Sau những gì xảy ra trong câu chuyện "Anh em tôi bàng hoàng khi bố mẹ tuyên bố sẽ để hết tài sản cho anh hàng xóm", bác nghĩ rằng, các cháu cần phải bình tĩnh để suy xét, nhìn nhận lại mọi chuyện. Có lẽ khi đưa ra quyết định trên, bố mẹ cháu đã phải suy nghĩ, đắn đo rất nhiều. Cha mẹ nào cũng muốn để lại tài sản cho con cái, muốn về già có con cháu ở bên cạnh cho sum vầy, vui vẻ. Tuổi già, họ không cần tài sản, tiền bạc gì nữa mà chỉ cần nhận được tình yêu thương, phụng dưỡng từ các con; đó mới là hạnh phúc lớn lao nhất.
Các cháu còn trẻ nên chưa thể hiểu hết được những tâm tư của người lớn tuổi. Bây giờ các cháu còn thích bươn chải ngoài xã hội để kiếm tiền nên dễ lãng quên đi những người thân sinh của mình. Nếu cẩn thận nhìn ngẫm lại, các cháu sẽ nhận ra mình cũng có một phần lỗi khiến bố mẹ đưa ra quyết định trên. Biết rằng các cháu thương bố mẹ nhưng lại không có thời gian ở cạnh để lo bữa ăn, giấc ngủ, những khi ông bà đau bệnh, trái gió trở trời hay khi té ngã. Có lẽ trong lần bị ngã, phải nằm viện mà chỉ có anh hàng xóm lo lắng, cùng chia sẻ công việc đồng áng và chăm sóc mình, bố cháu đã buồn nhiều lắm.
Ông cũng đã hỏi ý kiến của các con về việc phân chia tài sản với hy vọng con sẽ về sống cùng mình. Nhưng các cháu lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà không hề nghĩ đến cảnh cha mẹ già yếu nơi thôn quê một mình cô độc. Là một người (chắc) cùng tuổi với bố mẹ cháu, bác cũng ngậm ngùi thay cho họ.
Các cháu không nên oán trách bố mẹ kẻo đẩy mối quan hệ vào tình trạng rạn nứt. Thay vào đó, các cháu nên bàn bạc kỹ với nhau, thống nhất ai sẽ về quê ở với bố mẹ hoặc đưa ra nhiều phương án khác nhau để bố mẹ lựa chọn. Nếu như sau cùng vẫn không thể tìm ra một biện pháp tốt nhất, bác nghĩ các cháu nên tôn trọng quyết định của bố mẹ mình.
Các cháu còn trẻ, đã có cơ ngơi vững chắc thì nên thực hiện trách nhiệm của một người làm con trong nhà. Hi vọng các cháu sớm giải quyết ổn thỏa mọi chuyện. Bác chúc các cháu sức khỏe và thành công trong cuộc sống.