Cuộc chiến giá dầu thường là mâu thuẫn thương mại khá phức tạp vì đằng sau đó là những bất đồng về lợi ích địa chính trị ở phạm vi lớn hơn nhiều. Hiện tại, một giai đoạn mới của mâu thuẫn này đang diễn ra trên trường quốc tế giữa 2 gã khổng lồ ngành năng lượng là Nga và Ả Rập Xê Út.
Trong khi thế giới vẫn đang nỗ lực hồi phục sau hậu quả của đại dịch và xung đột ở Ukraine vẫn tiếp diễn, định hình lại bối cảnh địa chính trị, thì 2 quốc gia lớn của BRICS đang cạnh tranh gay gắt để giành vị thế thống trị tại thị trường châu Á. Những động thái của họ được cho là có thể phá vỡ trật tự đã được thiết lập, cả trong nội bộ khối OPEC lẫn trung tâm của các liên minh chiến lược toàn cầu.
Kể từ sau khi thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Nga buộc phải xác định lại chiến lược thương mại của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, Moscow chuyển hướng sang châu Á để bán dầu, “bắt tay” với các đối tác thương mại hàng đầu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự chuyển dịch này hiệu quả đến mức chỉ trong vài tháng, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu chính cho Trung Quốc, thậm chí vượt qua Ả Rập Xê Út - quốc gia từng giữ vị trí đứng đầu ở thị trường chiến lược này.
Việc Nga nhanh chóng chinh phục thị trường châu Á đã nhanh chóng khiến Riyadh rung chuyển. “Ông trùm” dầu mỏ Trung Đông chứng kiến thị phần ở Trung Quốc giảm dần. Đây là tình huống nằm ngoài sự mong đợi của Riyadh vì họ từ lâu đã coi châu Á là thị trường chiến lược.
Theo dữ liệu của LSEG Oil Research, lượng dầu cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở châu Á của Ả Rập Xê Út trong tháng 7 đã giảm tháng 2 liên tiếp và là mức thấp nhất kể từ tháng 4 tính theo ngày. Tháng 7, châu Á nhập khẩu 4,64 triệu thùng/ngày từ Ả Rập Xê Út, giảm từ 4,99 triệu thùng/ngày trong tháng 6 và 5,68 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
Trung Quốc và Ấn Độ đã nhập khẩu 1,47 triệu thùng/ngày từ Ả Rập Xê Út trogn tháng 7, giảm từ 1,85 triệu thùng/ngày trong tháng 6. Trong đó, Trung Quốc nhập 1,81 triệu thùng dầu Nga/ngày và 1,93 triệu thùng trong cùng kỳ. Theo đó, Nga đã vượt Ả Rập Xê út để trở thành nhà cung cấp lớn nhất của Nga, nhờ mức giá hấp dẫn.
Tại Ấn Độ, nước này nhập khẩu lượng dầu từ Ả Rập Xê Út là 530.000 thùng/ngày trong tháng 7, tăng từ 390.000 thùng vào tháng 8. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Ả Rập Xê Út hiện chỉ bằng 1/4 so với dầu từ Nga, với 1,94 triệu thùng/ngày trong tháng 7 và 2,12 triệu thùng. Trước khi phương Tây áp lệnh trừng phạt với dầu Nga, Ấn Độ chỉ là một khách hàng nhỏ và phần lớn nhập khẩu dầu từ các nước Trung Đông, đứng đầu là Ả Rập Xê Út.
Nhằm ứng phó với sự thay đổi này, Ả Rập Xê Út đã cân nhắc một biện pháp, đó là tăng sản lượng để hạ giá mỗi thùng dầu và từ đó lấy lại khả năng cạnh tranh trên thị trường châu Á. Tháng trước, quốc gia này đã hạ giá toàn bộ các loại dầu xuất khẩu sang châu Á trong 2 tháng liên tiếp. Aramco đã giảm giá dầu thô Arab Light ở mức 60 cent/thùng, xuống 1,80 USD/thùng đối với lô hàng giao tháng 8.
Tuy nhiên, năng lực sản xuất của 2 nước này rất khác nhau. Khả năng thúc đẩy sản xuất của Nga bị hạn chế đáng kể, chỉ có thể tăng sản lượng thêm vài trăm thùng mỗi ngày. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út có lợi thế lớn hơn, khi có khả năng bổ sung tới 3 triệu thùng/ngày. Sự chênh lệch này có thể là điều quyết định của “cuộc chiến” giành thị phần.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu dầu thô giữa Nga và Ả Rập Xê Út ngày càng gia tăng, những hậu quả về địa chính trị đã bắt đầu được thể hiện. Moscow dường như gặp khó khăn hơn trên thị trường quốc tế một phần do các lệnh trừng phạt, còn Riyadh lại giành được sức ảnh hưởng lớn hơn nhờ sự ủng hộ từ các liên minh chiến lược.
Diễn biến này cũng có thể tác động đến BRICS vì Nga và Ả Rập Xê Út là 2 thành viên có sức ảnh hưởng lớn trong khối và đặt ra câu hỏi về khả năng tồn tại của liên minh này trong một thế giới ngày càng đa cực.