“Không thể trọng dụng nhân tài bằng cách tăng lương mà cần có cơ chế nghiên cứu, sáng tạo làm ra sản phẩm” là chia sẻ của GS Nguyễn Lân Dũng tại hội nghị “Định hướng chiến lược phát triển tài năng trẻ quốc gia thời kỳ toàn cầu hóa”, do T.Ư Đoàn tổ chức nhằm xây dựng Chiến lược Tài năng trẻ (TNT) trình Thủ tướng vào đầu năm 2017.
Người tài giỏi phải biết làm giàu
GS Nguyễn Lân Dũng cho biết, thu nhập đầu người nước ta hiện chỉ bằng 1/3 Thái Lan, và đừng đổ tội cho chiến tranh, vì nhiều nước cũng trải qua chiến tranh nhưng họ bật dậy nhanh chóng.
Rõ ràng cơ chế chính sách nước ta không phù hợp với cơ chế thị trường; phải hoàn thiện cơ chế, áp đặt cơ chế thị trường với các doanh nghiệp nhà nước; phải tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm kết nối với thị trường.
“Theo tôi, trọng dụng nhân tài bằng tăng lương với điều kiện nước ta hiện nay không được đâu! Con tôi tốt nghiệp TS ở Mỹ về, làm trưởng phòng nghiên cứu công nghệ cao, lương 3,5 triệu! Tôi hỏi thế trả lương cho người giúp việc bao nhiêu? Nó trả lời: 4 triệu!
Nhưng tôi không khuyến khích hay đòi hỏi tăng lương cho con tôi. Thực tế, một bạn trẻ đi học TS nước ngoài về ở TP HCM được trả lương 1.000 đô, nhưng cũng ở viện ấy, thầy của bạn chỉ được 400 đô, không được đâu!
Tôi đề xuất cơ chế nghiên cứu, sáng tạo làm ra sản phẩm tự nâng cao đời sống bằng trí tuệ của nhà khoa học, quản lý”, GS Lân Dũng nói.
Theo GS Lân Dũng, người giỏi, tài năng thì ở lĩnh vực nào cũng phải biết làm giàu cho mình, cho gia đình và xã hội. Nhà khoa học ở Việt Nam có nhiều cơ hội để làm giàu.
Hiện ông xây dựng được mạng lưới 180 mô hình kết hợp giữa khoa học, sản xuất, kinh doanh trong Nam, ngoài Bắc với thu nhập của nông dân trong hệ thống cao hơn lương của các TS ở Mỹ về!
“Nhiều bạn trẻ kết hợp với nhà khoa học lai tạo ra những giống bơ đặc biệt ngon, như ông Mười bơ Trịnh Xuân Mười (Đắc Lắc).
Có bạn trồng những quả na nặng 1 kg, quả mít ăn được 90% cả quả vì ngọt cả xơ lẫn cùi. Cứ bạn nào làm giàu được, đó là tài năng; họ tạo ra công việc, thu nhập cho người khác chống lại được các tệ nạn xã hội là đáng trọng dụng”, GS Dũng đề xuất.
“Chiến lược tài năng trẻ cần có chế độ đãi ngộ, trọng dụng và quy được trách nhiệm của người tài, phải có chế tài quản lý người tài.
Bên cạnh đó, chiến lược cũng phải đưa ra cơ chế, trách nhiệm bảo vệ người tài bởi không ít kiến nghị, đề xuất của người có tâm nhưng bị đố kỵ, vùi dập, tìm mọi cách phá hoại…”
TS Lê Thanh Vân
Theo ông Lê Anh Vinh, PGS trẻ nhất Việt Nam, về lương bổng cho không nên quá bi quan.
“Lúc mới ở Mỹ về, tôi ký hợp đồng với trường đại học mức lương hơn 2 triệu, vẫn có người bảo cao, nhưng nay đã nâng lên gấp 4 lần.
Tuy nhiên, với các nhà khoa học, không thể tăng lương một cách “bất thường” mà phải được làm việc đúng năng lực, sở trường và tạo ra được sản phẩm, tạo ra thu nhập hoặc nghiên cứu có ý nghĩa, tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu của mình.
Cần giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho cán bộ trẻ”, ông Vinh đề xuất.
Theo Phó bí thư Thành đoàn Hải Phòng Đào Phú Dương, tài năng trẻ phải có sản phẩm cống hiến cho xã hội, và trên hết phải có lòng yêu nước.
"Chiến lược TNT phải xây dựng được mục tiêu, các định mức, bên cạnh phát hiện, tôn vinh TNT còn cần cả khâu thanh lọc. Khâu tổ chức thực hiện cần giao cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm thực hiện, đặc biệt là trách nhiệm của địa phương”, anh Dương đề xuất.
Theo ông Trần Anh Vương, Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ (DNT) Hà Nội, Chủ tịch HĐQT thép Bắc Việt, tài năng nhiều nhưng cần đặt tiêu chí cống hiến cho Tổ quốc, đó mới là người đáng trọng dụng. Việc ban hành Chiến lược phải do cơ quan quyền lực nhất.
“Hiện nay, 'chủ nghĩa lãnh tụ' không còn phù hợp, mà phải làm việc nhiều người giỏi với nhau và đặc biệt không nên đánh giá nhân tài chỉ qua một cuộc thi. Trong quá trình sử dụng, làm việc mới thực sự biết ai giỏi, có năng lực.
