Luồn sâu, đánh thốc, đổ bộ thần tốc: Nga dồn lực tinh nhuệ hóa Thủy quân lục chiến

Trung Phạm |

Nhờ được tăng cường đầu tư hiện đại hóa khả năng tác chiến, Thủy quân lục chiến Nga sẽ đóng vai trò nòng cốt trong chính sách khuếch trương sức mạnh ra ngoài biên giới của Moscow.

Quý hồ tinh bất quý hồ đa

Bộ binh Hải quân Nga, hay vẫn thường được biết tới với tên gọi thông dụng hơn là Thủy quân lục chiến là một lực lượng đổ bộ tương tự như của Lính thủy đánh bộ Mỹ nhưng lại trực thuộc Hải quân Nga chứ không phải là một binh chủng độc lập của Bộ Quốc phòng.

Trong khi Lính thủy đánh bộ Mỹ, từ sau Thế chiến II, đã phát triển thành một binh chủng riêng rẽ với quân số khoảng 180.000 binh lính và trang bị hơn 1.000 máy bay có người lái thì Thủy quân lục chiến Nga vẫn là một lực lượng tương đối nhỏ, chỉ khoảng 12.000 binh sĩ, gồm cả quân số của vài trăm đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ hải quân Spetsnaz.

Một điểm khác biệt nữa là Thủy quân lục chiến Nga cũng đóng một vai trò lặng lẽ hơn trong lịch sử phát triển quân sự của đất nước, họ mới chỉ tham gia ở quy mô đáng kể trong cuộc chiến Nga - Nhật 1904 - 1905.

Tuy nhiên, nhận thức được giá trị của lực lượng đổ bộ đường biển cùng với tầm quan trọng chiến lược đang gia tăng tại khu vực Thái Bình Dương, Nga đã không ngừng tăng cường đầu tư nâng cấp các khả năng của Thủy quân lục chiến thành một công cụ chính yếu để khuếch trương sức mạnh, thậm chí có thể cạnh tranh với Mỹ về chất lượng trong những năm tới đây.

Luồn sâu, đánh thốc, đổ bộ thần tốc: Nga dồn lực tinh nhuệ hóa Thủy quân lục chiến - Ảnh 1.

Thủy quân lục chiến Nga được đánh giá là lực lượng tinh nhuệ nhất thế giới. Ảnh: RIA Novosti

Nga dốc sức đầu tư

Để thực hiện mục tiêu này, bên cạnh việc đưa vào sử dụng các tàu đổ bộ mới, Hải quân Nga cũng đang có kế hoạch đóng thêm 4 tàu cùng loại nữa, đủ khả năng vận chuyển các sư đoàn Thủy quân lục chiến với đầy đủ xe thiết giáp, máy bay phối thuộc cho nhiệm vụ đổ bộ lên bờ biển kẻ thù hoặc nhanh chóng phản ứng trước những mối đe dọa đối với các đồng minh Nga.

Với việc Pháp quyết định hủy bỏ chương trình đóng tàu chung giữa hai nước, các nhà máy đóng tàu quân sự Nga đã bắt tay vào khởi động một chương trình đóng tàu được đánh giá là tham vọng nhất và lớn nhất từ thời Liên Xô.

Theo Phó Tư lệnh Hải quân Nga Viktor Bursuk, hai biến thể mới của loại tàu đổ bộ trên đã được lên kế hoạch và dự kiến mỗi chiếc sẽ vận chuyển được 700 và 1.200 lính thủy đánh bộ tương ứng, đồng thời đủ khả năng triển khai các trực thăng vũ trang tấn công hạng nặng như Ka-52 làm nhiệm vụ yểm trợ trên không.

Một số nguồn tin còn cho biết, cùng với việc đầu tư phát triển các tàu chiến chở trực thăng, Nga cũng đã rót vốn chế tạo các máy bay chiến đấu cánh cố định có khả năng triển khai từ các boong tàu để hỗ trợ cho lính thủy đánh bộ, giống như trực thăng Harrier Jump Jet và F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ.

Luồn sâu, đánh thốc, đổ bộ thần tốc: Nga dồn lực tinh nhuệ hóa Thủy quân lục chiến - Ảnh 2.

Thủy quân lục chiến Nga trong lễ diễu binh trên Quảng trưởng Đỏ

Rất nhiều khả năng Nga sẽ tái khởi động chương trình chế tạo loại máy bay cất hạ cánh thẳng đứng (VOTL) Yak-141, một phương tiện đã đạt tới giai đoạn phát triển cuối cùng với 4 nguyên mẫu hoạt động vào thời điểm Liên Xô tan rã. Cùng với các trực thăng tác chiến đặc nhiệm, những máy bay này sẽ hỗ trợ đắc lực cho các chiến dịch đổ bộ của Thủy quân lục chiến Nga.

Nhiệm vụ hỗ trợ thiết giáp có thể sẽ là các biến thể hải quân của loại xe bánh xích vũ trang hạng nặng BMP. Phiên bản thủy quân lục chiến của xe chiến đấu bọc thép Bumerang BTR nhiều khả năng cũng sẽ được xem xét.

Một điều dễ nhận thấy là trong những năm gần đây, Thủy quân lục chiến Nga ngày càng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn như, cuối năm 2017 lực lượng này đã thể hiện một màn phô diễn sức mạnh ở vùng Viễn Đông gần Bán đảo Triều Tiên vào đúng thời điểm Mỹ leo thang đe dọa Bình Nhưỡng.

Các cuộc phô diễn này diễn ra cùng lúc với cuộc tập trận Vigilant Ace của Mỹ tại Hàn Quốc mô phỏng một cuộc tấn công vào Bình Nhưỡng và cuộc tập trận quy mô lớn của hơn 40 tàu chiến hải quân Trung Quốc trên biển Hoa Đông nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp.

Bằng việc gia tăng đầu tư hiện đại hóa khả năng cho các đơn vị Thủy quân lục chiến, Hải quân đánh bộ Nga chắc chắn sẽ đóng vai trò như một lực lượng nòng cốt trong chính sách khuếch trương sức mạnh ra ngoài biên giới của Moscow.

Với việc Nga đang định vị mình như một cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây thực sự là một chiến lược đầy hứa hẹn.

Cận cảnh Thủy quân lục chiến Nga luyện tập tác chiến

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại