Phê chuẩn hay không, đều dở
Với 419 phiếu thuận và chỉ 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật xiết chặt và mở rộng những biện pháp trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, cụ thể khác nhau với từng đối tượng và đi cùng với những lập luận khác nhau.
Đến ngày 27/7, các thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ cũng đã phê chuẩn dự luật trên với số phiếu ủng hộ áp đảo 98/2.
Để trở thành luật có hiệu lực chính thức, dự luật này chỉ còn chờ Tổng thống Mỹ Donald Trump phê chuẩn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) gặp đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị cấp cao G-20 tại Hamburg, Đức hôm 7/7 (Ảnh: Getty)
Về phía Tổng thống, ông Trump cũng rất khó xử trong chuyện phê chuẩn hay không phê chuẩn.
Những cáo buộc vẫn dai dẳng về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống hồi cuối năm ngoái ở Mỹ, giúp ông Trump đắc cử vẫn đang được Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ tiến hành điều tra, và khả năng cao có liên quan trực tiếp đến thân nhân và cộng sự thân cận của ông Trump.
Ông Trump phê chuẩn hay không phê chuẩn thì cũng đều dở. Phê chuẩn tức là chấp nhận sự kiềm chế cương tỏa của Quốc hội và hủy hoại sự khởi đầu mới vừa gây dựng được trong quan hệ với Nga.
Không phê chuẩn thì Tổng thống trái ý Quốc hội, bị coi là "tình gian lý gian", thân Nga nên không muốn làm căng với Nga. Như vậy càng khích lệ những lực lượng và cá nhân không ưa ông Trump kiên quyết tiến hành cuộc điều tra về Nga nói trên.
Những điểm nổi bật nhất
Dự luật cấm vận dày 70 trang có mấy điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, phía Mỹ không hề tham vấn các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ, đặc biệt ở châu Âu trước khi ra lệnh trừng phạt Nga, Iran và Triều Tiên, phá bỏ thông lệ hợp tác xưa nay giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác này.
Thứ hai, luật gây khó và hại cho Nga nhưng đồng thời lại bất chấp cả lợi ích chính đáng của các đồng minh và đối tác bởi họ vẫn cần hợp tác với Nga, thậm chí còn phụ thuộc ở mức độ không nhỏ vào nguồn cung ứng năng lượng của Nga.
Luật này mượn danh trừng phạt Nga để trừng phạt luôn cả những công ty hợp tác với Nga trên lĩnh vực năng lượng, cụ thể là xây dựng, vận hành, khai thác và duy tu bảo dưỡng hệ thống tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga sang Tây Âu, không quá cảnh qua Ukraine hay Ba Lan.
Dự án này có tên gọi Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2), được xây dựng và dự kiến năm 2019 sẽ được hoàn tất để đưa vào hoạt động.
Chính vì thế mà Liên minh châu Âu (EU) và nhiều thành viên EU tuy cũng tham gia trừng phạt Nga nhưng lại phản đối dự luật này của Mỹ. Họ tuyên bố sẽ có ngay biện pháp trả đũa Mỹ nếu dự luật có hiệu lực. Trả đũa cũng sẽ là đối sách của Nga.
Trên phương diện này, dự luật của Mỹ đẩy EU và các thành viên của khối về phía Nga.
Thứ ba, luật trừng phạt những hoạt động đầu tư vào tư nhân hóa hoặc thúc đẩy tư nhân hóa ở Nga mà việc tư nhân hóa nhanh hơn, nhiều hơn và triệt để hơn lại vốn là điều mà Mỹ và EU hối thúc Nga thực hiện lâu nay.
Vậy là, trên thực tế, được tác dụng ở chỗ này thì lại phải chấp nhận bị phản tác dụng ở chỗ khác.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean- Claude Juncker và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Sputnik
Thứ tư, đạo luật còn có điều khoản không cho phép Tổng thống Trump "manh động" trong chính sách đối với Nga và trong quan hệ của Mỹ với Nga, buộc ông nhất cử nhất động liên quan đến Nga đều phải báo cáo và xin Quốc hội chấp thuận.
Như thế tức là hạn chế phạm vi quyền hạn của Tổng thống trong chính sách đối với Nga. Các vị dân biểu trong Hạ viện Mỹ không làm công việc hoạch định nhưng muốn toàn quyền quyết định chính sách của Mỹ đối với Nga.
Khi tình cảm át lý trí
Quốc hội Mỹ hiện đối địch Nga vì cho rằng Moskva đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, coi như thế đâu có khác gì Nga tấn công trực diện vào cái mà họ coi là trái tim của nền dân chủ ở Mỹ. Nhưng thật ra thì quốc hội Mỹ đã hậm hực Nga từ trước đó.
Vì Nga thu nạp Crimea và hậu thuẫn phe ly khai ở Ukraine.
Vì Nga tham chiến trực tiếp ở Syria và chống lưng cho tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Vì Nga cùng phe với Iran trong vấn đề hạt nhân của nước này.
Vì Nga đã trở thành đối tác chiến lược của Trung Quốc.
Hệ lụy của việc Quốc hội Mỹ để tình cảm lấn át lý trí như vậy bộc lộ trên hai khía cạnh:
Thứ nhất là sự bất đồng quan điểm sâu sắc giữa Quốc hội, Tổng thống cũng như trong nội bộ của đảng Cộng hoà.
Hệ lụy này sẽ làm ông Trump cầm quyền thêm khó khăn và cản trở nước Mỹ có được sự đồng thuận trên chính trường cũng như trong xã hội.
Thứ hai là quan hệ giữa Mỹ và Nga chưa kịp hòa dịu đã bị ảnh hưởng tiêu cực, thêm băng giá chứ không được cải thiện, thêm căng thẳng và đối đầu chứ không được thân thiện và hợp tác.
Sự khởi đầu thật sự mới cho quan hệ song phương những tưởng đã được kéo gần lại thì giờ bị đẩy ra xa hơn.