Đắt không... xắt ra miếng
Hải quân Mỹ vẫn gặp phải nhiều trì hoãn trong việc tiếp nhận 3 tàu khu trục tàng hình mới lớp DDG-1000 vào biên chế. Thời hạn hiện nay để đưa con tàu có khả năng hoạt động đầy đủ vào trang bị là tháng 9/2021.
Những trì hoãn này xuất phát từ các nỗ lực kéo dài nhằm xử lý danh sách gồm 320 "lỗi nghiêm trọng" đã được thống kê sau khi Hải quân Mỹ hoàn tất các đợt thử nghiệm trên biển đầu năm 2016.
Tất cả những điều đó đã làm gia tăng chi phí hoàn thiện tàu. Tới thời điểm đưa vào biên chế, ước tính mỗi tàu DDG-1000 (trong 3 chiếc đang đóng) sẽ có giá trị khoảng 8 tỷ USD. Khoản này đã bao gồm 10 tỷ USD đầu tư vào giai đoạn nghiên cứu dành cho 32 chiếc DDG-1000 theo kế hoạch dự kiến ban đầu.
Vấn đề đáng nói nhất mà DDG-1000 đang gặp phải là khả năng hoạt động của 2 khẩu pháo hạm 155mm. Tình trạng đội chi phí rất có thể sẽ khiến DDG-1000 phải đi vào biên chế trong khi các khẩu pháo hạm 155mm vẫn chưa sẵn sàng hoạt động. Thật đáng buồn cho dự án DDG-1000 và các nỗ lực của Hải quân Mỹ kể từ những năm 1980.
Chương trình tàu khu trục DDG-1000 của Hải quân Mỹ đang bị đội chi phí rất cao. Ảnh: USNI
Trong năm 2017, Hải quân Mỹ đã tìm được một mục đích sử dụng mới cho DDG-1000, đó là tác chiến chống tàu. Mục tiêu này có thể được thực hiện bằng cách dành khoảng 100 triệu USD để nâng cấp hệ thống kiểm soát hỏa lực, cho phép DDG-1000 triển khai các tên lửa RIM-175 SM-6.
DDG-1000 được chế tạo để phục vụ đa mục đích, từ phòng không, chống ngầm, chống tàu mặt nước, cho tới tấn công mặt đất. Trong đó, nhiệm vụ tấn công mặt đất được giao phó cho 2 khẩu pháo 155mm, sử dụng đạn dẫn đường GPS. Những quả đạn này có thể đánh trúng mục tiêu cách xa hơn 100km trong đất liền với độ chính xác cao.
Tuy nhiên, sau một loạt rủi ro, Hải quân Mỹ thấy rằng họ không đủ tài chính để trang bị loại đạn dành cho những khẩu pháo 155mm này, và cũng chỉ có thể mua được 3 chiếc DDG-1000 mà thôi.
Mặc dù hai khẩu pháo 155m chưa thể trở nên hữu dụng nhưng những thay đổi mới nhất cũng giúp DDG-1000 trở nên hiệu quả hơn nhiều khi đối phó các loại tàu và máy bay khác.
"Chìa khóa" để DDG-1000 đảm nhận sứ mệnh mới là tên lửa SM-6 (nâng cấp từ tên lửa SM-2) với hiệu quả tác chiến cao hơn, nhất là cách nó xử lý các mục tiêu mặt nước. Trong năm 2017, tên lửa đánh chặn SM-6 Block 1A đã vượt qua các cuộc thử nghiệm đầu tiên. Chúng được phóng đi từ một bãi phóng trên cạn.
SM-6 cũng thể hiện tốt khi được bắn đi từ các ống phóng thẳng đứng (VLS) trên tàu chiến. Nó từng hạ gục một khinh hạm về hưu của Hải quân Mỹ chỉ với 1 tên lửa trong cuộc thử nghiệm.
Những cải tiến của phiên bản Block 1A bao gồm hệ thống dẫn đường, và đặc biệt là khả năng chống tàu mới. SM-6 được đưa vào trang bị của Hải quân Mỹ trong năm 2011 và được bổ sung khả năng chống hạm sau đó.
Đơn hàng đầu dành cho SM-6 đã lên tới 1.200 tên lửa và trong tương lai, nó sẽ thay thế toàn bộ các tên lửa SM-2 (biên chế từ năm 1979) và SM-3 (phiên bản nâng cấp của SM-2 để bắn hạ tên lửa đạn đạo).
So với tên lửa SM-2ER (gia nhập biên chế năm 1980 và có khả năng chống tàu), SM-6 có tầm bắn xa hơn và hệ thống dẫn đường hiệu quả hơn (có thể chống lại các biện pháp đối phó của đối phương như gây nhiễu). Bên cạnh đó, nó cũng đối phó với các loại máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo hiệu quả hơn.
Các nâng cấp dành cho DDG-1000 cũng sẽ cho phép con tàu triển khai được biến thể tấn công hàng hải của tên lửa hành trình Tomahawk. Phiên bản này, với hệ thống dẫn đường mới, cho phép Tomahawk đánh trúng các tàu chiến di động trên biển. Nó cũng có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và có tầm bắn 1.700km.
Song, phiên bản chống tàu của Tomahawk đòi hỏi các tàu chiến khác hoặc máy bay trinh sát xác định khu vực chung chứa mục tiêu.
DDG-1000 có 80 ống phóng thẳng đứng (VLS) có thể triển khai tên lửa phòng không, tên lửa hành trình hoặc chống tàu. Giờ đây, các loại tên lửa dành cho DDG-1000 sẽ rất đa dạng, gồm SM-6, SM-3 (phiên bản chống tên lửa) hoặc Tomahawk.
Mớ hỗn độn và tấn bi kịch
Do DDG-1000 quá đắt đỏ nên Hải quân Mỹ không thể hoàn tất số lượng tàu theo kế hoạch. Theo Strategy Page, nhiều quốc gia không hề gặp phải các vấn đề mua sắm trang bị như Hải quân Mỹ đang đối mặt. Những nỗ lực để khắc phục "mới hỗn độn" này của Hải quân Mỹ đã gặp phải sự phản đối về chính trị và một số vấn đề khác.
Năm 2009, Hải quân Mỹ quyết định chỉ đóng 3 tàu DDG-1000, thay vì 32 tàu như dự kiến. Để bù đắp sự thiếu hụt các tàu khu trục mới, Hải quân Mỹ đã khôi phục chương trình chế tạo các tàu khu trục thế hệ cũ DDG-51 Arleigh Burke.
Tàu khu trục Arleigh Burke có chi phí rẻ hơn nhưng khó đáp ứng được những yêu cầu công nghệ mới. Ảnh: Wiki
Đây là vấn đề về chi phí. Nếu đóng với số lượng lớn, mỗi tàu DDG-1000 sẽ có chi phí hơn 4 tỷ USD, trong khi chi phí mỗi tàu lớp Burke chỉ là 1,9 tỷ USD.
Tuy nhiên, một số quan chức hải quân Mỹ tin rằng, về lâu dài, DDG-1000 sẽ là sự đầu tư có lợi hơn. Khó khăn là họ không thể kiểm soát được các khoản chi phí, ước tính chi phí, và không thể điều chỉnh DDG-51 để ứng dụng các công nghệ mới.
Các vấn đề gặp phải với tàu lớp DDG-1000, các tàu ngầm lớp Seawolf, tàu sân bay lớp Ford và tàu tác chiến cận bờ (LCS) cho thấy Hải quân Mỹ vẫn chưa khắc mục được những thiếu sót cơ bản trong việc thiết kế và đóng tàu chiến mới.
Họ vẫn đang xem nhẹ mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tuy nhiên, tình hình đang trở nên tồi tệ hơn khi Trung Quốc đã gặt hái được thành công trong việc đóng các loại tàu chiến mới với mức chi phí hợp lý và tốc độ nhanh hơn.
Hải quân Mỹ đã từng làm được điều đó, nhưng việc khả năng này của họ bị thui chột sẽ tiếp tục tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà Hải quân Mỹ nói chung, và các nhà lãnh đạo hải quân Mỹ nói riêng, phải đối mặt.