Phía sau chiếc cúp vàng
"Ông ấy đã giúp tôi rất nhiều về chuyên môn. Trong các trận đấu của đối thủ, khi cùng tôi ra sân theo dõi, ông đã có sự phân tích rất rõ ràng, từ điểm yếu đến điểm mạnh của đối thủ.
Cũng nhờ vậy mà tôi có thể lên một kế hoạch đấu pháp chi tiết và hiệu quả cho đội bóng", HLV Vũ Hồng Việt của U15 Việt Nam, nhà vô địch của giải U15 Đông Nam Á 2017 đã nói như thế về Giám đốc kỹ thuật của LĐBĐ Việt Nam – ông Juergen Gede.
Trước đó, người ta cũng không quên nói về người đàn ông đến từ nước Đức khi trở thành "cánh tay phải" đắc lực của HLV Hoàng Anh Tuấn trong chiến tích giành vé tham dự U20 World Cup 2017.
Chính Hoàng Anh Tuấn thừa nhận rằng, Juergen Gede là người truyền cho vị HLV này niềm tin và khát vọng giành chiếc vé dự World Cup lịch sử của bóng đá Việt Nam trước ngày lên đường sang Bahrain dự giải vô địch U19 châu Á. Và U20 Việt Nam đã thành công theo như cái cách mà người ta vẫn hay nói là "thật không thể tin nổi".
Rất nhiều người đã đặt cho Juergen Gede cái biệt danh "người hùng thầm lặng". Đấy là điều hoàn toàn đúng nhưng cũng phải nói lại, đấy là công việc của một người được trả lương cao để làm những công việc như vậy.
GĐKT Juergen Gede góp công lớn đưa U20 Việt Nam dự VCK U20 World Cup và U15 Việt Nam vô địch U15 ĐNÁ.
Đến đây phải nói lại, ông Juergen Gede ngồi vào chiếc ghế GĐKT vốn đã bị bỏ trống 10 năm qua ở VFF, hồi giữa tháng 6 năm 2016. Nên nhớ, vị giám đốc kỹ thuật đầu tiên của VFF cũng là người Đức - Rainer Wilfeld. Tiếc thay, ông này được sử dụng như một người "giúp việc" hơn là một chuyên gia.
Có vẻ như sau 1 thập kỷ, VFF mới nhận ra tầm quan trọng của một GĐKT. Đó là lý do tại sao ông Juergen Gede xuất hiện và có mặt trong thành phần ban huấn luyện của các đội tuyển trẻ. Nhưng ở U23 hay ĐTQG, dưới sa bàn của HLV Hữu Thắng, ông GĐKT có cần hay không, đang là câu chuyện rất khác.
Gede, ông đã ở đâu?
Công việc của Juergen Gede là xây dựng lộ trình phát triển dài hạn cho bóng đá Việt Nam, trong đó quan trọng nhất là lập kế hoạch đào tạo xuyên suốt, mang tính vững bền cho các đội tuyển trẻ.
Nói nôm na, ông Gede có nhiệm vụ giúp cho VFF xây dựng giúp các đội U16, U19, U23 đến ĐT Việt Nam có một lối chơi thống nhất, có tính thừa kế cũng như hỗ trợ, cố vấn hệ thống chiến thuật phù hợp với con người đang có.
Thời gian qua, GĐKT Juergen Gede đặt dấu ấn sâu đậm trong thành tích của U20 Việt Nam và U16 Việt Nam với cương vị là một "quân sư". Tức, ông Gede đưa ra những sự tư vấn, phân tích đối thủ lẫn đội nhà cho các HLV trưởng đưa ra giải pháp chiến thuật tốt nhất.
HLV Hoàng Anh Tuấn từng thừa nhận rằng, ông Gede chỉ đưa ra những tư vấn, góp ý chuyên môn chứ hầu như không bao giờ can thiệp vào những quyết định của HLV trưởng. Vị chuyên gia người Đức cũng là một "bác sĩ tâm lý" với những lời khuyên bổ ích giúp các HLV giảm tải áp lực trước và sau các trận đấu.
Đến đây chúng tôi đang tự hỏi, GĐKT Juergen Gede đã ở đâu và có vai trò như thế nào ở U23 Việt Nam và ĐTQG trong thời gian qua.
GĐKT Juergen Gede là người cần cho U22 Việt Nam luc này.
Hữu Thắng & chuyện "Lưu Bị tam cố thảo lư"
Trong Tam quốc diễn nghĩa có một điển tích rất nổi tiếng, đó là "Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiều". Tức, Bị ba lần đến nhà tranh mới mời được Gia Cát Lượng làm quân sư mưu tính đại sự.
Dĩ nhiên, GĐKT Juergen Gede chẳng liên quan gì đến câu chuyện nói trên. Tuy nhiên, có thể ví von, người đàn ông đến từ nước Đức cũng là vị quân sư đã được thẩm định là có năng lực và rất đáng được trọng vọng.
Hữu Thắng có trọng dụng Juergen Gede hay không? cái này có lẽ chỉ VFF và bản thân cựu HLV SLNA mới biết được. Chỉ biết rằng, thời gian qua bóng dáng của ông GĐKT ở U23 Việt Nam lẫn ĐTQG là rất mờ nhạt.
Đến đây có lẽ phải nhắc lại thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2016. Dường như VFF đã phó mặc số phận đội tuyển cho Hữu Thắng. Và nhà cầm quân 44 tuổi này đã thất bại theo công thức người ta vẫn nói bóng gió là "Nghệ An và phần còn lại" đã minh chứng cho tất cả.
Cụ thể, ĐT Việt Nam đã thất bại trong công tác chuẩn bị nhân sự lẫn chiến thuật và thất bại ngay cả việc không "đọc vị" được đối thủ, điều mà cả chính ông Thắng và các trợ lý không ai có thể làm tốt.
Cần phải khẳng định lại cho rõ, với tư cách là HLV trưởng Hữu Thắng được toàn quyền quyết định mọi thứ ở U23 và ĐTQG. Dĩ nhiên, trong đó có cả việc có cộng tác với GĐKT Juergen Gede hay không. Cần biết, vị chuyên gia này thực sự hữu ích vì năng lực được kiểm định.
Thật lạ vì trong buổi tập của các đội tuyển trẻ ông Juergen Gede thường xuyên có mặt và nói chuyện rất nhiều với các HLV trưởng nhưng ở U23 và ĐTQG thì rất ít.
Người ta đã đưa ra vô vàn lý do, đại loại ông Juergen Gede bận lo cho các đội tuyển trẻ hay xây dựng các phương án cho VFF nhưng có vẻ như giữa Hữu Thắng và vị GĐKT này đang có sự lệch pha...
Rõ ràng, Hữu Thắng đang thiếu một vị "quân sư" đúng nghĩa để tư vấn chuyên môn lẫn những vấn đề liên quan. Người ta từng kỳ vọng vào HLV Hoàng Anh Tuấn nhưng rồi ông Tuấn đã xin không lên tuyển. Bây giờ, người được xem là "cần đúng vào lúc này" chính là Juergen Gede.
HLV Hữu Thắng bị cho là bảo thủ.
Chắc chắn, Hữu Thắng không cần phải "tam cố thảo lư" như Lưu Bị bởi trong nhà đã có sẵn một vị quân sư. Song để được "Khổng Minh" hẳn rằng, ông cần có sự cầu thị, tức đôi khi bỏ bớt cái tôi cho đại cuộc thay vì "ôm cả đất, ôm cả trời".
Cuối cùng, Hữu Thắng nên nhớ rằng, nếu canh bạc SEA Games thất bại thì chiếc ghế ông đang ngồi khó mà được bảo toàn.