Theo nhiều số liệu thống kê, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm nhân thọ của các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật: 90%, Singapore: 80%, Malaysia: 10%. Trong khi đó, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết đến năm 2020 chỉ mới khoảng 10% người Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Tham gia bảo hiểm nhân thọ ngoài việc chúng ta được bảo hiểm trước những rủi ro về sức khỏe đồng thời giảm bớt gánh nặng về chi phí điều trị khi có bệnh tật.
Bảo hiểm nhân thọ còn giúp chúng ta tiết kiệm và đầu tư một cách kỷ luật để thực hiện những kế hoạch trong tương lai, chẳng hạn như tạo quỹ để trả học phí cho con trong tương lai, tích lũy để mua sắm tài sản… hoặc có tiền để nghỉ hưu an nhàn.
Hiện đã có nhiều người trẻ tại Việt Nam bắt đầu tham gia bảo hiểm nhân thọ tuy nhiên để hiểu đúng, phân bổ thu nhập hợp lý vào loại hình đầu tư này là điều không phải ai cũng biết.
Chia sẻ trên một tờ báo, một bạn trẻ cho biết bản thân đã tham gia bảo hiểm nhân thọ từ năm 20 tuổi sau một khi mẹ mình qua đời. Từ đây bạn nhận thấy cần tham gia bảo hiểm để đề phòng những rủi ro về tài chính cho người thân. Bạn quyết định đóng bảo hiểm với mức 18 triệu/năm với điều khoản bồi thường 1 tỷ đồng nếu qua đời, bị tai nạn mất khả năng lao động.
Hiện nay sau 2 năm bạn đã đóng được 36 triệu đồng nhưng với thu nhập không ổn định khoảng 5-6 triệu đồng, để tiếp tục tham gia khoản tiền 1,5 triệu đồng/tháng trong 13 năm là điều không hề dễ dàng.
Bạn trẻ này đứng trước bài toán khó nếu ngừng đóng thì chỉ nhận lại vài trăm nghìn đồng trong số 36 triệu đã đóng. Còn nếu tiếp tục, phí bảo hiểm chiếm tới 30% thu nhập là điều quá sức với bạn.
"Bảo hiểm nhân thọ rất quan trọng với từng cá nhân, gia đình. Người dân nên chi 1% - 3% thu nhập để tham gia bảo hiểm nhân thọ thuần túy, hoặc 7% - 12% thu nhập để tham gia bảo hiểm nhân thọ có tích lũy. Mua ít quá gia đình sẽ không được bảo vệ. Mua nhiều quá thì có khả năng không theo được", chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh từng cho biết.
Với trường hợp bạn trẻ kể trên theo tư vấn của ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam sẽ rất thiệt thòi nếu ngừng đóng ngay vì vừa mất phí bảo hiểm, vừa mất quyền lợi mà công ty bảo hiểm cam kết. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên nếu bạn không thể cải thiện thu nhập để duy trì mức phí 1,5 triệu đồng/tháng có thể tính đến 4 phương án.
Phương án 1: Đề nghị công ty bảo hiểm giảm số tiền, đồng nghĩa giảm quyền lợi bảo hiểm. Việc này giúp số phải đóng mỗi tháng ít hơn, ngoài ra tiền đã đóng cho những tháng trước được tính toán lại sẽ dư ra một khoản nhất định để trang trải cho những kỳ đóng phí tiếp theo.
Phương án 2: Đề nghị thay đổi tần suất đóng phí thành 3 tháng, 6 tháng, thậm chí một năm một lần. Việc giãn thời gian đóng sẽ giúp bạn không chịu áp lực liên tiếp và còn có thể sử dụng tiền nhàn rỗi hàng tháng (nếu có) để đầu tư, kinh doanh kiếm một khoản lãi ngắn hạn.
Tuy nhiên với phương án này nếu bạn trẻ trên không biết quản lý tài chính chặt chẽ thì số tiền tích cóp hàng tháng để đóng bảo hiểm sẽ hao hụt hơn so với việc đóng đều đặn.
Phương án 3: Tạm dừng đóng bảo hiểm ở thời điểm thích hợp. Theo ông Dũng, từ năm thứ 4 khách hàng mua bảo hiểm có quyền tạm dừng bảo hiểm không quá 12 tháng. Tất nhiên bạn cũng sẽ không được nhận quyền lợi bảo hiểm trong thời gian này.
Phương án 4: Vay công ty bảo hiểm tiền đóng phí với lãi suất ưu đãi. Số tiền được vay tối đa bằng giá trị hoàn lại của hợp đồng tại thời điểm bạn đề nghị. Phương án này giúp bạn tháo gỡ khúc mắc tài chính ngắn hạn và có thể đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp biến cố xảy ra.
Tuy nhiên, mức độ khả thi của phương án này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách và tính linh hoạt của từng công ty bảo hiểm.