Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao?

RIKA |

Làm sao để quản lý tài chính hiệu quả và có thói quen chi tiêu tích cực hơn?

Tốt nghiệp đại học, bắt đầu đi làm chắc là một trong những dấu mốc cuộc đời quan trọng nhất. Không những phải bắt đầu tự lập, tự chủ với cuộc sống của mình, đây cũng là thời gian người trẻ thường vấp ngã nhiều nhất. Bối rối trong việc lựa chọn công việc, công ty phù hợp cho đến chặng đường khó khăn để tìm được cách chi tiêu phù hợp.

Nhiều bạn trẻ dù thu nhập tăng lên nhưng vẫn luôn bị thâm hụt trong ngân sách. Khó nhằn với quản lý tài chính, cầm tiền trong tay mà cứ sợ tiền bay đi lúc nào không biết.

Cùng gặp 3 cô bạn để hiểu hơn về góc nhìn cũng như những bí kíp giúp người trẻ "sống sót" trong khía cạnh tài chính cá nhân khi mới bước chân vào con đường tập tành sống tự lập.

1. Phương Anh, 26 tuổi, công việc chính là kinh doanh, ngoài ra còn là 1 reviewer & vlogger

2. Ngọc Linh, 23 tuổi, hiện đang làm trong ngành BĐS

3. Trúc Linh, 23 tuổi, là một TikToker

Sự khác nhau giữa chi tiêu, thu nhập thời sinh viên và khi đi làm

Từ cánh cổng nhà trường bước ra cuộc đời, mọi ngóc ngách trong cuộc sống dường như đều có những thay đổi nhất định, đặc biệt là chuyện tài chính. Bắt đầu đi làm toàn thời gian là bước đầu tiên để tiến gần hơn đến cuộc sống độc lập tài chính. Nguồn thu nhập và cách chi tiêu của các bạn trẻ cũng khác biệt ít nhiều.

Đối với Phương Anh, khi còn là sinh viên, cô bạn đã bắt đầu đi làm parttime và thực tập nhưng thu nhập không quá ổn định. Lúc đó, Phương Anh xác định học hỏi là chủ yếu nên không quá quan trọng chuyện tiền bạc. "Khi đi làm rồi, mình bắt đầu phải tự lo cho cuộc sống, cần tìm kiếm công việc với mức thu nhập ổn định kèm theo 1 số việc tay trái để kiếm được nhiều tiền hơn".

Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao? - Ảnh 1.

Phương Anh, công việc chính là kinh doanh, ngoài ra còn là 1 reviewer & vlogger

Giống như Phương Anh, Trúc Linh cũng trải nghiệm công việc từ sớm, dù chỉ mới 23 tuổi, cô bạn đã đi làm được 4 năm. Từ công việc đầu tiên là quản lý lớp ở 1 studio dạy nhảy, thu nhập 700k/ tháng. Đến nay, với công việc chính là TikToker, cô đã kiếm được 10 - 20 triệu/ tháng.

Thu nhập thay đổi thì ắt hẳn chi tiêu cũng khác biệt hơn rất nhiều so với thời đi học. Khi còn là sinh viên, vẫn ngồi trên ghế nhà trường, hầu hết chúng ta đều có một phần phụ thuộc tài chính vào gia đình. Tuy nhiên, khi đã lớn hơn, kiếm ra tiền, việc chi tiêu tưởng như không còn là vấn đề quá lớn khi dòng tiền vào đã nhiều hơn. Song thực tế, đây luôn là một vấn đề đau đầu với người trẻ.

"Sau khi ra trường đi làm, mình thấy khoản chi tiêu biến động nhiều hơn hẳn. Một phần có lẽ nguồn thu nhiều hơn nên nguồn chi cũng tăng theo tỉ lệ thuận. Phần còn lại đến từ phần chi tiêu để phục vụ cho công việc", Ngọc Linh chia sẻ.

Do hiện tại đang làm bên mảng BĐS, trong công việc hàng tháng cô bạn sẽ có những khoản chi phí phát sinh mà lúc học đại học không có như, chi phí marketing, xe cộ đi lại, quà tri ân khách hàng,... Ngoài ra, những chi phí hàng ngày như ăn uống sinh hoạt, cà phê trà đá với bạn bè, mua sắm,...

Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao? - Ảnh 2.

Ngọc Linh hiện nay đang làm lĩnh vực BĐS

Còn đối với Phương Anh, thay đổi lớn nhất là cô bạn phải tự lên kế hoạch chi tiêu theo tháng và có khoản tiết kiệm riêng. "Trước đây thì bố mẹ nuôi mà, có tiền làm thêm, mình chủ yếu chi cho ăn uống, mua sắm, phục vụ cho mục đích cá nhân. Nhưng bây giờ có nhiều thứ phải lo lắng và chi tiêu hơn cũng như tự túc hết mọi thứ trong cuộc sống rồi nên cần phải suy nghĩ nhiều hơn".

Phương thức chi tiêu ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống

Để hiểu hơn tầm quan trọng của quản lý chi tiêu, ví dụ điển hình chính là Ngọc Linh. Dù chỉ mới 23 tuổi, nhưng nhờ những khoản chi tiêu hợp lý, Ngọc Linh đã tậu cho mình một chiếc ô tô . Gợi ý của cô bạn là có thể bắt đầu học bằng cách tìm cho mình một kênh YouTube, Podcast hoặc sách quản lý tài chính hay và dễ hiểu.

"Với những người thích kinh tế và yêu tự do như mình, việc quản lý tài chính cá nhân là điều thiết yếu trong cuộc sống. Quản lý tài chính cá nhân là việc sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả nhất để vừa giúp mình không gặp phải những áp lực tài chính không đáng có, vừa giúp mình tiết kiệm và đầu tư hiệu quả để sống thoải mái hơn".

Hiện tại, Ngọc Linh đang phân bổ nguồn thu nhập ra làm 5 phần:

- Một phần dành cho khoản chi thiết yếu, cần thiết và ở mức tối thiểu cần có để chi tiêu hàng tháng như: ăn uống, xăng xe, tiền điện, tiền nước,...

- Phần thứ 2 dành cho những khoản cần chi gấp và phát sinh: khám chữa bệnh, hiếu hỉ,...

- Phần tiết kiệm, đủ cho 3 tháng chi tiêu hàng tháng, khoản này phòng trường hợp chuyển việc giữ chừng

- Phần dành cho chi phí tự do. Đây là khoản chi phí dùng cho các quyết định liên quan đến sở thích cá nhân như ăn uống, xem phim, mua sắm…

- Phần còn lại dành để đầu tư: các khóa học, chứng khoán, bất động sản,...

Mặt khác, Trúc Linh tự nhận thấy bản thân mình trước đây không quản lý chi tiêu kỹ lắm. Đối với cô bạn, khi nào thấy sắp hết tiền thì sẽ chi tiêu tém tém lại. "Nhưng bây giờ khi đã đi làm thì cũng có mong muốn tích lũy nữa, nên mình cũng cố gắng có kế hoạch hơn. Ngoài những chi phí cố định bắt buộc thì các khoản khác mình cho phép tối đa là 5 triệu/ tháng. Do chủ yếu trả tiền qua tài khoản nên khi chuyển khoản mình thường ghi rất rõ nội dung, để sau này bản thân nhìn lại thì cũng hiểu là mình đã dùng khoản đó vào mục gì".

Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao? - Ảnh 3.

Trúc Linh, TikToker

Để có thể nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của tài chính cá nhân, chắc hẳn ai cũng từng đi qua rất nhiều sai lầm phải trả giá bằng rất nhiều tiền bạc. Chẳng hạn như cô bạn Phương Anh thời sinh viên thường xuyên dùng lố vào tiền tiêu vặt hàng tháng. Đồng cảm với Phương Anh, Trúc Linh chia sẻ: "Tiền mình chắc thâm hụt nhiều nhất vào việc ăn uống, do bây giờ có nhiều mối quan hệ hơn, phải đi ăn ngoài nhiều hơn. Giá ngoài hàng thì cũng đắt đỏ, chứ không chỉ là đi ăn chè hay nem chua rán hồi sinh viên nữa".

Ngọc Linh thì có một khoảng thời gian tệ hơn, đó chính là túng quá nên phải vay mượn gia đình và bạn bè, bản thân rơi vào trạng thái stress với câu hỏi "Không biết tiền đi đâu về đâu?". Tuy nhiên, sau những sai lầm như vậy, Ngọc Linh đã quyết tâm theo dõi chi tiêu và thấy có những khoản chi tiêu quá đà vào những thứ không cần thiết như mua quần áo, túi xách quá nhiều.

Khó tiết kiệm do thói quen chi tiêu không tốt

Nhưng tại sao người trẻ lại khó khăn đến vậy trong câu chuyện tiết kiệm tiền. Chưa có gia đình, gần như chỉ lo cho mỗi bản thân mình, nhưng với mức thu nhập chục triệu, vẫn có rất nhiều thâm hụt ngân sách.

"Mình nghĩ mỗi người đều có thói quen chi tiêu khó bỏ, chỉ khi bản thân thấy đến lúc cần phải sửa đổi họ mới sửa. Ví dụ như khi tiền tiết kiệm chạm mức báo động, hoặc khi họ thực sự muốn để dành để làm việc gì đó", theo Trúc Linh thói quen tài chính không tốt từ trước là một trong những lý do khiến người trẻ không tích luỹ được nhiều tiền.

Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao? - Ảnh 4.

Trúc Linh cho rằng một số thói quen không tốt từ trước sẽ ảnh hưởng đến cách chi tiêu khi đi làm

Phương Anh cho rằng, hồi mới đi làm và phải tự lo cuộc sống mình, không còn được bố mẹ chu cấp nên chắc chắn sẽ gặp phải một vài rắc rối. Nhưng đó cũng là cách giúp mình nhận ra một số vấn đề cần giải quyết. Khi thấy không ổn, tự động sẽ phải thay đổi, tính toán thích nghi sao cho phù hợp với cuộc sống hiện tại.

Một trong những lý do khiến người trẻ dễ dàng bị thâm hụt ngân sách chính là ngày càng chi tiêu nhiều cho những cảm xúc của mình. Chẳng hạn, buồn thì uống một cốc trà sữa để "tăng mood", vui thì chi tiền ngay lập tức để đi du lịch không cần kế hoạch để nhân đôi sự háo hức.

"Thật ra chi tiêu cho niềm vui cũng sẽ tuỳ vào số tiền mỗi người kiếm được. Nếu như thu nhập của bạn đủ để bạn "mua" cảm xúc cho mình thì không có gì đáng lo ngại. Song, khi thu nhập chưa đủ thì việc đó sẽ khiến bạn càng stress mỗi khi nhìn vào số tiền còn lại của mình vào cuối tháng, hay một lúc nào đó cần sử dụng đến tiền", Phương Anh thẳng thắn chia sẻ.

Theo cô bạn, có rất nhiều cách để có thể khiến bản thân mình tích cực và yêu đời hơn với những cái giá "mềm" hơn mà các bạn nên tham khảo, như là vận động, đọc sách hay đôi khi là dọn dẹp nhà cửa trong khi nghe nhạc, hoặc đơn giản chi là 1 chuyến xe về quê.

Lúc còn đi học và khi đã đi làm: Thu nhập tăng lên nhưng vẫn thường xuyên thiếu tiền, vì sao? - Ảnh 5.

Ngọc Linh cho rằng chỉ cần có kế hoạch, dù chi tiêu cho cảm xúc cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều

Đồng quan điểm với Phương Anh, Ngọc Linh cho rằng việc chi tiêu để "mua" cảm xúc cũng cần phải được kiểm soát bằng cách lên kế hoạch và mục tiêu cụ thể. Cô bạn thường sẽ dành khoảng 10% nằm ở phần "chi phí tự do". Khoản này sẽ tuỳ vào mức nhu cầu của từng cá nhân, sẽ có một mức hợp lý nhất cho từng người. "Việc lên kế hoạch giúp mình chi tiêu thoải mái mà không phải lo nghĩ nhiều, vừa kiếm tìm được niềm vui mà vẫn không bị thâm hụt ngân sách".

Trúc Linh cũng cho rằng cuộc sống hiện tại rất stress. "Không cần quá dè xẻn nếu bạn không thấy cần thiết, miễn sao không đi quá giới hạn của bản thân và không làm ảnh hưởng đến người khác. Còn lại, mình cảm thấy không có gì sai khi chi tiêu cho niềm vui của bản thân cả".

Ảnh: NVCC

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại