Theo số liệu khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, giá bán sơ cấp trong quý 2 ở thị trường Hà Nội trung bình ở mức 1.472 USD/m2, tăng 7% theo năm và 1% theo quý.
Trên thị trường thứ cấp, giá bán trung bình ở ngưỡng 1.180 USD/m2, tăng 4% theo năm. Các dự án trung cấp mới hoàn thiện, có vị trí thuận tiện như ở quận Hai Bà Trưng hay quận Bắc Từ Liêm ghi nhận mức tăng giá cao nhất trong vòng một năm trở lại đây. Một số dự án ghi nhận mức tăng 8-9% mỗi năm.
Đơn vị này đánh giá, giá bán sơ cấp trong hai năm tới dự kiến tăng trong khoảng từ 4-6%, cao hơn mức tăng của năm 2020 là 3% nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng đang dần cải thiện và nguồn cung mới không quá dồi dào như so với giai đoạn trước dịch Covid-19.
Hiện nay gần như khu vực nội đô và vành đai 3, các dự án rất hiếm, nếu có thì mức giá rất cao, dao động từ trên 45 – 60 triệu đồng/m2.
Chia sẻ với PV Infonet, lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên phân phối các dự án bất động sản cho rằng, mặc dù các hoạt động giao dịch bị ngưng trệ do Covid-19 nhưng giá bán sơ cấp vẫn không giảm giá đáng kể, thậm chí có một số dự án còn tăng bởi do giá đầu vào tăng cao.
Cụ thể, theo vị này, thời gian qua, quỹ đất ở Hà Nội ngày càng khan hiếm, giá đất cũng tăng cao; trong khi các chi phí đầu vào khác như giá vật liệu xây dựng, nhất là thép, giá nhân công tăng... khiến giá vốn của các sản phẩm cũng tăng cao đáng kể.
Cùng với đó, số lượng dự án mới được cấp phép không có nhiều trên thị trường cũng là lợi thế cho chính các chủ đầu tư để neo giá bán ở mức cao nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
“Khi dịch bệnh được khống chế, nhu cầu quay trở lại thị trường bất động sản có thể tăng nhanh thì trên thị trường cũng chỉ có từng ấy sản phẩm, chứ không có nhiều hơn nên khó có chuyện giảm giá nhà”, vị lãnh đạo này nói.
Cũng cho rằng, sau dịch sẽ khó có chuyện giảm giá nhà, ông Phạm Văn Ngọc, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Địa ốc Hà Nội Starland nêu thực trạng khi quỹ đất Hà Nội ngày càng khan hiếm, dần dần các chủ đầu tư phải dịch chuyển ra ngoại đô.
Theo ông Ngọc, hiện nay gần như khu vực nội đô và vành đai 3, các dự án rất hiếm, nếu có thì mức giá rất cao, dao động từ trên 45 – 60 triệu đồng/m2, thậm chí có dự án mức giá còn cao hơn.
“Mức giá này không còn phù hợp với những người có thu nhập vừa phải. Với khách hàng muốn mua bất động sản có giá dưới 40 triệu đồng/m2 thì phải chấp nhận đi xa, ra ngoài khu vực vành đai 3”, ông Ngọc nói.
Vị giám đốc này dẫn chứng thêm, đơn cử như quận Bắc Từ Liêm, gần như không còn dự án có mức giá tốt, hầu như giá rất cao. Đặc biệt, một số dự án ở tiệm cận khu vực Ngoại giao đoàn hiện không còn mức giá dưới 40 triệu đồng/m2; hầu hết các dự án đều có giá trên 50 triệu đồng/m2, khách hàng khá khó tiếp cận những dự án này.
Theo ông Ngọc, các dự án mở bán mới ở năm 2021 tương đối hiếm, người mua có thể cân nhắc có thể tìm mua ở những dự án thứ cấp, đã bàn giao và đi vào hoạt động ổn định một thời gian thì sẽ có mức giá vừa phải.
Khi dịch bệnh được kiểm soát, ông Ngọc cho rằng, với nhu cầu của người mua đang rất ổn định, nguồn cung dự án mới rất ít... nên gần như không có chuyện giảm giá ở các chủ đầu tư dự án nhà ở.
“Với chính sách của nhà nước sẽ còn giảm lãi suất, dòng tiền tiếp tục “chảy” vào bất động sản và chứng khoán là điều khó tránh khỏi.
Do đó, nếu người mua kỳ vọng giá bất động sản sẽ thấp hơn thời điểm sau dịch thì khả năng không có; có chăng chỉ có ở cục bộ một số chủ đầu tư có tình hình tài chính không tốt. Còn với những chủ đầu tư có tài chính tốt thì không có chuyện giảm giá, chỉ có đưa ra chính sách hỗ trợ tốt hơn có lợi cho khách hàng”, ông Ngọc nhận định.
Bên cạnh đó, khi đưa ra quyết định mua bất động sản để ở hay đầu tư, ông Ngọc cho rằng có thể mua bất động sản ở bất kỳ thời điểm nào cũng được nhưng phải phù hợp với động lực, phương án tài chính, ưng thuận của người mua.