Chiến lược phải có nội dung đến tài năng trong kinh doanh. Gắn với chương trình khởi nghiệp quốc gia. Trong chiến lược có vai trò của Hội DN trẻ để dẫn dắt thế hệ TNT trong kinh doanh”, anh Vương nói.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải chủ trì Hội nghị định hướng chiến lược phát triển tài năng trẻ quốc gia thời kỳ toàn cầu hóa.
Cần có Luật Nhân tài!
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Long Hải cho rằng, hiện T.Ư Đoàn là cơ quan chủ yếu làm các công việc phát hiện, tôn vinh, bước đầu kết nối. Nhưng để phát huy, trọng dụng tài năng trẻ cần có chiến lược, chính sách cụ thể với sự góp sức của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách.
Theo đó chiến lược sẽ có các phần thực tế tại Việt Nam, kinh nghiệm từ các quốc gia và đề xuất giải pháp thực hiện gắn với trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành, địa phương.
TS Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ngay kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa 13, ông đã đề xuất Luật Nhân tài trước quốc hội, coi đó là chiêu trọng dụng nhân tài thời kỳ mới.
Theo TS Vân, nước Mỹ phát triển được nhờ trọng dụng nhân tài ngay từ khi xây dựng Hiến pháp. Thể chế nước Mỹ, đặc biệt 2 nhiệm kỳ Tổng thống Obama trọng dụng nhân tài mức tối đa, nới lỏng chính sách nhập cư, trọng đãi không giới hạn.
Mỗi năm Mỹ chọn 8.000 nhân tài trong hệ thống công chức, bộ máy Quốc hội, Chính phủ để trọng dụng. Để làm được điều đó, Mỹ có chính sách nhân tài công khai, thi đấu sàng lọc, đưa ra cơ chế tự đào tạo nhân tài qua các kỳ thi sàng lọc.
Tại Nhật Bản, có Viện nhân sự quốc gia, hàng năm thi tổ chức 3 kỳ, chia thành 3 loại nhân sự cấp 1, 2, 3. Qua đó, nhân sự cấp 1 được tự chọn nơi làm việc, ưu đãi lương bổng tối đa.
Singapore trọng dụng nhân tài là chính sách quan trọng số 1 của quốc gia; tới đây sẽ chọn Thủ tướng dưới 40 tuổi. Hiện Singapore có 2 bộ trưởng 31 và 32 tuổi!
Theo TS Vân, 6 đặc trưng để nhận diện tài năng trẻ: Là có tư duy, trí thức vượt trội hơn người; có năng suất lao động khác thường, vượt bậc; có khả năng xoay chuyển tình thế bằng nhiều biện pháp; nhân tài phải có lòng tự trọng, không khoe khoang, không đem tiền chạy chức, đấy là liêm sỉ của người tài; tuy nhiên, đặc trưng là người tài cũng có một số khuyết tật, chẳng hạn như lơ là với vợ con, với đồng nghiệp, đôi khi không không khéo!
Ở nước ta, Bác Hồ có nhiều bài viết, lời kêu gọi “cầu hiền” kêu gọi nhân dân tiến cử nhân tài cho Đảng, đất nước. Gần đây, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP HCM đều có chính sách nhân tài nhưng chưa có chính sách cưỡng chế đủ mạnh để trọng dụng nhân tài.
“Việt Nam ít có chính sách tiến cử, chưa mạnh dạn tự tiến cử, phải chăng cơ chế chính sách chưa tạo cho người tài xuất thân tiến cử?
Theo tôi, người nào tiến cử được người tài thì được thưởng, ngược lại phải có người chịu trách nhiệm. Ví như, trường hợp Trịnh Xuân Thanh sẽ xử lý ra sao, ai là người tiến cử, trọng dụng, chưa ai đưa ra câu trả lời!”, TS Vân phân tích.
Theo ông Vân, hiện nước ta cần hiến kế trị quốc, cần người tài ra kế sách đặc trị nợ công, huy động vốn cho đất nước hiện nay. Thực tế, quy trình đánh giá, bổ nhiệm, thi cử hiện nay quá mất thời gian, con người già đi mà chưa được trọng dụng!
Theo TS Nguyễn Đắc Hưng Vụ trưởng Vụ giáo dục và đào tạo (Ban Tuyên giáo T.Ư Đảng), đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về nhân tài đã có nhiều nhưng chưa có chiến lược phát triển tài năng trẻ.
Để có chiến lược TNT, phải chăm lo từ lứa tuổi mầm non. Trong rất nhiều em tài năng, phải có quá trình rèn luyện, cống hiến. Độ tuổi tài năng trẻ không quá 40 tuổi, chủ yếu nằm trong độ tuổi 30.
“Từ tài năng trẻ thành nhân tài là quá trình gian khổ, cống hiến cho cộng đồng. Cái khó hiện nay là nhận diện TNT, tài năng được thể hiện đa dạng, mọi lĩnh vực cuộc sống.
Đoàn Thanh niên không làm hết các công việc của Chiến lược, mà thực hiện phần việc nào trong đó. Cần phải quy rõ trách nhiệm cụ thể các cơ quan, bộ ngành, địa phương”, TS Hưng nói.