Chúng ta đều biết rằng ánh sáng xanh do màn hình của các thiết bị điện tử phát ra sẽ cản trở quá trình bài tiết melatonin - hormone có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Do đó, hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về giấc ngủ đều khuyến cáo không nên nhìn vào điện thoại di động trước khi đi ngủ.
Tuy nhiên, mới đây, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Journal of Sleep Research" chỉ ra rằng việc xem TV và điện thoại di động trước khi đi ngủ không ảnh hưởng đến giấc ngủ, ngược lại còn giúp ngủ ngon hơn nếu bạn tuân thủ 2 nguyên tắc.
Chi tiết nghiên cứu
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Delaware đã thực hiện nghiên cứu trên 55 đối tượng trong độ tuổi từ 19 đến 66 và yêu cầu họ ghi lại thời gian sử dụng các thiết bị điện tử hàng ngày và nội dung họ xem (chẳng hạn như nghe nhạc, xem phim, xem video trên youtube hoặc lướt mạng xã hội,...).
Ngoài ra, các đối tượng tham gia nghiên cứu cũng sẽ được gắn một thiết bị thăm dò vào đầu để phát hiện các hoạt động của não bộ trong khi ngủ, chẳng hạn như thời điểm đi vào giấc ngủ, chất lượng giấc ngủ và tổng số giờ ngủ.
Kết quả cho thấy việc xem các video hoặc bài viết có nội dung thư giãn, giải trí trong 1 tiếng trước khi đi ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ hơn. Đồng thời, nếu bạn xem các video giải trí này trên giường và không làm các việc khác cùng lúc thì bạn sẽ ngủ lâu hơn và chất lượng giấc ngủ cũng tốt hơn.
Tác giả của nghiên cứu, bà Morgan Ellithorpe, phó giáo sư tại Khoa Truyền thông đại chúng tại Đại học Delaware, chỉ ra rằng kết quả của nghiên cứu không phủ nhận các ảnh hưởng khi sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, mà nghiên cứu chỉ tập trung xem xét đến khía cạnh ảnh hưởng đến tâm lý trước khi đi ngủ.
Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng việc xem các nội dung hoặc video nhẹ nhàng, giải trí có thể giúp cơ thể thư giãn và khiến mọi người ngủ nhanh hơn, sâu hơn.
Ảnh minh hoạ: Việc xem các video, bài viết có nội dung giải trí giúp cơ thể thư giãn và chìm vào giấc ngủ nhanh hơn.
Ngoài ra, bà Morgan đã chỉ ra rằng việc xem phim hoặc video có nội dung kích thích, hồi hộp hoặc rối trí có thể khiến mọi người tập trung xem, khiến não bộ tỉnh táo và khó tiến vào giấc ngủ hơn.
Bà Morgan khẳng định rằng nội dung các video, bài viết cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ, vì vậy bạn không thể khẳng định hoàn toàn rằng nhìn vào màn hình thiết bị điện tử sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài ra, bà Morgan cũng nhấn mạnh rằng đừng cho rằng xem các video giải trí giúp dễ ngủ mà xem quá lâu vì điều này có thể gây phản tác dụng. Mọi người chỉ nên xem và sử dụng các thiết bị điện tử không quá 1 tiếng trước khi ngủ.
Nếu lướt điện thoại và xem TV hơn 2 tiếng trước khi đi ngủ thì thời gian ngủ trung bình sẽ bị giảm đi 40 phút.
Yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ
Ông Thái Vũ Triết, Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Ứng dụng Đài Loan, chỉ ra rằng ánh sáng xanh đúng là có thể ức chế tiết hormone melatonin và gây ảnh hưởng đến chất lượng của giấc ngủ. Tuy nhiên, ngoài ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử thì các yếu tố khác trong cuộc sống như áp lực cuộc sống, áp lực kinh tế, áp lực công việc, đồ ăn, thức uống gây mất ngủ… cũng có thể gây rối loạn giấc ngủ.
Ảnh minh hoạ: Áp lực, căng thẳng, mệt mỏi là các yếu tố gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Ông Thái Vũ Triết cho rằng đối với những người có thời gian ngủ trung bình dưới 6 tiếng, thường xuyên bận rộn và áp lực lớn thì việc xem các nội dung giải trí trên điện thoại hoặc xem TV trước khi đi ngủ là cách để họ thư giãn, giảm bớt mệt mỏi và giúp ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, ông Thái Vũ Triết cũng khẳng định rằng nghiên cứu trên dựa trên góc độ tâm lý học, chủ yếu tập trung vào các yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý hoặc cảm xúc, qua đó ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Hơn nữa, nghiên cứu trên chỉ là một nghiên cứu nhỏ, số lượng đối tượng tham gia nghiên cứu ít nên còn nhiều chỗ chưa toàn diện.
Ông Thái Vũ Triết khuyến cáo mọi người không nên xem hoặc sử dụng các thiết bị điện tử quá lâu trước khi đi ngủ và cần tuân thủ hai nguyên tắc sau:
- Không nên sử dụng các thiết bị điện tử quá 1 tiếng trước khi ngủ.
- Chỉ nên xem những nội dung giải trí nhẹ nhàng, thư giãn, tránh xem các nội dung cần suy luận hoặc gây kích thích.
Nguồn: CommonHealth