Ngày 27/5, theo dự kiến, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ tuyên án đối với bị cáo Vi Văn Phượng (SN 1968, trú huyện Lục Nam, Bắc Giang) về tội giết người. Người bị hại là bà Nguyễn Thị Vui (SN 1926) là mẹ của bị cáo.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Dũng – chủ tọa phiên tòa đã ký quyết định hoãn phiên tòa do cần phải xác minh, thu thập chứng cứ mà không thể thực hiện ngay tại tòa. Thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa xét xử vụ án sẽ được thông báo sau.
Vụ án xảy ra từ cuối năm 2012, đã trải qua hai lần xét xử sơ, phúc thẩm. Cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm được tuyên vào năm 2013 đều kết luận Vi Văn Phượng phạm tội Giết người với hình phạt tử hình.
Theo bản án phúc thẩm tuyên tháng 8/2013, nội dung vụ án thể hiện bà Nguyễn Thị Vui mù lòa sống cùng vợ chồng Phượng.
Do đông con, hoàn cảnh kinh tế khó khăn lại phải nuôi dưỡng mẹ già nên cuối năm 2009 vợ chồng Phượng đã vay tiền, vàng lo cho người con lớn sinh năm 1989 đi xuất khẩu lao động.
Số tiền vay mượn khi đó là 50 triệu đồng, trong đó có vay của bà Vui một đôi hoa tai vàng 1,5 chỉ. Năm 2011, khi con trai về, vợ Phượng lại tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
Theo Phượng khai, trong lúc nợ nần như vậy bà Vui lại đòi vàng nên anh ta rất bực tức. Trong tháng 9/2012, vợ Phượng đã gửi được một số tiền về cho Phượng trả nợ. Bà Vui biết việc này nên nhiều lần đòi số vàng mà Phượng đã vay.
Do tiền vợ gửi về chưa đủ trả nợ mà bà Vui lại đòi vàng nên Phương rất bức xúc và nảy sinh ý định giết mẹ để trút gánh nặng gia đình.
Đầu tháng 10/2012, Phượng mua vàng rồi trả cho mẹ. Tối 4/10/2012, khi bị mẹ nói nghi ngờ vàng giả, anh ta càng thêm bực tức, hai mẹ con to tiếng.
Sáng hôm sau, Phượng sai con trai là Vi Văn Hồ (khi đó 15 tuổi) đi mua mì tôm về nấu cho bà ăn. Khi Hồ đi mua mì tôm thì Phượng cũng ra khỏi nhà đi làm thuê.
Tới trưa, sau khi làm thuê, qua một số nhà người quen, Phượng nói về nấu ăn cho mẹ già. Anh ta ngang qua cửa hàng tạp hóa của chị Hồ Thị Tuyết mua hai gói mì tôm rồi đi về nhà.
Về tới nhà thấy bà Vui nằm trên giường ngủ, Phượng nảy sinh ý định giết mẹ nên vớ dao quắm ở góc nhà đâm nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong.
Sau khi thấy mẹ chết, Phượng gọi điện báo công an viên ở thôn là mẹ bị người khác giết. Phượng cũng gọi điện cho con và nhiều người khác báo tin.
Sau đó, cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm hiện trường, tử thi, thu giữ chiếc áo phông cộc tay màu trắng và con dao quắm tại hiện trường.
Cơ quan điều tra cho tiến hành giám định mẫu máu của nạn nhân và mẫu máu để lại hiện trường, vết máu trên dao và trên chiếc áo phông, ngày 18/10/2012 Phượng bị bắt khẩn cấp.
Năm 2016, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử Giám đốc thẩm đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên hủy các bản án đã tuyên với ông Phượng đồng thời yêu cầu điều tra lại vụ án.
Tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 mở từ ngày 23/5/2019, Vi Văn Phượng tiếp tục kêu oan, khẳng định mình không giết mẹ như cáo trạng truy tố.
Bị cáo này tiếp tục cho rằng, bản thân nhận tội trong giai đoạn đầu vì điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng đánh đập, dọa bắt con.
“Ông Lượng bảo ông có quyền, bắt ai cũng được. Bị cáo nghĩ mình không có tội vẫn bị bắt, con mình cũng bị bắt và nếu bị đánh cháu sẽ nhận tội nên bị cáo phải nhận trước...”- Phượng trình bày và còn tố bị dùng móc sắt treo cổ lên cửa sổ, đánh ở cằm, đốt râu khi lấy cung ở cơ quan điều tra.
Phượng khai, khi xảy ra sự việc, con trai tên Vi Văn Hồ (khi đó 15 tuổi) bị công an bắt ở trường học, tạm giữ một đêm không ai giám hộ. Sau đó, hai bố con nhiều lần phải lên cơ quan điều tra nhưng con ông cũng không có người giám hộ.
Tuy nhiên, điều tra viên Trịnh Nguyên Lượng (hiện là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bắc Giang) đối chất khẳng định những gì bị cáo Phượng khai không đúng sự thật.
Ông Lượng khẳng định bản thân cũng như cơ quan điều tra tuân thủ đúng quy định của luật tố tụng, không làm việc luật cấm.
Đại diện VKSND tỉnh Bắc Giang giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, vì Phượng phải nuôi dưỡng mẹ già mù lòa trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà Vui cũng không thông cảm lại thường xuyên đòi vàng nên Vi Văn Phượng đã ra tay sát hại.
Hơn nữa, theo bản luận tội, hiện trường vụ án không có xáo trộn, mất tài sản là dấu hiệu thể hiện không phải vụ án cướp của giết người. Chính Phượng cũng thừa nhận mẹ mình không có mâu thuẫn với ai nên cũng loại trừ khả năng trả thù.
Vì vậy, đại diện VKS cho rằng, với hành vi dã man của bị cáo cần phải loại bỏ vĩnh viễn Phượng ra khỏi đời sống xã hội. Lần thứ hai, VKSND tỉnh Bắc Giang đề nghị HĐXX tuyên phạt Phượng án tử hình vì tội Giết người.
Tuy nhiên, những lập luận của VKS bị 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho bị cáo tranh luận gay gắt.
Luật sư Lê Thị Nga đề nghị Tòa tuyên bị cáo Phượng không phạm tội và trả tự do cho ông này vì cho rằng, 6 nhóm vấn đề còn nhiều nghi vấn của vụ án mà Quyết định Giám đốc thẩm của TAND Tối cao yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ đã không được thực hiện.
Luật sư Đinh Anh Tuấn cũng chỉ ra nhiều điểm bất thường trong thời gian biểu hoạt động của bị cáo ngày nạn nhân gặp nạn, đồng thời chỉ ra nhiều bằng chứng ngoại phạm.
Ông Tuấn đề nghị Tòa trả hồ sơ, điều tra lại với việc thực nghiệm lại hiện trường, trưng cầu giám định hình sự với một cơ quan giám định mới…/.