Lúng túng với 4 tàu vỏ thép hỏng!

TẤN LỘC |

Đã hơn năm tháng nay nhưng Bộ NN&PTNT và tỉnh Bình Định vẫn chưa quyết được phương án khắc phục đối với bốn con tàu vỏ thép bị đóng bằng thép Trung Quốc dỏm phải nằm bờ.

Chiều 22-8, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cùng đoàn công tác của Bộ tiếp tục có cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định về khắc phục, sửa chữa 20 tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh này vừa đóng mới đã bị hư hỏng nặng.

Tuy nhiên, cuộc họp vẫn chưa quyết định được phương án khắc phục đối với bốn con tàu do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng bằng thép Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn bị rỉ sét trầm trọng, phải nằm bờ hơn năm tháng nay.

Vẫn chưa chịu thay thép cho 5 tàu hỏng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho biết hiện nay Công ty Đại Nguyên Dương đã kéo năm con tàu lên đà sửa chữa tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan thuộc huyện Hoài Nhơn, Bình Định. Tuy nhiên, cả năm tàu vẫn chưa được sửa chữa do chưa thống nhất phương án.

Trước đó, kết quả giám định hồi tháng 6-2017 của tổ thẩm định độc lập tỉnh Bình Định đã xác định cả năm tàu này đều đóng bằng thép Trung Quốc trong khi chứng thư thẩm định giá, biên bản xác nhận khối lượng thực hiện, chứng từ thanh toán đều ghi là thép Hàn Quốc.

Ngoài ra, kết quả giám định cũng xác định có ba tàu có mẫu không đạt thép thường cấp A.

Dù tỉnh Bình Định đã nhiều lần yêu cầu Công ty Đại Nguyên Dương phải tháo gỡ thép Trung Quốc, thay mới toàn bộ bằng thép Hàn Quốc đúng tiêu chuẩn nhưng công ty này cứ tìm cách trì hoãn việc thực hiện.

Kết quả kiểm định lại của Công ty giám định Vinacontrol hồi cuối tháng 7-2017 có bảy mẫu của bốn con tàu không đạt thép cấp A do thành phần mangan (Mn) thấp hơn quy định.

Ngày 14-8, Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng thép đóng các tàu trên là thép A, đủ điều kiện đóng tàu cá theo quy định.

Công ty này cho rằng thành phần Mn của các mẫu thép bị hao hụt thấp đi là do quá trình thi công đóng tàu, qua xử lý cắt hơi, hàn có nhiệt cao, do quá trình vận hành khai thác trên biển làm thân vỏ tàu bị xâm thực, hoen gỉ, do quy trình làm sạch bề mặt cộng với chất lượng sơn, quy trình sơn chưa đảm bảo nên ảnh hưởng đến tính chất của tôn thép...

Công ty đề xuất sửa chữa, sơn lại toàn bộ vỏ của một tàu có mẫu thép đạt tiêu chuẩn, bồi hoàn tiền chênh lệch giá tôn thép.

Đối với bốn tàu có mẫu thép không đạt thép cấp A, Công ty Đại Nguyên Dương xin thay mới tấm thép lấy mẫu có thành phần Mn không đạt bằng tấm thép Hàn Quốc đạt thép cấp A theo quy định, đồng thời sửa chữa, sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình.

Công ty này cam kết phối hợp với ngân hàng và chủ tàu tính toán lại giá trị chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và thép Trung Quốc để chuyển trả cho ngân hàng, giảm vốn vay cho chủ tàu.

Theo ông Phúc, trước đề xuất trên, Sở NN&PTNT không quyết được mà xin ý kiến của Bộ NN&PTNT.

Lúng túng với 4 tàu vỏ thép hỏng! - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám (giữa) kiểm tra việc sửa chữa tàu vỏ thép hỏng tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (Bình Định). Ảnh: VŨ ĐÌNH

Phải tiếp tục… thuê chuyên gia!

Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho rằng khi cơ quan đăng kiểm kiểm tra trước khi đóng tàu, thép của Công ty Đại Nguyên Dương sử dụng đạt cấp A, đủ điều kiện đóng tàu biển.

Mặt khác, công ty này báo cáo khẳng định là thép cấp A và chịu trách nhiệm về thép.

“Qua thẩm định của Vinacontrol, cơ tính, lý tính đều đạt yêu cầu thép A, về hóa tính chỉ thiếu Mn nên có cơ sở khẳng định gốc của thép đó trước đây là cấp A, đảm bảo quy chuẩn.

Nếu cho sửa chữa, đề nghị Đại Nguyên Dương làm sạch bề mặt, sơn đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho con tàu” - ông Đức nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nói: “Quan điểm của Tổng cục Thủy sản là vật liệu đóng tàu, máy chính, máy phụ, các thiết bị được sửa chữa thay thế phải đồng bộ, phù hợp với hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt, thỏa mãn các quy phạm kỹ thuật về tàu cá và các quy phạm kỹ thuật có liên quan.

Riêng về vật liệu vỏ tàu phải đạt tối thiểu thép cấp A theo quy định, quy phạm phân cấp và đóng tàu biển vỏ thép. Tôi cũng nhấn mạnh là kết cấu phân tử của thép khác với kết cấu phân tử của tất cả loại vật liệu khác, đó là phải đảm bảo đồng bộ”.

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, bác bỏ hoàn toàn phương án đề xuất của Công ty Đại Nguyên Dương. “Tôi hoàn toàn không đồng ý với đề xuất đó.

Bản thân thép đóng tàu đã không đạt tiêu chuẩn chất lượng, giờ chỉ cào ra sơn lại thì đi biển được mấy lần? Chỉ mới lấy vài mẫu đã đều không đạt chất lượng như thế, còn những chỗ khác của tàu thì sao? Mắt thường làm sao biết được chất lượng mà thay hay không.

Làm giả dối như vậy là không được! Tại sao lấy đủ tiền của dân rồi giờ cò kè, sửa cho lấy có? Tôi yêu cầu phải tháo ra, thay mới toàn bộ bằng thép Hàn Quốc đạt quy chuẩn, trả lại chất lượng con tàu cho ngư dân.

Tôi cũng yêu cầu công an tỉnh làm rõ hành vi gian dối của Công ty Đại Nguyên Dương, không thể cho qua vấn đề này. Không thể chấp nhận kiểu làm như vậy! Làm ăn kiểu này, đất nước chỉ có mạt thôi!”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói thế và yêu cầu thuê các chuyên gia có chuyên môn sâu về vật liệu để giám định toàn bộ thép vỏ tàu, chỗ nào không đạt chất lượng thì phải tháo ra, đóng lại bằng thép mới.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng đồng ý phương án mời các chuyên gia để giám định chất liệu đóng tàu, đưa ra tư vấn phương án khắc phục. “Yếu tố Mn trong thép quan trọng vì liên quan ôxy hóa.

Chỉ có thể tháo gỡ ra hết để thay mới toàn bộ vỏ tàu, coi như đóng lại vì thay từng tấm sẽ hở, không đảm bảo” - ông Tám nói.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám không thể đưa ra phương án khắc phục được mà do chủ tịch UBND tỉnh Bình Định quyết định.

Ông Tám đồng ý lùi thời hạn hoàn thành sửa chữa các tàu vỏ thép từ ngày 30-8 đến 30-9, đồng thời yêu cầu các công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ngư dân do tàu bị hỏng, phải nằm bờ.

Bộ NN&PTNT đang báo cáo, kiến nghị Chính phủ cho giãn thời gian trả nợ ngân hàng đối với các ngư dân có tàu vỏ thép bị hỏng.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, đến nay Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) kéo lên đà sửa chữa bảy trong 15 tàu vỏ thép bị hỏng do công ty này đóng.

Hiện đã thay máy thủy mới hiệu Mitsubishi cho sáu tàu, đồng thời sửa chữa, sơn lại vỏ tàu bị rỉ sét, khắc phục các trang thiết bị hỏng.

Theo ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tiến độ sửa chữa của Công ty Nam Triệu bị chậm so với kế hoạch. Công ty này vừa có báo cáo xin lùi thời hạn hoàn thành việc sửa chữa 15 tàu bị hỏng đến ngày 30-9.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại