“Luồng gió mới” của ông Zelensky

Hoa Vinh |

Ông Volodymyr Zelensky của Ukraine đắc cử tổng thống với tỉ lệ chưa từng có kể từ khi quốc gia này độc lập. Lịch sử Ukraine bước sang trang mới, trong đó hy vọng cũng nhiều mà hoài nghi cũng lắm, khi nhiều người hy vọng vào một sự thay đổi sẽ đến với quốc gia nằm ở tâm điểm cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga.

Tổng thống Putin lại kí lệnh nới quy định cấp quốc tịch Nga cho người Ukraine Ukraine nói gì sau khi Tổng thống Putin "bật đèn xanh" chấm dứt xung đột? Vừa đắc cử, danh hài Ukraine kêu gọi tăng cường trừng phạt Nga

Không ít người lo ngại nhân vật mới chập chững bước vào chính trường này sẽ bị chi phối bởi phía Nga hay một số thế lực tài phiệt Ukraine thao túng. Câu hỏi đặt ra với nhiều người hiện nay là Tổng thống Zelensky, “người hùng của các mạng xã hội”, sẽ làm gì với những công việc ngổn ngang mà người tiền nhiệm để lại? Đối với nhiều người, trước mặt ông Zelensky là “một trang giấy trắng tinh”, nơi người ta có quyền đặt mọi hy vọng vào các biện pháp cải cách và thay đổi.

Theo các chuyên gia, tại thời điểm này, với chiến thắng của ông Zelensky, tương lai Ukraine vô cùng bất trắc, bởi một mặt, ông Zelensky không có đa số trong quốc hội, mặt khác, các mục tiêu cũng như phương thức hành động của ông hoàn toàn không rõ ràng. Trong suốt thời gian tranh cử, ông Zelensky chỉ nêu ra hứa hẹn chung chung về “một nền dân chủ trực tiếp, thường xuyên mở cửa cho các cuộc trưng cầu dân ý toàn dân, cải thiện quan hệ với Nga và chống tham nhũng”.

Trong khi đó, báo Le Figaro (Pháp) đăng bài phân tích đáng chú ý có tựa đề “Thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Zelensky chuẩn bị lột xác”. Báo này đặc biệt chú ý đến mục tiêu đầy tham vọng của ông. Báo Le Figaro cho rằng sau một thời gian nghỉ ngơi ngắn để phục hồi sức lực sau cuộc tranh cử quyết liệt kéo dài 3 tháng, thách thức đầu tiên của Tổng thống Zelensky là tìm được một đội ngũ cộng sự vững vàng, đủ khả năng giải quyết những thách thức phức tạp. Báo này cho rằng, cái khó nhất đối với tân tổng thống là rào cản lớn đầu tiên phải vượt qua - nghị viện.

Có 2 kịch bản: Thứ nhất, ông Zelensky có được một quốc hội hợp tác và thứ hai là một quốc hội đối địch. Những bước đi đầu tiên của chính quyền Zelensky phụ thuộc vào việc kịch bản nào sẽ xảy ra. Trong trường hợp kịch bản thứ hai xảy ra, ông Zelensky sẽ lâm vào “tình trạng bất lực”, tương tự như Tổng thống Viktor Yuchtshenko, người lên nắm quyền sau cuộc “Cách mạng cam” năm 2004.

Với quan điểm đối ngoại của ông Zelensky, chính quyền Nga đã có một số phản ứng tích cực. Ngoại trưởng Nga tuyên bố Ukraine bước sang thời kỳ “chấn hưng”. Thủ tướng Nga nói đến khả năng cải thiện quan hệ giữa hai nước. Trên thực tế, quan điểm của ông Zelensky với nước Nga khá mâu thuẫn và chưa có gì cụ thể. Tân tổng thống không chống Nga quyết liệt như tiền nhiệm nhưng ông cũng chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố nào cho sự hợp tác.

Thậm chí ông Zelensky còn tuyên bố một số chính sách mà trước đây phía Nga từng phản đối, như việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đòi lại Crimea, thậm chí là “làm cỏ Donbass” như cựu Tổng thống Poroshenko và cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Tymoshenko từng chủ trương. Điểm tiến bộ hơn của ông Zelensky là chọn đúng 5 nguyện vọng lớn nhất, phổ biến nhất của người dân Ukraine để hoạch định chính sách.

Một là dùng biện pháp ngoại giao, đàm phán để lập lại hòa bình ở miền Đông Ukraine. Hai là kiên quyết chống tham nhũng. Ba là cân bằng quan hệ Ukraine-Nga và Ukraine-EU. Bốn là cải cách thể chế, chống quan liêu, nâng cao hiệu quả hoạt động phục vụ người dân của bộ máy. Năm là đoàn kết nhân dân các vùng của Ukraine, xóa bỏ tình trạng phân biệt “bờ Đông-bờ Tây” sông Dniepr.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có “luồng gió mới” trong chính sách đối ngoại của Ukraine hay không? Theo các nhà phân tích, sau những gì đã diễn ra, ông Zelensky tỏ ra cân bằng trong quan hệ với Nga và EU. Tuy nhiên, có thực hiện được điều này hay không còn tùy thuộc vào mức độ và tính chất quan hệ.

Trước tiên, ông ta phải giải quyết vấn đề trung chuyển khí đốt từ Nga qua Ukraine sang phương Tây. Tổng thống phải cân bằng sự đầu tư từ Nga với sự đầu tư từ phương Tây, tận dụng sự cạnh tranh giữa hai luồng đầu tư này để làm lợi cho Ukraine. Sau đó mới có thể đề cập đến việc giải quyết vấn đề Donbass. Cả hai vấn đề trên đều khó hiện thực hóa nếu Ukraine để Mỹ và đặc biệt là Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) can thiệp sâu vào công việc nội bộ của họ.

Rõ ràng, trong quan hệ với Nga, ông Zelensky đã hiểu và chắc chắn sẽ mềm mỏng hơn bởi ông muốn khôi phục tiến trình Minsk 2.0 để mang lại hòa bình cho khu vực Donbass. Để làm được như vậy, Kiev sẽ phải có một số nhượng bộ. Những nhượng bộ này sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt của các thế lực cánh hữu ở miền Tây Ukraine.

Tất nhiên, Mỹ và phương Tây sẽ tìm cách hướng lái “luồng gió mới” này sao cho có lợi cho những thế lực thân Mỹ và phương Tây ở Ukraine. Người Nga cũng sẽ không ngồi yên bởi đây là thời cơ để làm “hạ nhiệt” quan hệ Nga-Ukraine, trong khi quan hệ Nga-NATO đã gần như bị cắt đứt, còn quan hệ Nga-EU vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trừng phạt lẫn nhau.

Giới quan sát ghi nhận ít nhất 2 tín hiệu quan trọng cho thấy Moscow chưa muốn bình thường hóa quan hệ với Kiev, ngay trước ngày diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine vòng hai. Cụ thể, ngày 18-4, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã ký sắc lệnh cấm xuất khẩu than, dầu hỏa và các sản phẩm chế biến từ dầu hỏa cho Ukraine kể từ ngày 1-6.

Đây là đòn cảnh cáo “chí mạng” dành cho các cử tri Ukraine vì đó là những sản phẩm đáp ứng đến 40% nhu cầu của Ukraine. Sắc lệnh này rơi vào đúng thời điểm nhu cầu tiêu thụ lên đến đỉnh điểm. Trong một khoảng thời gian ngắn như vậy, Kiev khó có thể tìm được những giải pháp thay thế.

Tín hiệu thứ hai là việc ngày 24-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh “Về quy định những người có quyền nộp đơn xin cấp quốc tịch Nga theo thủ tục đơn giản hóa vì mục tiêu nhân đạo”, cho phép người dân ở các vùng của cái gọi là Cộng hòa nhân dân Lugansk, Cộng hòa nhân dân Donetsk thuộc miền Đông Ukraine được quyền nhận hộ chiếu Nga.

Theo nhận định của Vladimir Frolov - chuyên gia về quan hệ quốc tế - trên tờ Journal Du Dimanche, nếu như vậy, “có thể khẳng định rằng cách tiếp cận của Nga là không khoan nhượng”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại