10 triệu đồng/tháng là mức lương trung bình của nhiều người trẻ vừa mới đi làm. Với ngân sách eo hẹp nhưng vẫn muốn góp phần mang đến cái Tết đầy đủ cho bản thân và gia đình thì họ đã chi tiêu như thế nào?
Lương 10 triệu đồng chuẩn bị đón Tết như thế nào?
Phần lớn người trẻ quan điểm với mức lương không dư dả thì khoản chi tiêu Tết vẫn phụ thuộc phần lớn vào tài chính của gia đình. Còn với những ai có dự định mua sắm đồ biếu tặng phụ huynh hay chuẩn bị tiền lì xì thì cần lên kế hoạch từ cách đây nhiều tháng.
Khánh Đan (23 tuổi, Hà Nội) cho biết cô đã ý thức mình cần trích một phần thu nhập cho cái gọi là “chi tiêu Tết” từ cách đây năm ngoái, thời điểm mà cô vừa mới ra trường và đi làm. Mà theo cô tâm sự: “Thời điểm cuối năm nghe nhạc Tết đã hồi hộp. Và mình dùng tiền tự kiếm để mua chuyến tàu về quê, biếu tặng bố mẹ hộp mứt và bộ quần áo mới thì cảm xúc này càng đặc biệt và thấy trân trọng ngày Tết hơn”.
Mức lương 10 triệu đồng/tháng chỉ đủ Khánh Đan sống ổn ở thành phố lớn và mỗi tháng để dành được 1-2 triệu đồng. Khoản tiết kiệm hàng tháng được cô dùng để mua sắm thêm đồ đạc tặng cho bản thân và gia đình. Đây cũng là quỹ mà cô dành để chi tiêu dịp Tết đến xuân về.
“Cách đây 2 tháng, mình đã chuẩn bị tiền để chi tiêu Tết. Đơn giản là mình cắt giảm các nhu cầu cá nhân như mua sắm mỹ phẩm, đi chơi ăn uống cùng bạn bè. Áp lực về chi tiêu Tết tặng gia đình thì không có quá nhiều. Mình có bao nhiêu thì xài bấy nhiêu. Đây cũng là nguyên tắc tài chính của mình. Trong tương lai nếu tiền lương tăng lên, mình cũng hy vọng mang đến cho bố mẹ cái Tết ấm no hơn”, Khánh Đan nói.
Một trường hợp khác, Lệ Trà (22 tuổi, Hà Nội) lại chật vật hơn để mang đến cái Tết ấm cúng cho bản thân và gia đình. Do ra trường muộn hơn bạn bè vì đi học song bằng, do đó Thanh Hằng mới chỉ nhận những đồng lương đầu tiên trong những tháng cuối năm 2023. Tuy nhiên, cô quan điểm dù thu nhập và tiết kiệm ít ỏi thì cũng cần đóng góp vào quỹ chi tiêu Tết của gia đình.
“Hồi còn đi học, mình được bố mẹ lo từ A-Z. Đến khi ra trường mình mới nhận ra kiếm được đồng tiền không phải chuyện đơn giản. Những ngày cuối năm, nghe bố mẹ tâm sự về việc chi tiêu Tết trong gia đình thì mình càng thấu hiểu hơn sự vun vén, chắt bóp từng đồng một của phụ huynh", Lệ Trà bày tỏ.
Ra trường đúng năm kinh tế khó khăn nên Lệ Trà gặp nhiều khó khăn để tìm kiếm công việc phù hợp. Đây cũng là năm đầu tiên, Lệ Trà biết đến ý nghĩa của cụm từ “làn sóng sa thải", đồng thời tự thấy may mắn vì dù có bị công ty cho thôi việc, gánh nặng chi tiêu Tết vẫn không đổ dồn lên vai cô. Năm nay, do khó khăn kinh tế chung và gắn bó với công ty chưa lâu nên Lệ Trà không được nhận lương tháng 13.
Mức lương không cao, nên Thanh Hằng tự thấy có trách nhiệm quản lý tài chính tốt để sắm sửa cho gia đình một cái Tết trọn vẹn hơn.
“Vài tháng trước Tết, mình hỏi đồng nghiệp về chỗ mua đặc sản ngon và chút quà bánh giá rẻ. Dù có chắt bóp đến đâu thì số lượng đồ mua biếu gia đình vẫn rất nhiều. Thế nên mình quyết định thay vì chọn đồ quá đắt tiền, mình sẽ mua đồ bền và đúng với nhu cầu của mọi người.
Gần Tết, nhu cầu tiêu dùng của mình càng cắt giảm, nhất là những món ‘không có cũng không sao' như quần áo, son môi, mỹ phẩm. Đến hiện tại, mình thấy hoàn toàn thoải mái với Tết vì đã có sẵn số tiền chi tiêu cho những ngày này vào 1 khoản riêng”, Lệ Trà kể.
Lương thưởng chưa cao thì chi tiêu Tết thế nào?
Lệ Trà ước tính, số tiền cô dùng để tiêu xài cho mùa Tết năm nay chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng. Bao gồm 3 triệu đồng mua quà biếu bố mẹ, 3 triệu đồng tiền liền xì cho người thân, số tiền còn lại là mua đồ cho bản thân.
Lệ Trà cho hay: “Với mình, số tiền này dù không nhiều nhưng là công sức cố gắng tiết kiệm suốt thời gian dài. Từ khi đi làm, mình đã tự nhủ phải tiết kiệm càng sớm càng tốt. Một phần vì đi làm muộn hơn so với bạn bè đồng trang lứa, phần còn lại vì mình muốn đạt tự chủ tài chính càng sớm càng tốt.
Tăng thu - giảm chi là hai mục tiêu cơ bản để hướng đến cuộc sống đủ đầy. Hiện tại, mình vẫn chưa biết cách tăng thu nên vẫn đang cố gắng tiết kiệm càng nhiều hết mức có thể. Từ trước đến nay tính mình đã không thích đến các cuộc vui, mỹ phẩm dùng đồ cơ bản và bản thân không có nhu cầu trưng diện. Cũng vì thế, chuyện tiết kiệm không tạo áp lực quá lớn với mình".
Trong khi đó, Khánh Đan đã dành 13 triệu đồng cho mùa Tết năm nay. Số tiền này bao gồm 7 triệu đồng biếu bố mẹ tiền mặt, 3 triệu đồng mua đồ tặng cho người thân, 1 triệu đồng tiền lì xì và còn lại là chi tiêu cho cá nhân.
“Hy vọng trong năm tới mình sẽ tìm kiếm được cơ hội gia tăng thu nhập, từ đó mang lại cái Tết tốt hơn cho người thân và gia đình. Mình hy vọng không chỉ trong đợt Tết Nguyên đán mà còn là các dịp lễ khác hoặc khi bố mẹ cần tiền gấp, tài khoản của mình luôn sẵn sàng", Khánh Đan nói.