Theo Haaretz, không quân Israel đã thực hiện hàng trăm cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu được cho là của Iran và Hezbollah ở Syria. Giới chuyên gia gọi đây là thành tựu của Tel Aviv trong "Chiến dịch Giữa các cuộc chiến", chiến dịch do quốc phòng Israel và tình báo nước này chống lại các quốc gia đối địch như Iran, Syria, Iraq.
Điều đáng nể, trong chiến dịch này, không quân Israel và hệ thống tác chiến điện tử, tình báo và kiểm soát trên không của họ đã tránh được các hệ thống phòng không của quân đội Syria.
Trong 7 năm qua, phòng không Syria đã phóng ít nhất khoảng 700 tên lửa vào các máy bay chiến đấu của Israel. Nhưng chỉ có một quả tên lửa bắn hạ được một máy bay chiến đấu F-16.
Dường như, hỏa lực tên lửa khổng lồ của Syria đã giúp Israel tích lũy được nhiều bí quyết và kinh nghiệm hơn bất kỳ lực lượng không quân nào khác trên thế giới.
3 lý do khiến Syria chưa tung S-300 đối phó
Thành tựu của Israel có thể đã đạt được nhờ một học thuyết chiến đấu mới được phát triển trong những năm gần đây, nhờ kinh nghiệm hoạt động, nhưng thực tế cũng một phần là nhờ Syria vẫn chưa kích hoạt các hệ thống phòng không S-300 tiên tiến, tờ Haaretz nhận định.
Hồi tháng 9/2018, máy bay Syria phóng tên lửa làm rơi máy bay Nga vì lầm tưởng đây là máy bay Israel đang hoạt động trong khu vực. Nga đổ lỗi cho Israel đã làm máy bay Moscow rơi với cáo buộc máy bay Israel đã cố tình "nấp" sau máy bay Nga.
Hệ thống tên lửa S-300 đã được chuyển giao cho Syria từ 2 năm trước
Ngay sau đó, Nga chuyển cho Syria hệ thống phòng không S-300. Tuy vậy, đã 20 tháng trôi qua kể từ sau sự cố, không một quả tên lửa S-300 nào được Syria phóng ra nhằm hướng máy bay Israel.
Sở dĩ tên lửa S-300 vẫn "án binh bất động" là bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các tổ hợp S-300 của Syria nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của các cố vấn và sĩ quan vận hành Nga.
Thứ hai, các cố vấn Nga không muốn phóng tên lửa, gây nguy cơ xung đột và căng thẳng leo thang.
Thực tế, từ năm 2015, Nga đã triển khai hàng ngàn binh sĩ, máy bay, tàu chiến và cả hệ thống phòng không S-400 tiên tiến nhất tới Syria hỗ trợ nước này chống khủng bố. Nhưng Nga vẫn để mặc các cuộc tấn công của Israel nhằm vào mục tiêu Iran tại Syria.
Lý do thứ ba có thể bắt nguồn từ việc Nga còn một số e ngại xung quanh việc kích hoạt S-300.
Sự trở lại của các cuộc tấn công từ Israel
Sau khủng hoảng do đại dịch COVID-19, Israel và Iran đã trở lại thời kỳ căng thẳng. Israel đã thực hiện 6 cuộc tấn công vào các mục tiêu Iran trong 2 tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Naftali Bennett cho biết.
Sau khi khủng bố IS bị đánh bại, Tướng tư lệnh Lực lượng Quds, thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, Suleimani được cho là đã tích cực triển khai các tay súng dòng Shiite tới Syria, cùng với đó là các căn cứ tên lửa, nhằm tranh thủ sự thất bại của IS để mở rộng ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Nhưng Tướng Soleimani đã gặp khó khăn trong việc thực hiện tầm nhìn của mình do vấp phải các cuộc tấn công của không quân Israel. Tới đầu năm 2019, ông Soleimani đã buộc phải thu hẹp lực lượng của mình ở Syria.