Đây là kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 21/10 và điều này khiến các nhà khoa học cho rằng cần nhìn nhận lại các đánh giá quốc tế về tác động của hạt nhân đối với môi trường.
Nghiên cứu, được đăng tải trên tạp chí Proceedings của Hiệp hội Hoàng gia Royal Society, đã phản ánh cách thức bức xạ ion hóa tác động tới các loài côn trùng vốn được cho là có khả năng phục hồi tốt hơn các loài khác.
Nhóm nghiên cứu tại Scotland và Đức đã đặt một đàn ong vào phòng thí nghiệm có chứa lượng phóng xạ tương tự các mức đo được tại những khu vực cấm xung quanh lò phản ứng hạt nhân Chernobyl đã bị phá hủy trong vụ nổ cho là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng sinh sản của đàn ong đã giảm 30% - 45% dù chỉ với lượng phóng xạ ở mức được cho là "quá thấp" để có thể tác động tới các loài côn trùng.
Trưởng nhóm nghiên cứu Katherine Raines tại Đại học Stirling cho biết bà và các cộng sự phát hiện ra rằng với lượng phóng xạ tương ứng các mức rò rỉ sau thảm họa Chernobyl, rất nhiều cá thể ong chúa mới ra đời từ đàn ong thử nghiệm nói trên đã giảm đáng kể và tốc độ sinh trưởng (đạt trọng lượng tối đa) của đàn ong này cũng chậm lại khoảng 1 tuần. Điều này có thể tác động tới quá trình thụ phấn hoặc hệ sinh thái tại các khu vực nhiễm phóng xạ.
Nhà nghiên cứu Raines cho biết việc lựa chọn ong nghệ để tiến hành thí nghiệm là bởi thiếu các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về loài ong và bởi loài vật này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thụ phấn.
Cũng theo bà Raines, nhóm nghiên cứu nhận thấy côn trùng sống ở những khu vực ô nhiễm nhất tại Chernobyl có thể chịu nhiều tác động tiêu cực, kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với hệ sinh thái.
Nhóm nghiên cứu cho rằng nếu có thể khái quát hóa phát hiện trên, họ sẽ rút ra nhận định "các loài các loài côn trùng chịu tác động tiêu cực đáng kể ở các mức rò rỉ phóng xạ trước đây từng được coi là an toàn", đồng thời kêu gọi sửa đổi khuôn khổ quốc tế để bảo vệ môi trường trước tác động của phóng xạ.