Màn tái ngộ của Wayne Rooney kết thúc bằng một… bức ảnh đẹp. Đó là thời khắc một mình Rooney đứng đơn độc nhìn cả tập thể Man Utd đang ăn mừng bàn thắng. Bức ảnh lột tả tất cả những gì đang giằng xé trong Rooney.
Trong thời gian đối đầu những cầu thủ chỉ mới vài tháng trước còn là những đồng đội của mình, Rooney đã chơi tốt so với những gì người ta kỳ vọng ở anh. Chúng ta ta nhận ra rất rõ R10 chơi nỗ lực hơn những trận đấu bình thường khác, dù sự hiệu quả của anh vẫn sẽ là chủ đề gây tranh cãi.
Gánh nặng tuổi tác khiến Rooney mờ nhạt trong ngày tái ngộ Man Utd.
Tuy nhiên, sự nỗ lực đó không đến từ tâm lý hơn thua với Man Utd. Đơn giản Rooney đã thi đấu với niềm tự hào từng là một phần rất trang trọng trong lịch sử Quỷ đỏ. Anh muốn chiến đấu để chứng minh rằng, Man Utd đã để một huyền thoại ra đi để nhường chỗ cho những huyền thoại khác lên ngôi, chứ không phải bán đi một món hàng thải.
Và trong thời khắc Rooney được rút ra khỏi sân, lập tức một góc khán đài Old Trafford đứng bật dậy dành cho anh những tràng pháo tay. Đối với một cầu thủ đã bước vào độ tuổi xế chiều và cũng đã hưởng thụ quá đủ vinh quang thì đó là một chiến thắng của anh.
Mặc dù vậy, Rooney vẫn nhận được tình cảm đong đầy từ HLV Mourinho và các cổ động viên Man Utd.
Chúa trời thật khéo sắp đặt. Bên kia chuyến tiến thực tế cũng có một cuộc tái ngộ lẽ ra phải đong đầy cảm xúc: Romelu Lukaku gặp lại Everton - đội bóng đã cưu mang Lukaku trong thời gian Chelsea ruồng bỏ anh, đưa Lukaku lên thành một tên tuổi lớn và nhờ đó, ngôi sao người Bỉ mới lọt vào mắt xanh của Man Utd.
Thế nhưng khi Lukaku ghi bàn vào lưới đội bóng cũ, anh đã ăn mừng một cách rất cuồng nhiệt. Sẽ có nhiều CĐV cho rằng, ăn mừng khi ghi bàn vào lưới CLB cũ là chuyện bình thường trong bóng đá hiện đại. Điều đó đúng. Xét trên phương diện đạo đức thì ăn mừng trước CLB cũ chẳng vi phạm nguyên tắc đạo đức nào cả.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải đạo đức, mà là cái tình của một cầu thủ dành cho CLB đã cưu mang anh. Frank Lampard trong thời gian khoác áo Man City, sút tung lưới Chelsea thậm chí đã ngăn David Silva chạy tới làm động tác ăn mừng. Hành động đó thể hiện cái tình mà Lampard dành cho Chelsea, chứ anh không vì sự ràng buộc về mặt đạo đức mà không muốn ăn mừng.
Lukaku đã ăn mừng như điên dại khi xé lưới Everton, hành động này có thể sẽ khiến tiền đạo người Bỉ mất sạch tình cảm từ đội bóng cũ vùng Merseyside.
Có bao giờ Lukaku tự hỏi cuộc đời anh sẽ ra sao nếu Everton không giang tay đón vào thời điểm anh bị Jose Mourinho từ chối sử dụng trong đội hình Chelsea hay không? Với Lukaku, Everton có thể không phải là tình thì cũng nên là nghĩa.
Thế mới thấy làm một cầu thủ, hơn thua nhau ở đẳng cấp thôi chưa đủ. Có thể Lukaku rồi đây sẽ trở thành một tiền đạo lớn, giành được những danh hiệu lớn, cả cá nhân lẫn tập thể.
Nhưng sau nhiều năm nữa, khi anh cũng phải chịu cảnh tuổi tác đè nặng lên vai như Rooney, khi anh cũng phải tìm tới những bến đỗ kém hơn để cứu vãn tuổi xế chiều, liệu anh có nhận được những tràng pháo tay từ NHM đội bóng cũ như Rooney đã nhận tối qua hay không?
Liệu Lukaku có nhận được thứ tình cảm như Rooney đã được nhận ở Man Utd khi bước vào tuổi xế chiều?
Có bao giờ Lukaku tự hỏi tại sao ngày Totti giải nghệ, người Rome lại khóc như mưa. Ngày Lampard gặp lại Chelsea, dù anh ghi bàn kết liễu The Blues, fan Chelsea vẫn đứng dậy vỗ tay tôn vinh anh. Hay gần hơn chính là hình ảnh của bại tướng Rooney lầm lũi rời sân, nhưng những tràng pháo tay vẫn vang lên như sấm.
Tất cả khác nhau ở cái tình…