Lực lượng đặc biệt trong tìm kiếm, cứu nạn

Quang Dũng |

Trong công tác tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) có một lực lượng mới tham gia nhưng đã khẳng định rõ hiệu quả, đó cũng là lực lượng đặc biệt: Chó nghiệp vụ do Trường Trung cấp 24 Biên phòng huấn luyện và trực tiếp sử dụng.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, từ nhiệm vụ ban đầu là đào tạo huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ để phòng, chống gián điệp, biệt kích, bảo vệ biên cương Tổ quốc, suốt 57 năm qua, Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã nỗ lực nghiên cứu, phát triển việc huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ vào rất nhiều nhiệm vụ, như: Bảo vệ các mục tiêu trọng yếu; tuần tra biên giới; chống khủng bố, giải thoát con tin; giữ gìn an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm; phát hiện, tấn công địch và các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, có vũ khí "nóng"…

Trong đó, việc huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ để TKCN trong các vụ thiên tai, hỏa hoạn, sập đổ công trình là một thành tích nổi bật những năm gần đây.

Bằng chứng là từ năm 2007 đến nay, chó nghiệp vụ của nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ TKCN trong những vụ sạt lở lớn, như vụ sạt lở núi đá ở Thủy điện Bản Vẽ và ở Lèn Cờ (Nghệ An); sạt lở đất đá ở Khên Lền - Pác Nặm (Bắc Kạn); sạt lở Quốc lộ 6 ở Mai Châu (Hòa Bình), ở Mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên)…

Tất cả những vụ tai nạn thảm khốc đó, khi các lực lượng cùng phương tiện hiện đại đã phải "bó tay" thì chó nghiệp vụ đều xác định chính xác vị trí các nạn nhân bị vùi lấp sâu. Nhà trường đã được Bộ Quốc phòng và các địa phương khen thưởng.

Đặc biệt, khi đội huấn luyện viên sử dụng chó nghiệp vụ của nhà trường tham gia Diễn tập thực binh ứng phó thảm họa động đất, TKCN tại Thủy điện Sông Tranh (Quảng Nam); tham gia cùng Quân đội các nước ASEAN diễn tập thực binh ứng phó thảm họa, hỗ trợ nhân đạo (ARDEX-2013), bạn bè quốc tế đã rất thán phục khả năng TKCN của các chú chó nghiệp vụ.

Để có được "lực lượng đặc biệt" làm nhiệm vụ TKCN hiệu quả, đội ngũ cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã luôn chủ động nghiên cứu, hiểu rõ những khả năng đặc biệt của chó nghiệp vụ, từ đó trao đổi, thống nhất xây dựng nội dung, chương trình huấn luyện nhằm "đánh thức" và phát huy tối đa khả năng đặc biệt đó vào những nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra, nhất là trong công tác TKCN.

Ban đầu, nhà trường tự tổ chức huấn luyện chó nghiệp vụ TKCN. Khi vụ tai nạn sập mỏ đá ở Tương Dương, Nghệ An xảy ra (12-2007), lãnh đạo nhà trường chủ động "xin" được đưa chó nghiệp vụ vào tìm kiếm và các chú khuyển dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên đã tìm kiếm được 11 thi thể nạn nhân bị vùi lấp sâu.

Sau chiến công đầu này, công tác huấn luyện chó nghiệp vụ TKCN càng được quan tâm triển khai. Nhà trường đã xây dựng các bãi tập TKCN với những tình huống thường xảy ra như cháy, sập công trình, nhà cao tầng; sạt lở hầm lò, đất đá và bùn nước…

Các buổi huấn luyện được tiến hành y như thật với khói lửa, tiếng nổ và đặc biệt là những chiến sĩ nhập vai "nạn nhân" bị vùi lấp sâu, dẫu rất khó chịu vẫn nằm yên hàng giờ để chờ được cứu…

Từ sự chủ động nghiên cứu, triển khai huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ TKCN đạt hiệu quả cao, đến đầu năm 2015, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã quyết định thành lập Đội sử dụng chó nghiệp vụ TKCN.

Theo các đồng chí cán bộ Trường Trung cấp 24 Biên phòng, mặc dù trong công tác huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ TKCN còn gặp nhiều khó khăn về thao trường, bãi tập, vật chất và kinh phí bảo đảm… nhưng đây là điều kiện thuận lợi để nhà trường tiếp tục tăng cường huấn luyện, đào tạo, ngày càng nâng cao khả năng của "lực lượng đặc biệt" đáp ứng với diễn biến phức tạp và yêu cầu của công tác TKCN thời gian tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại