Theo WashingtonTimes, nhà ngoại giao hàng đầu của Ấn Độ hôm qua đã bảo vệ quyết định của chính phủ nước này trong việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga với khẳng định rằng New Delhi phải được phép mua vũ khí họ muốn từ bất cứ người nào để đáp ứng nhu cầu phòng thủ của mình.
"Quyết định nguồn gốc các thiết bị quân sự đích thực phải là quyền tự chủ của chúng tôi và chúng tôi không muốn bất cứ quốc gia nào gợi ý với chúng tôi rằng mua hay không mua gì từ Nga hay chúng tôi không muốn bất cứ nước nào khuyên chúng tôi nên mua hay không nên mua từ Mỹ", Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết trước cuộc họp với Ngoại trưởng Mike Pompeo.
"Chúng tôi mua của người Mỹ, chúng tôi mua của người Nga, chúng tôi mua của người Pháp, chúng tôi mua của người Israel", ông Jaishankar cho biết. "Sự tự do lựa chọn là của chúng tôi".
Trong chuyến thăm New Delhi của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo hồi tháng 6, ông Jaishankar đã nhắc đến vấn đề này với lời cảnh báo rằng vì "quan hệ đối tác chiến lược" Mỹ-Ấn Độ, Ấn Độ nên rút lại yêu cầu mua S-400 của Ấn Độ. Ông Pompeo cũng bày tỏ hy vọng cả hai bên nên "tìm một cách giải quyết vấn đề".
Trong chuyến công du tới Washington, Ngoại trưởng Ấn Độ Jaishankar cho biết New Delhi đang thảo luận về những quan ngại của phía Mỹ nhưng từ chối dự đoán quyết định cuối cùng về số phận thương vụ S-400 của Nga.
Ấn Độ, một đồng minh trong Chiến tranh Lạnh với Liên Xô (cũ), hồi năm 2018 đã nhất trí mua 5 hệ thống S-400 trị giá 5,2 tỷ USD, và đang trong quá trình nhận chuyển giao.
Về phần mình, Bộ trưởng Jaishankar nhấn mạnh tới những mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Ấn Độ, nhưng ông cũng khẳng định New Delhi không đồng tình với quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump về vấn đề Iran. Cụ thể, Mỹ đã đe dọa trừng phạt để ngăn tất cả các nước mua dầu mỏ của Iran.
Những bình luận trên được đưa ra khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa sẽ trừng phạt đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vì đã mua hệ thống tên lửa Nga. Những bình luận này đáng chú ý bởi trước đó Ấn Độ từng cho biết nhiều động thái về việc mua S-400 của Nga.
Chiểu theo đạo luật năm 2017, Mỹ sẽ cho áp đặt lệnh trừng phạt với những nước mua "vũ khí lớn" của Nga, sau cáo buộc Moscow liên quan tới cuộc chiến ở Ukraine và Syria cũng như nghi án can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Tuy nhiên, ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh trong khối NATO với Mỹ cũng đã khiến Washington tức giận khi Ankara nhất quyết triển khai kế hoạch mua S-400.
Đáp lại, Tổng thống Donald Trump đã hạ lệnh loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất tiêm kích F-35 song cho tới nay, Mỹ vẫn chưa công bố áp đặt lệnh trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ.