Lý do bất ngờ sau việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhu cầu mua S-400 của Nga mặc Mỹ “nổi giận”

Vũ Thu Hương |

“Khi thỏa thuận lực lượng hạt nhân tầm trung chấm dứt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gia tăng nhu cầu mua hệ thống S-400”, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Theo TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm qua tuyên bố Ankara mong rằng nước này nhận được tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 thứ 2 từ Nga vào tháng 8 hay tháng 9 này.

"Tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 thứ 2 mong là sẽ được bàn giao vào tháng 8 hay tháng 9", ông Hulusi Akar tuyên bố.

Theo người đứng đầu Bộ Quốc phòng, "Khi thỏa thuận lực lượng hạt nhân tầm trung chấm dứt, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gia tăng nhu cầu mua hệ thống S-400".

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nói thêm rằng trong các cuộc đàm phán gần đây Mỹ đã đưa ra thỏa thuận mới với Ankara. Tuy nhiên, ông không tiết lộ chi tiết.

Thông tin về các cuộc đàm phán Nga-Thổ Nhĩ Kỳ về việc chuyển hệ thống S-400 đầu tiên xuất hiện vào tháng 11/2016. Đại diện công ty sản xuất vũ khí của nhà nước Nga Rostec Sergei Chemezov tuyên bố hồi tháng 12/2017 rằng thỏa thuận mua bán S-400 của 2 nước trị giá 2,5 tỷ USD.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, nước này bắt đầu nhận lô S-400 đầu tiên vào ngày 12/7.

Lý do bất ngờ sau việc Thổ Nhĩ Kỳ tăng nhu cầu mua S-400 của Nga mặc Mỹ “nổi giận” - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ mong rằng nước này nhận được tổ hợp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 thứ 2 từ Nga vào tháng 8 hay tháng 9 này.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 khiến Mỹ phản đối gay gắt. Washington nhiều lần tuyên bố, thương vụ này có thể làm tổn hại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thông báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị loại khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35. Mỹ cũng đe dọa áp trừng phạt vào Thổ Nhĩ Kỳ chiếu theo Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Washington coi hệ thống phòng không của Nga là mối đe dọa tiềm tàng đối với vũ khí của nước này, đặc biệt là F-35, và khẳng định rằng các thành viên NATO chỉ nên mua từ trong khối để duy trì "khả năng tương tác".

Mỹ tin rằng việc bán S-400 là một phần trong nỗ lực của Nga nhằm phá vỡ liên minh trong lúc phương Tây quan ngại mối quan hệ đang phát triển giữa ông Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đáp lại, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh quyết định mua S-400 thuộc quyền chủ quyền của nước này.

Trả lời câu hỏi liên quan đến các mối đe dọa của Mỹ, Tổng thống Erdogan từng lưu ý áp lực của Washington là do đường lối ngày càng độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề quốc phòng và khu vực.

Ông Erdogan nói: "Rất rõ ràng tại sao Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không này, mua trong điều kiện gì và sẽ dùng chúng ra sao. Mọi người đều biết rằng vấn đề này không liên quan gì đến cả NATO, dự án tiêm kích tàng hình F-35 cũng như an ninh của Mỹ.

Vấn đề không phải là về S-400. Đó là bởi vì Thổ Nhĩ Kỳ hành động theo ý muốn của mình trong các vấn đề liên quan đến sự phát triển của khu vực, đặc biệt là ở Syria".

Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, đa dạng hóa các nhà cung cấp vũ khí và tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân rất quan trọng đối với an ninh quốc gia, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến Syria đang diễn ra ở biên giới và sau nỗ lực đảo chính quân sự năm 2016.

Ankara cân nhắc việc mua các hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất nhưng Nga đưa ra các điều khoản tốt hơn mà không có ràng buộc nào đối với S-400.

S-400 được xem là hệ thống phòng không tầm xa tân tiến nhất đã được đưa vào hoạt động từ năm 2007. Vũ khí này được thiết kế nhằm tấn công máy bay, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình gồm cả tên lửa tầm trung. Hệ thống S-400 có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách xa tới 400km và cao tới 35km.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại