Vào những năm cuối thời Đông Hán, thiên hạ đại loạn, quần hùng khắp nơi nổi lên tranh cứ. Tuy nhiên, cuối cùng chỉ có ba thế lực mạnh nhất dẫn đầu, tạo thành thế chân vạc thời Tam Quốc, đó là Tào Ngụy, Thục Hán và Đông Ngô.
Tào Tháo sử dụng chiêu bài "Phò tá Thiên tử để hiệu lệnh chư hầu", nhờ đó từng bước gặt hái được nhiều thành công trong quá trình xây dựng cơ nghiệp và củng cố quyền lực. Tuy nhiên, so với Tào Tháo, Lưu Bị gần như tay trắng lập nghiệp, lại nhiều năm phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu, bôn ba khắp nơi.
Tuy nhiên, điểm chung của Tào Tháo và Lưu Bị là cả hai vị quân chủ này đều biết trọng dụng nhân tài và đặc biệt là giỏi dùng người.
Trong quá trình lập nghiệp nhiều gian khổ, Lưu Bị đã trọng dụng nhiều nhân tài xuất chúng. Về võ tướng, Lưu Bị có Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân… Về mưu sĩ, vị quân chủ của Thục Hán có Bàng Thống, Gia Cát Lượng…
Trong số các nhân tài phò tá Lưu Bị, có lẽ Gia Cát Lượng là người đặc biệt hơn cả. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Gia Cát Lượng là nhân tài hiếm có thời Tam Quốc.
Gia Cát Lượng có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực như chính trị, quân sự, ngoại giao, giáo dục, văn chương, phong thủy, phát minh kỹ thuật… Điều này có thể thấy rằng trên đời rất hiếm có người tài năng toàn diện trên nhiều lĩnh vực như vị quân sư này.
Lưu Bị cũng mất nhiều công sức để mời Gia Cát Lượng xuống núi phò tá. Vị quân chủ này thậm chí còn từng nói rằng, việc ông có được Khổng Minh, giống như cá gặp nước vậy. Điều này khiến nhiều người cho rằng mối quan hệ quân thần giữa hai người là rất khăng khít.
Gia Cát Lượng vô cùng tài năng, thậm chí được coi là một trong những nhân vật kiệt xuất nhất Tam Quốc. Thế nhưng, khi tìm hiểu về cuộc đời của Lưu Bị, các nhà nghiên cứu nhận ra một chuyện lạ. Đó là trong các trận chiến quan trọng của Lưu Bị như chiến dịch Tây Xuyên, trận Di Lăng lại không hề thấy sự có mặt kề cận của Gia Cát Lượng.
Nguyên nhân là vì sao? Đáp án hóa ra từng được Tào Tháo, vị quân chủ nổi tiếng của Tào Ngụy tiết lộ.
Tào Tháo tiết lộ lý do Gia Cát Lượng ít ra chiến trường
Lưu Bị rất giỏi dùng người. Ông ít khi cho Gia Cát Lượng ra chiến trường là có lý do.
Trong ấn tượng của hậu thế, Gia Cát Lượng là vị quân sư có tài cầm quân đánh trận. Bằng chứng là sự có mặt của ông trong mấy lần Thục Hán thực hiện Bắc phạt.
Tuy nhiên, lúc sinh thời, Lưu Bị hiếm khi dẫn Gia Cát Lượng cùng tham chiến. Điều này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Thế nhưng, đối với Tào Tháo, người ở phe đối địch, lại có đánh giá rất chính xác về hành động này của Lưu Bị.
Tào Tháo cho rằng, Gia Cát Lượng tuy mưu lược hơn người, tài năng nhiều mặt, nhưng lại có một nhược điểm chí mạng. Đó là quá thận trọng.
Tào Tháo chỉ ra nhược điểm chí mạng của Gia Cát Lượng chỉ với 2 từ.
Thắng thua vốn là chuyện thường tình của binh gia. Điều binh đánh trận rất cần sự thận trọng. Tuy nhiên, nếu vị quân sư hay chiến lược gia mà thận trọng quá thì thường bỏ lỡ thời cơ trên chiến trường. Bởi lẽ, trong một cuộc chiến, tình thế có thể thay đổi nhanh chóng. Do đó, nếu mưu sĩ hay võ tướng mà không nắm được thời cơ để đưa ra quyết sách kịp thời thì kết cục của trận đánh chỉ có thất bại mà thôi.
Trong "Tấn thư – Tuyên Đế kỷ", Tư Mã Ý cũng từng bình phẩm rằng: "Lượng chí hướng lớn lao nhưng không nắm được thời cơ, mưu trí rât nhiều nhưng lại thiếu quyết đoan, thích dùng binh nhưng không biết quyền biến". Nhận định này của Tư Mã Ý có nghĩa là Gia Cát Lượng do tính cách quá thận trọng, không thích mạo hiểm nên có những lúc bỏ lỡ thời cơ.
Trong Tam Quốc chí, sử gia Trần Thọ cũng đánh giá Gia Cát Lượng là người rất thận trọng: "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản, lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng". Điều này có nghĩa là Gia Cát Lượng có tài năng về chính trị hơn hẳn về quân sự, còn về quân sự thì giỏi trị quân hơn là dùng quân.
Tính tính quá thận trọng của Gia Cát Lượng khi đó quả thật không thích hợp trong việc điều binh khiển tướng ra trận. Trong khi đó, Lưu Bị đang trong thời kỳ khởi nghiệp, nếu không xông xáo và nắm bắt thời cơ thì việc có được cơ nghiệp sau này quả là chỉ như giấc mộng.
Lưu Bị nhìn người rất chính xác. Điều này Tào Tháo cũng sớm thấy được. Với tính cách thận trọng của Gia Cát Lượng, Lưu Bị lại rất tin tưởng giao phó công tác ở hậu phương. Trong thời Tam Quốc, bên cạnh việc những trận chiến, trận đấu trí giữa ba tập đoàn mạnh nhất, việc trấn thủ cho những vùng đất hiện có cũng vô cùng quan trọng.
Gia Cát Lượng làm rất tốt các công tác ở hậu phương.
Trong sự nghiệp của Lưu Bị, Ích Châu và Hán Trung là hai vùng đất căn cứ rất quan trọng với vị quân chủ của Thục Hán. Chính vì vậy, ông nhất định chọn người thân tín trấn thủ tại đây. Để yên tâm ra trận, giải tỏa mối lo việc nhà, Lưu Bị chỉ an tâm khi có Gia Cát Lượng, một vị quân sư, chiến lược gia luôn suy nghĩ thấu đáo, tài trí và vô cùng thận trọng.
Gia Cát Lượng quả nhiên không phụ sự kỳ vọng của Lưu Bị. Ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao khi ở lại Thành Đô lo việc quốc sự, đồng thời phát triển kinh tế và lo liệu công tác hậu cần cho các trận chiến của Lưu Bị.
Đáng tiếc, khi Lưu Bị thống lĩnh đại quân của Thục Hán để tổng tiến công Đông Ngô thì cuối cùng lại chịu thất bại nặng nề tại trận Di Lăng (năm 221 – 222). Thất bại này được đánh giá là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử quân sự và chính trị của nhà Thục Hán, khiến chiến lược Long Trung đối sách của Gia Cát Lượng cũng không còn khả năng thực hiện được.
Sau trận chiến này, sức mạnh quân đội của Thục Hán cũng bị suy yếu, chịu tổn thất lớn. Trên thực tế, cũng chính vì thất bại này mà Lưu Bị suy sụp tinh thần, lâm bệnh nặng và mất tại thành Bạch Đế vào năm 223. Trước khi qua đời, ông đã ủy thác việc nước và giao Lưu Thiện cho Gia Cát Lượng phò tá.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng hết lòng phò tá Lưu Thiện và nhà Thục Hán.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng một mặt lo việc ổn định nội chính, phát triển kinh tế, chăm lo cho đời sống nhân dân; mặt khác lại chuẩn bị lực lượng và nguồn lực cho chiến dịch Bắc phạt tấn công Tào Ngụy. Rõ ràng, nhờ tài năng cùng sự cúc cung tận tụy của Gia Cát Lượng, Thục Hán nhanh chóng có nhiều thay đổi và phát triển ổn định. Tuy nhiên, sau thất bại của chiến dịch Bắc phạt, có thể thấy rằng Gia Cát Lượng không giỏi đánh trận.
Vị thừa tướng, công thần khai quốc của nhà Thục Hán đích thực là chính trị gia tài ba, mưu lược hơn người. Chính vì sớm nhìn ra điều này nên Lưu Bị đã để Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô lo liệu việc chính sự. Đây cũng là phương án để vị thừa tướng này phát huy hết tài năng của mình.
Bài viêt tham khảo nguồn: Sohu, Sina, 163