Olympic: Đoàn Việt Nam có thể giành huy chương nhờ nhân tố từng bị cấm 4 năm vì doping?

Tiểu Lâm Mộc |

Người hâm mộ đang hy vọng lực sĩ Trịnh Văn Vinh sẽ “ghi bàn ở phút 90”, giúp đoàn Việt Nam thoát cảnh trắng tay tại Olympic Paris 2024.

Nội dung chính

  • Trịnh Văn Vinh là 1 trong 2 niềm hy vọng cuối của Việt Nam ở Olympic 2024
  • Trịnh Văn Vinh từng bị cấm 4 năm vì doping
  • Cử tạ Việt Nam từng 2 lần giành huy chương Olympic

Tại Olympic Paris 2024, 14 trong tổng số 16 VĐV Việt Nam đã phải dừng bước mà không thể giành huy chương. Chúng ta chỉ còn 2 niềm hy vọng cuối cùng khi lực sĩ Trịnh Văn Vinh thi đấu cử tạ hạng 61kg nam (ngày 7/8) và tay chèo Nguyễn Thị Hương thi đấu canoeing nội dung thuyền đơn nữ 200m.

LỰC SĨ TỪNG DÍNH ÁN CẤM 4 NĂM VÌ DOPING VÀ SỰ TRỞ LẠI ẤN TƯỢNG

Olympic Paris mới là lần đầu tiên lực sĩ Trịnh Văn Vinh được dự Thế vận hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, thể thao Việt Nam chứng kiến một tuyển thủ từng bị án cấm thi đấu dài hạn lại có thể góp mặt ở Olympic.

Gần 6 năm trước, Liên đoàn Cử tạ thế giới (IWF) đã lấy mẫu thử xét nghiệm doping cho các VĐV theo quy định. Khoảng 3 tháng sau (tháng 2/2019), IWF thông báo kết quả rằng mẫu thử của Trịnh Văn Vinh dương tính với doping.

Kết quả này được gửi tới Tổ chức phòng chống doping thế giới (WADA) và Trịnh Văn Vinh đã bị WADA ra án phạt cấm thi đấu quốc tế 4 năm. Thời điểm đó, phán quyết này coi như đã đóng sập lại sự nghiệp của VĐV người Bắc Ninh.

Lực sĩ từng bị cấm 4 năm vì doping có thể tạo địa chấn giúp Việt Nam đoạt huy chương Olympic?- Ảnh 1.

Trịnh Văn Vinh từng bị cấm thi đấu 4 năm vì doping.

Việc Văn Vinh chịu án cấm 4 năm là cú sốc với cử tạ Việt Nam bởi trước đó, VĐV này được coi là một ngôi sao khi từng giành HCB tại ASIAD năm 2018 ở Indonesia. Sau khi nhận thông báo về án phạt, Văn Vinh cũng kết thúc hợp đồng với đơn vị chủ quản là Công an Nhân dân và chuyển tới đơn vị mới là Bắc Ninh. Chính lực sĩ sinh năm 1995 cũng thừa nhận rằng án cấm đó chính là "bước ngoặt cuộc đời" của mình.

Thế nhưng, án cấm dài hạn rốt cuộc không thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp quốc tế của Trịnh Văn Vinh. Với nghị lực và sự quyết tâm, lực sĩ này vẫn miệt mài tập luyện trong suốt 4 năm bị cấm (từ đầu năm 2019 đến tháng 2/2023).

Tháng 2/2023, Trịnh Văn Vinh trở lại thi đấu. Đó là thời điểm, lực sĩ sinh năm 1995 cảm thấy tất cả các áp lực được cởi bỏ. Đội tuyển cử tạ cũng bắt đầu xây dựng lộ trình để tập trung đầu tư cho Trịnh Văn Vinh hướng tới tấm vé dự Olympic.

Hồi hè năm ngoái, lực sĩ người Bắc Ninh được đặc cách vắng mặt tại SEA Games 32 để toàn tâm thi đấu giải vô địch châu Á 2023. Tới tháng 10/2023, Trịnh Văn Vinh dự đấu trường cực kỳ quan trọng nhất là ASIAD 19 tại Quảng Châu (Trung Quốc). Qua những giải quốc tế, Trịnh Văn Vinh trở thành đại diện duy nhất của cử tạ Việt Nam giành suất chính thức dự Olympic Paris 2024.

"Các thầy và bạn bè động viên tôi nên cởi bỏ tâm lý, tập luyện duy trì sẽ tốt hơn bởi nếu khép mình sẽ là khó có sự trở lại… Tôi luôn tâm niệm một điều, mình có nỗ lực, mình còn động lực để phát huy thì không bao giờ bỏ cuộc. Tôi thấy mình còn sức thì vẫn luôn hết mình thi đấu" – Văn Vinh từng chia sẻ trước truyền thông sau khi giành vé dự Thế vận hội Paris 2024.

Lực sĩ từng bị cấm 4 năm vì doping có thể tạo địa chấn giúp Việt Nam đoạt huy chương Olympic?- Ảnh 2.

Trịnh Văn Vinh (bên trái) khi giành HCB tại ASIAD 2018.

NHỮNG "NGỌN NÚI SỪNG SỮNG" Ở PARIS VÀ CƠ HỘI NHỎ NHOI CỦA LỰC SĨ VIỆT NAM

Trịnh Văn Vinh đã phải trải qua chặng đường đầy gian khó để đoạt vé dự Olympic, song muốn đoạt huy chương ở Thế vận hội thậm chí còn khó gấp nhiều lần.

Hạng 61kg nam môn cử tạ ở Olympic Paris gồm tổng cộng 12 lực sĩ trong đó có những cái tên cự phách, hơn rất nhiều Văn Vinh về đẳng cấp lẫn danh tiếng.

Một điều khá thú vị là Văn Vinh sẽ cạnh tranh với 4 đối thủ rất mạnh đều đến từ khu vực Đông Nam Á (gồm Eko Yuli Irawan của Indonesia, John Ceniza của Philippines, Theerapong Silachai của Thái Lan và Aniq Kasdan của Malaysia). Trong số này, Eko Yuli Irawan từng 2 lần giành HCB ở 2 kỳ Olympic 2016 và 2020.

Những đối thủ kể trên tất nhiên vẫn chưa phải chướng ngại lớn nhất với Văn Vinh. Hạng 61kg còn có những "ngọn núi sừng sững" hơn nhiều, điển hình nhất phải kể tới lực sĩ Li Fabin (Trung Quốc).

Lực sĩ từng bị cấm 4 năm vì doping có thể tạo địa chấn giúp Việt Nam đoạt huy chương Olympic?- Ảnh 3.

Li Fabin là lực sĩ số 1 ở hạng 61kg tại Olympic Paris 2024.

Lực sĩ người Trung Quốc Li Fabin chính là chủ nhân của cả cả 2 kỷ lục ở giải vô địch thế giới lẫn kỷ lục Olympic, lần lượt là các mức tổng cử 318 và 313kg. Những con số này hoàn toàn vượt xa thành tích mà Văn Vinh từng giành HCB ASIAD 2018 (với mức tổng cử 299kg) hay mức mà anh từng đạt ở ASIAD 2023 (292kg).

Tại Olympic Paris 2024, Trịnh Văn Vinh không được giới chuyên môn quốc tế đánh giá ở nhóm cạnh tranh huy chương. Ngay bản thân các thành viên trong ban huấn luyện môn Cử tạ Việt Nam cũng chỉ kỳ vọng vào việc lực sĩ người Bắc Ninh sẽ thi đấu tốt nhất trong khả năng của mình.

"Trong thời gian tập luyện vừa qua, Trịnh Văn Vinh giữ được mức ổn định của trọng lượng tạ. Quan trọng nhất, tinh thần của VĐV là quyết chiến để nỗ lực hết khả năng" - phụ trách bộ môn cử tạ (Cục TDTT) – ông Nguyễn Huy Hùng chia sẻ với báo giới cách đây ít ngày.

Trịnh Văn Vinh phát biểu trong lễ xuất quân của đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic Paris: "Tất cả VĐV tham dự đều có cơ hội như nhau. Nhưng chắc chắn, việc tranh được huy chương Olympic không bao giờ dễ dàng. Đây là điều rất khó khăn. Mục tiêu mà tôi đề ra là nỗ lực đạt kết quả cao nhất cho bản thân".

Một khó khăn khác với Văn Vinh, đó là anh vừa thi đấu Olympic vừa phải đối diện với một chấn thương mãn tính, thường bị đau ở gối. Cách đây không lâu, trước thời điểm sang Paris, lực sĩ 28 tuổi cũng chia sẻ về quá trình chuẩn bị cho Olympic: "Tùy mức độ đau ít hay đau nhiều, các bác sĩ sẽ cho tôi lượng thuốc giảm đau để quá trình tập luyện ít bị gián đoạn nhất có thể. Tôi cảm thấy mình trên đà hồi phục, đạt khoảng 85% phong độ".

Lực sĩ từng bị cấm 4 năm vì doping có thể tạo địa chấn giúp Việt Nam đoạt huy chương Olympic?- Ảnh 4.

Mục tiêu của Văn Vinh vẫn là thi đấu tốt nhất trong khả năng của mình.

Trong quá khứ, cử tạ Việt Nam từng 2 lần giành huy chương Olympic. Danh hiệu đầu tiên là tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn ở Olympic Bắc Kinh 2008. Đến năm 2012 tại Olympic London, Trần Lê Quốc Toàn về đích hạng 4 nhưng đến năm 2021 (tức 9 năm sau) mới được trao HCĐ do VĐV giành HCĐ trước đó bị kết luận dương tính với doping. 

Tuy nhiên, cả Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn đều giành huy chương ở hạng 55kg, được cho là có tính cạnh tranh nhẹ hơn một chút so với hạng 61kg của Trịnh Văn Vinh ở Olympic Paris.

Về cơ bản, Trịnh Văn Vinh đang bị đánh giá thấp ở khả năng giành huy chương Olympic Paris. Cơ hội để lực sĩ này giúp đoàn Việt Nam thoát cảnh trắng tay tại Thế vận hội, vẫn đang rất mong manh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại