Như một động thái mang tính khiêu khích, hôm nay ngày 29/8, lần đầu tiên sau 19 năm, Triều Tiên đã thực hiện một vụ phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo bay qua không phận Nhật Bản.
Trong đó quả tên lửa theo dự đoán có thể là Hwasong-10 hoặc Hwasong-12 thuộc loại tầm trung, nó leo lên độ cao 550 km rồi "hạ cánh" xuống địa điểm cách vị trí phóng 2.700 km, sau 29 phút bay trên bầu trời.
Đồ họa vụ phóng tên lửa đạn đạo vừa được Triều Tiên thực hiện
Nếu tên lửa có nguy cơ rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, nó sẽ phải (và chỉ có thể) bị bắn hạ vào giai đoạn trở lại khí quyển hoặc chuẩn bị tiếp cận mục tiêu, lúc này mặc dù tốc độ tăng đến cực điểm nhưng đồng thời độ cao lại cho phép các hệ thống phòng không có thể tiêu diệt.
Minh họa cơ chế đánh chặn tên lửa của Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối - THAAD
Hiện tại lá chắn phòng thủ tên lửa của Nhật Bản gồm có loại tầm xa SM-3 bố trí trên các tàu khu trục Aegis lớp Kongo và Atago triển khai ở ngoài khơi, đây chính là lớp bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất.
Tiếp theo, trên đất liền có các tổ hợp Patriot PAC-3 tầm bắn ngắn cũng như độ cao hiệu quả nhỏ hơn so với SM-3, đảm nhiệm vai trò "hy vọng cuối cùng" nếu tên lửa Triều Tiên vượt qua lớp phòng thủ của Aegis.
Hệ thống tên lửa phòng không MIM-104 Patriot PAC-3 được Nhật Bản triển khai trên đất liền
Đối với PAC-3, nó chỉ vươn tới được độ cao 24,2 km; trong khi tầm cao đã thử nghiệm thành công của SM-3 khi nó bắn hạ vệ tinh là 247 km (SM-3 Block IA/B bay cao tối đa 500 km, Block IIA lên tới 1.500 km nhưng góc bắn rất hẹp, yêu cầu phục kích đón lõng trước, còn tên lửa Triều Tiên lại có quỹ đạo gây bất ngờ, không thể dự đoán).
PAC-3 cùng với SM-3 phát huy tác dụng tốt nhất khi tiêu diệt tên lửa đạn đạo đã bước vào giai đoạn cuối của hành trình (hoặc đang lấy độ cao nếu có cơ hội áp sát bãi phóng), còn trong giai đoạn giữa như tên lửa vừa phóng của Triều Tiên, lúc bay qua lãnh thổ Nhật Bản thì Patriot và SM-3 hoặc không có khả năng với tới, hoặc không triển khai đúng lúc trên đường bay.
Ngoài ra cũng cần phải nói đến yếu tố cốt lõi rằng căn cứ vào đường bay hiển thị trên radar, người Nhật thừa biết tên lửa Triều Tiên sẽ không rơi xuống đất liền của họ. Chính vì chắc chắn như vậy, cho nên việc hệ thống phòng không Nhật Bản chỉ "đứng yên quan sát" là điều dễ hiểu, không có gì khó giải thích.
Nhật Bản diễn tập triển khai lá chắn tên lửa