Lý do cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền cho iPhone: Thờ ơ mắc lỗi sẽ có ngày khiến bạn trả giá

HÀ THU |

Hãy bỏ ngay thói quen mua hoặc sử dụng tạm bất kỳ một dây sạc nào cho iPhone hoặc các thiết bị Apple của mình, nếu không muốn một ngày phải hối hận.

iPhone là chiếc smartphone được săn đón nhiều nhất trên thế giới, đó là điều miễn bàn suốt một thời gian dài trở lại đây. Vì thế, thị trường giao dịch mua đi bán lại giữa nhiều người dùng cũng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Chuyện mua một chiếc iPhone "máy trần" không có phụ kiện từ ai đó cũng chẳng phải hiếm, cùng lắm hôm sau ra mua cáp sạc riêng là quá đủ phải không?

Thế nhưng, chuyện cáp sạc chưa bao giờ là vấn đề nhỏ đối với những thiết bị của Apple. Tiền nào của nấy, nếu không chịu đầu tư nghiêm túc mà chỉ dùng tạm bợ những bộ sạc rẻ tiền đầy rẫy tại những hàng quán bên đường, chắc chắn bạn sẽ trả giá đắt, đôi khi hỏng luôn cả chiếc iPhone vừa mới mua.

Lý do cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền cho iPhone: Thờ ơ mắc lỗi sẽ có ngày khiến bạn trả giá - Ảnh 1.

Sự thật ít người biết về cáp sạc dành cho iPhone

Không thể phủ nhận tầm quan trọng cũng như rủi ro tới từ cáp sạc dành cho smartphone nói chung trên toàn thế giới, đặc biệt khi để xảy ra hậu quả nặng nề nhất như cháy nổ. Đó là biểu hiện cho sự coi nhẹ chất lượng phụ kiện, thờ ơ với an toàn của chính bản thân dẫn tới kết cục tiền mất tật mang.

Đối với iPhone và các thiết bị cùng nhà Táo khuyết, yêu cầu lại càng được nâng lên một tầm cao mới, khắt khe và nghiêm khắc hơn. Apple đã đặt ra một tiêu chuẩn riêng cho phụ kiện cáp sạc phù hợp với mình - MFi.

MFi - Made For iPhone/iPod/iPad - là chứng nhận được Apple lập ra để kiểm định chất lượng phụ kiện. Nếu là một bộ cáp sạc do các hãng bên ngoài sản xuất, nó sẽ có thể không tương thích 100% với thiết bị Apple trừ khi có dấu hiệu MFi xuất hiện trên bao bì hoặc thiết kế sản phẩm. 

Đây cũng có thể được coi là phao cứu sinh cho những người non kinh nghiệm, lấy MFi làm chuẩn mực để kiểm tra, từ đó tránh né các mặt hàng sạc trôi nổi, không rõ xuất xứ.

Lý do cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền cho iPhone: Thờ ơ mắc lỗi sẽ có ngày khiến bạn trả giá - Ảnh 2.

Thiết kế logo MFi cũ (trên) và mới (dưới).

Vì sao sạc có chứng nhận MFi mới đủ an toàn tuyệt đối?

Một trong những hậu quả dễ gặp ở sạc trôi nổi, không rõ nguồn gốc là điện năng và công suất sạc sẽ lớn hơn thông thường, nhằm lòe bịp người mua về hiệu quả "phi thường" khi sử dụng. Tốc độ sạc khi đó sẽ nhanh hơn, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm tiềm tàng khi vượt qua giới hạn đặt ra bởi Apple. 

Khi đó, con chip U2 trong mạch điện iPhone - phụ trách chức năng sạc - dễ bị cháy và gây ra hệ quả như không thể sạc, sạc điện ảo, pin tụt thất thường và sập nguồn. Đau lòng nhất, việc thay pin khi đó cũng không giúp giải quyết vấn đề, vì tác nhân hỏng đã ăn sâu vào chính mạch điện của iPhone, không phải do pin.

Vậy sạc có tiêu chuẩn MFi khác biệt gì so với thông thường để hóa giải mọi rủi ro? "Cáp sạc đạt tiêu chuẩn MFi có một chip riêng ở trong bộ sạc, giúp chủ động hạn chế các sự cố điện áp bất thường trong khi sạc pin." - Lý giải bởi Jessa Jones - chuyên gia sửa chữa từ iPad Rehab. 

Đó là con chip E75, có chức năng kiểm soát điện năng từ ngoài, sau đó mới cho phép đi qua dây nối để truyền vào trong mạch iPhone. Mức điện áp sẽ được đảm bảo ở ngưỡng bình an vô sự cho iPhone, đảm bảo an toàn cho cả người sử dụng.

Bản thân iPhone cũng sẽ ghi nhận đây như một tiêu chuẩn chung mà chỉ có những bộ sạc MFi mới tương thích hoàn toàn. Vì vậy, nếu vẫn cố tình dùng những bộ sạc kém chất lượng trong lần sạc tới, đôi khi iPhone sẽ có thể chủ động cảnh báo chủ nhân về độ tương thích của phụ kiện, thậm chí ngăn chặn đường truyền điện của dây sạc này.

Lý do cấm kỵ dùng sạc rẻ tiền cho iPhone: Thờ ơ mắc lỗi sẽ có ngày khiến bạn trả giá - Ảnh 3.

Cảnh báo chặn quyền kết nối của cáp sạc khi phát hiện có điều bất thường.

Dù vậy, một số hãng sản xuất đã dần nghĩ ra được cách làm giả chip E75 đó để qua mặt cách kiểm duyệt trên, khiến cho iPhone không hề hay biết đó là một cáp sạc kém chất lượng so với thông thường. "Một con chip E75 'xịn' sẽ có giá ít nhất là 4 USD, cho nên nếu thấy loại sạc nào có giá bán gần mức đó, hãy bỏ qua ngay lập tức," Jessa khuyến cáo. Đó càng là một minh chứng để tránh xa những sản phẩm sạc 100.000-150.000 đồng ngoài cửa hàng, kể cả khi có tem MFi dán kèm. Ai mà biết những con tem đó có được làm giả luôn để dán lên bao bì hay không cơ chứ?

Tóm lại, có lẽ phương án tốt nhất vẫn là mua iPhone mới nguyên hộp để sử dụng cáp sạc "zin". Trong trường hợp bị hỏng/mất sạc hoặc mua lại máy trần từ người khác, hãy đảm bảo tìm kiếm nguồn sản phẩm sạc từ chính các đại lý uy tín về Apple, hoặc hãng sản xuất phụ kiện có danh tiếng và chế độ bảo hành đáng tin.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại