Lừng lẫy khoa bảng Phù Khê

Trần Siêu |

Xã Phù Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) không chỉ là vùng quê giàu truyền thống cách mạng mà còn là vùng đất nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng...

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Phù Khê.

Xã Phù Khê là quê hương của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, là vùng đất nổi tiếng trong lịch sử khoa bảng với hàng chục vị đại khoa lừng lẫy.

Phủ Từ Sơn (huyện Đông Ngàn cũ) vốn có 13 tổng với trên 90 xã, trong đó Phù Khê thuộc tổng Nghĩa Lập. Trải qua các triều đại, tên xã được thay đổi nhiều lần, nhưng dù ở thời điểm nào, Phù Khê cũng là đất thiêng của xứ Kinh Bắc.

Tiến sĩ Phù Khê “danh quán thiên hạ”

Trước khi được biết đến dưới cái tên Phù Khê như ngày nay, vùng đất này đã có nhiều tên gọi. Ban đầu có tên là Cổ Đàm, đến thời Trần làng có tên là Phù Đàm - nghĩa là khu đất nổi cao ven đầm.

Thời vua Lê Thế Tông, niên hiệu Gia Thái năm thứ nhất (1573), vì kiêng huý của vua là Lê Duy Đàm nên Phù Đàm đổi thành Phù Khê - bãi đất nổi ven sông. Khoảng thế kỷ 17 - 18, làng Phù Khê còn có tên Nôm là làng Giầm.

Cho đến nay, Phù Khê vẫn còn nguyên 3 thôn - làng: Phù Khê, Tiến Bào và Nghĩa Lập. Thời kỳ nhà Nguyễn quy định nhất làng - nhất xã, ba thôn làng này gọi là xã, đều thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Riêng làng Phù Khê đã có 9 vị đỗ đại khoa (họ Nguyễn 3 vị, họ Quách 5 vị và họ Ngô 1 vị) cùng 2 vị tiến sĩ ở thôn Nghĩa Lập, đã khiến cho xã Phù Khê trở thành đất danh hương phát khoa hiếm có của cả nước.

Gia tộc họ Nguyễn thuộc dòng họ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ có 3 vị tiến sĩ nổi tiếng. Người khai khoa là Nguyễn Quỳnh Cư (1514 - 1568). Năm 28 tuổi, ông tham gia ứng thí đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Tân Sửu (1541) đời Mạc Phúc Hải. Ông làm quan tới chức Tham chính, tước Văn Khê bá.

Người thứ hai là Nguyễn Hồ (1664 - ?) sinh năm Giáp Thìn (sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi là sinh năm Ất Tỵ - 1665), là cháu huyền tôn của Nguyễn Quỳnh Cư. Năm 25 tuổi ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Thìn (1668) đời vua Lê Hi Tông. Ông làm quan tới chức Tham chính sứ Thanh Hoa.

Nguyễn Hồ có ba người con trai đều thi đỗ và làm quan, trong đó Nguyễn Hán là người văn hay chữ tốt, làm quan tới chức Quốc tử giám giáo thụ. Khi Nguyễn Hồ mất đã được vua ngự bút - danh quán thiên hạ, nên sau đó dân trong vùng có câu: “Nguyễn Hồ, Nguyễn Hán/ Danh quán thiên hạ”.

Người thứ 3 của dòng họ là Nguyễn Trọng Đột (1695 - 1777), là cháu họ của Tiến sĩ Nguyễn Hồ. Ông đỗ Cử nhân khi chưa đầy 20 tuổi, năm 54 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1748) đời vua Lê Hiển Tông, khi đó ông đang làm tri huyện. Sau khi thi đỗ, ông được bổ quan đến chức Hàn lâm viện thị chế tước Lĩnh Nam bá.

Ông từng đứng lên tổ chức bảo vệ 3 tổng khi có sự biến nên khi vinh quy bái tổ, hay về hưu hoặc lúc tạ thế, các vị quan chức và dân chúng cả 3 tổng đều đến đông đủ, đưa đón trọng thể và ca ngợi rằng: “Có ông Tiến sĩ thần tam tổng/ Có cụ thơm quân tước một nhà/ Con cháu công hầu xây sử ký/ Mát tai nam tử đấy ai mà”.

Tại thôn Nghĩa Lập cũng có 2 vị tiến sĩ họ Nguyễn là Nguyễn Hữu Thường (1521 - 1590). Năm 30 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Tuất (1550) đời vua Mạc Phúc Nguyên.

Ông làm quan đến chức Tả thị lang Binh bộ. Người sau là Nguyễn Gia Mưu, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mùi (1559) đời vua Mạc Phúc Nguyên, sau làm quan đến chức Tham chính. Gia phả họ Ngô ở Tam Sơn ghi: Nguyễn Gia Mưu là học trò của thầy Ngô Miễn Thiệu, được thầy mến mà gả con gái cho.

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Gia Mưu chuyển về Tam Sơn ở, rồi đổi sang họ Ngô nhưng lấy tên đệm là Nguyễn (Ngô Nguyễn). Sau con cháu ông đều học giỏi - có tới 4 người đỗ đại khoa.

Thôn Phù Khê còn có Tiến sĩ họ Ngô tên là Ngô Lôi, sinh năm 1440 (còn có tên là Ngô Lộc), năm 27 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất (1466) đời vua Lê Thánh Tông. Ông từng được cử đi sứ sang nhà Minh, sau chuyển sang ngạch quan võ, được thăng chức Tổng binh thiêm sự.

Cùng họ Nguyễn và họ Quách, họ Ngô Phù Khê cũng có một vị đại khoa (mộ thủy tổ họ Ngô Phù Khê).

Hiển danh họ Quách

Ngoài họ Nguyễn thuộc dòng họ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, và họ Nguyễn thôn Nghĩa Lập, xã Phù Khê nổi tiếng nhất khoa danh bởi họ Quách với 5 vị tiến sĩ. Người khai khoa là Quách Toản (1452 - 1524), bia Văn miếu Bắc Ninh và sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” ghi là Quách Tán.

Năm 27 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Mậu Tuất (1480) đời vua Lê Thánh Tông. Sau ông được triều đình bổ làm quan tới chức Hàn lâm, cử đi sứ sang nhà Minh.

Con trai trưởng của ông là Quách Điển (1485 - 1524) thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu (1505) đời Lê Uy Mục khi vừa 21 tuổi. Sau được triều đình bổ làm quan tới chức Hình bộ Thượng thư và cử đi sứ sang nhà Minh, đến lần đi sứ thứ 2 thì bị mất trên đường đi khi vừa tròn 40 tuổi.

Người thứ 3 là Quách Đồng Dần (1567 - 1650). Năm 68 tuổi ông mới thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Giáp Tuất (1634) đời vua Lê Thần Tông. Sau đó, ông được bổ nhiệm làm quan tới chức Tham chính sứ, rồi lên Lễ bộ Hữu thị lang. Dân gian có thơ ca ngợi ông rằng: “Già còn thi đỗ đời thấy lạ/ Nước Nam đều biết lão không suy/ Quốc thước sánh ngang Lưu Mã Viện/ Giúp nước đâu thua Tống Hân Kỳ”.

Người thứ 4 của dòng họ là Quách Đồng Đức (1611 - ?), là con của Quách Đồng Dần. Năm 30 tuổi, ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, sau được làm quan tới chức Thừa chính sứ.

Tiếp theo có Quách Giai (1660 - 1730), 24 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Quý Hợi (1683) đời vua Lê Hi Tông, sau ông được bổ nhiệm tới chức Thái thường tự khanh.

Theo “Quách tộc thế phả” - bản gia phả cổ ghi chép và hoàn thành năm Canh Thìn, đời vua Lê Cảnh Hưng (1760) thì họ Quách thôn Phù Khê Thượng từ đời 1 đến đời thứ 20, trải qua 550 năm (từ năm 1205 đến 1760) thì họ Quách thôn Phù Khê số lượng tiến sĩ không chỉ có 5 người.

Người khai khoa không phải cụ Quách Toản, mà trước đó có cụ Quách Nhẫn (1247 – 1319) được xem là người đầu tiên đỗ đạt – đỗ Thám hoa năm 1275. Một số tư liệu cũng khẳng định họ Quách Phù Khê có tới 8 người đỗ tiến sĩ.

Tuy nhiên, suy xét kỹ thì tộc phả ngày trước được chép gộp, vả lại địa danh cũng có những điểm không khớp. Quê của Thám hoa Quách Nhẫn không phải là Phù Khê, mà là Song Khê (Bắc Giang). Cụ đỗ Đệ nhất giáp Đệ tam danh (Thám hoa) cùng khoa với Trạng nguyên Đào Tiêu trong khoa thi Thái học sinh lấy 27 người.

Các vị đại khoa Phù Khê để lại dấu ấn đặc biệt đối với nền văn hiến Kinh Bắc.

Cha ông hay chữ, hậu thế anh hùng

Trong số 11 nhà khoa bảng của Phù Khê, nhiều người trở thành những vị quan lớn – trụ cột triều đình. Họ để lại những giai thoại bất hủ cho đời cùng tấm gương sáng về đạo học, đạo làm người.

Theo TS Lê Viết Nga – nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Quỳnh Cư – người khai khoa họ Nguyễn Phù Khê chính là huyền tôn (thế hệ thứ 4) của anh hùng Nguyễn Trãi.

Khoảng 7 tuổi, Nguyễn Quỳnh Cư đã có trí thông mẫn thiên thành. Tư liệu gia phả họ Nguyễn Phù Khê còn ghi rõ: “Thất tuế thuộc thiện văn - thế hiệu thần đồng”, nghĩa là 7 tuổi đã thuộc làu văn sách, người đương thời đã suy tôn là thần đồng.

Truyện kể rằng, một hôm có vị quan về quê hưu trí, ra xem đánh cá ở ao trước làng, thấy cậu bé Cư mặt mũi khôi ngô, dáng điệu thanh tú hơn người, bèn hỏi: Nay tiểu nhi đã học sách gì? Quỳnh Cư từ tốn trả lời: Thưa đại nhân, tiểu nhi đang học sách đại học ạ! Vị quan nói: Vậy ta sẽ ra một vế đối, nếu ứng khẩu đối đáp trôi chảy ta sẽ thưởng con cá to nhất và cả tiền nữa: “Bạch ngư phủ thủy điện” (cá trắng nổi mặt nước).

Tiểu sinh xin đối ngay: “Hoàng điểu chỉ kỳ ngung” (chim vàng đậu góc gò). Nghe xong vị quan giật mình, tấm tắc khen ngợi: “Bé mà văn sách và đối hay như vậy, ta sẽ thưởng ngay”. Ông liền sai người nhà tìm mua một con cá thật to để thưởng cho Quỳnh Cư.

Sau khi Nguyễn Quỳnh Cư thi đậu đại khoa, lấy danh nghĩa là nhạc phụ, cụ đồ họ Đàm Liêm đã làm đôi câu đối để tặng, nội dung: “Thất tuế thần đồng kim cổ lãm/ Nhất gia tiến sĩ quốc gia hoan” - Tạm dịch: “Bảy tuổi thần đồng xưa nay hiếm/ Một khoa tiến sĩ mọi nhà vui”.

Đặc biệt, ở Phù Khê có Thám hoa Quách Giai được liệt vào một trong 6 thần đồng Kinh Bắc cùng với Trạng nguyên Lý Đạo Tái (1274) người thôn Vạn Tư, huyện Gia Bình; Trạng nguyên Nguyễn Nghiêu Tư (1448) người thôn Phú Lương, huyện Quế Võ; Hoàng giáp Dương Như Châu (1466) người thôn Lạc Phổ, huyện Thuận Thành; Tiến sĩ Đàm Văn Lễ (1469) người thôn Lãm Sơn, huyện Quế Võ; Tiến sĩ Nguyễn Siêu Hải (1676) người thôn Khắc Niệm, huyện Tiên Du.

Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Phù Khê.

Hội làng Phù Khê xưa có tục thi đọc “Mục lục”. Giám khảo của cuộc thi là 12 ông chạ - là những vị khoa bảng, chức sắc - ngồi dọc thành hai dãy chiếu hoa trải dọc đình. Một bên bày chiêng, một bên bày trống, nếu đọc đúng một câu thì trống đánh một tiếng, chiêng đánh một tiếng, nếu đọc sai thì trống đánh một hồi nhỏ, chiêng cũng đánh một hồi nhỏ. Tương truyền, Thám hoa Quách Giai rất thích trò chơi này, và ông chính là người đã viết nhiều bài phú hay cho cuộc thi đọc “Mục lục”.

Theo các tư liệu đăng khoa, ngoài 11 tiến sĩ, Phù Khê còn hàng trăm người đỗ cử nhân, tú tài. Nhiều bậc danh nho ở Phù Khê đã làm rạng danh cho đất nước, có người làm đến hàng tam công, có những gia đình cả cha và con đều đỗ tiến sĩ. Phù Khê cũng là một trong những làng xã để lại nhiều dấu ấn trong các phong trào yêu nước, từ phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế đến Đông Kinh Nghĩa Thục...

Sau khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương, người Phù Khê đã hăng hái tham gia nghĩa quân Đại nghĩa đoàn. Cụ Tú tài Nguyễn Trọng Huyên, Án sát Nguyễn Quang tham gia phong trào và anh dũng hi sinh.

Đặc biệt, Phù Khê đã sản sinh ra người anh hùng dân tộc – cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “có tài năng lãnh đạo xuất sắc”, và Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định “là một trí tuệ lỗi lạc của Đảng, rất sắc sảo và nhạy bén về chính trị lại có khả năng đoàn kết và thuyết phục anh em”.

Phù Khê là một trong “tứ Phù” nổi tiếng vùng Kinh Bắc (Phù Đổng, Phù Lưu, Phù Khê, Phù Chẩn). Người Phù Khê xưa coi trọng sự học và có những cách khuyến khích con cháu học hành. Theo tư liệu cổ, làng xã Phù Khê chú trọng đến việc học và lập thành hương ước cho các thôn làng. Trong đó có điều khoản quy định trách nhiệm của gia đình và làng xã trong việc giáo dục con trẻ. Dù thời xưa chưa có trường học công, nhưng ở Phù Khê luôn có những thầy đồ đảm nhiệm công việc dạy chữ cho trẻ em trong làng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại