và Nga đã có lịch sử nghiên cứu máy bay chiến đấu lâu đời, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm thiết kế và công nghệ chế tạo quý báu, nên về thành tựu, tính khả thi của các dự án đều hơn Trung Quốc.
Quan trọng nhất, F-16 của Mỹ hay Su-27 của Nga đều là các mẫu máy bay được quân đội hai nước trang bị trước khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Trong khi đó, JF-17 hay J-31 của Trung Quốc lại không được quân đội nước này sử dụng, chúng chỉ phục vụ xuất khẩu mà thôi.
Điều đó khó tránh gây ấn tượng xấu với khách hàng rằng "đây không phải là một chiến đấu cơ tốt", "nếu tính năng của chúng tốt, tại sao Trung Quốc không dùng?"
Theo chuyên gia Nga, cho đến nay, cuộc cạnh tranh đơn hàng chiến đấu cơ trên thị trường quốc tế đang xáo trộn rất mạnh mẽ. Tuy Trung Quốc có nhiều chiến đấu cơ mới, cũng có không ít đơn hàng, nhưng đa số là quốc gia nhỏ.
Nếu muốn cạnh tranh nhiều trên thị trường, bán được nhiều chiến đấu cơ, Trung Quốc vẫn phải cố gắng giải quyết tốt những vấn đề khó khăn trên. Nếu chỉ dựa vào ưu thế về giá thấp thì họ sẽ ngày càng mất đi sức cạnh tranh.