Luật xưa: Dân ăn cắp vặt thì bị chặt đầu; quan lại lười nhác không bắt cướp cũng bị chém!

Lê Tiên Long |

Ăn cắp ban ngày ở kinh đô: Chém đầu. Vua sai bán thóc kho cho dân khi đói kém mà bán cho riêng mình: Chém đầu. Pháp luật thời vua Minh Mạng nghiêm khắc đến mức đó.

Sau khi lên ngôi vua Gia Long đã cho biên soạn bộ Hoàng Việt luật lệ, đến năm 1815 thì ban hành. Đã có pháp luật rõ ràng, nghiêm khắc, các vua đầu triều Nguyễn cũng yêu cầu quần thần tuân thủ luật lệ rất chặt chẽ. Nhiều câu chuyện còn được sử sách ghi lại rất rõ ràng.

Cuối đời vua Gia Long, kinh thành nhiều lần có nạn trộm. Sách Đại Nam thực lục, tập 2, ghi lại các sự việc đời vua Minh Mạng cho biết, sau khi vua lên ngôi (1820), lập tức sắc rằng quân dân bắt được trộm thì hậu thưởng. 

Luật xưa: Dân ăn cắp vặt thì bị chặt đầu; quan lại lười nhác không bắt cướp cũng bị chém! - Ảnh 1.

Vua Gia Long. Ảnh minh họa

 Ngay sau đó có người bắt được kẻ cắp ngày. Vua bảo bầy tôi rằng: "Ăn cắp là tội nhẹ, nhưng giữa ban ngày mà ăn cắp ở chốn đại đô là rất khinh miệt pháp luật. Bọn vô lại khinh phạm hiến chương như thế, tha thì rốt cục cũng không chừa, tha cũng vô ích". Bèn sai chém để răn dân chúng.

Vua Minh Mạng rất quan tâm đến việc giữ bộ mặt của kinh thành, luôn muốn quét hết nạn trộm cướp. 

Việc này còn được ghi lại ở năm Minh Mạng thứ 6, khi kinh thành (lúc đó đã đổi tên từ dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên) vẫn xảy ra việc trộm cướp, vua đã có nghiêm chỉ, mà quan binh chưa bắt được hết, người bắt được lại để lâu không tra xét kết tội. Vua giận các quan cai trị kinh thành lười biếng, giao xuống bộ Hình bàn xử.

Thự Phủ doãn Thừa Thiên (chức quan to nhất kinh đô, tương đương thị trưởng, đô trưởng, chữ "thự" tức là đang ở mức chưa chính thức, như "quyền đô trưởng") là Bùi Tăng Huy bị giáng làm Lang trung Lại bộ, Phủ thừa (phó đô trưởng) Vũ Doãn Đạo giáng làm Lang trung Lễ bộ. 

Nhà vua còn điều Kí lục Quảng Nam là Ngô Phúc Hội về làm Phủ doãn Thừa Thiên. Thiêm sự Hình bộ là Nguyễn Công Trứ được điều sang làm Phủ thừa Thừa Thiên.

Cũng chuyện giữ gìn bộ mặt của kinh thành, năm Minh Mạng thứ 2, vua đi xem xét kinh thành, thấy có bệnh binh nằm ở bờ ao, hỏi ra là lính ở vệ Ban trực tiền. Vua liền sai Thái y viện điều trị, rồi phạt viên Quản vệ 40 roi, phạt Cai đội 80 roi. Sắc rằng từ nay người quản quân mà để quân binh bị khốn đói ở đường sá thì cứ lệ ấy mà trị.  

Luật xưa: Dân ăn cắp vặt thì bị chặt đầu; quan lại lười nhác không bắt cướp cũng bị chém! - Ảnh 2.

Hình ảnh vua Minh Mạng. Ảnh: zing

Nếu để chết thì tội nặng thêm. Phân chia trách nhiệm: Trong kinh thành thì thuộc quan Giám thành, ngoài quách thì thuộc dinh Quảng Đức, chiếu địa phận mà tuần xét, trên đường sá thấy có người ốm đau, nếu là quân lính thì giao cho cai quản, nếu là dân thì giao cho lý chánh hay thân nhân để điều dưỡng. Làm trái thì trách phạt theo số bệnh nhân nhiều hay ít, đã nằm lâu hay mau.

Quy định cụ thể như sau: Ngoài quách: Phát hiện mỗi người ốm nằm ngoài đường thì phạt một tháng lương, thêm một người phạt thêm 1 tháng, để nằm 3 ngày phạt lương 3 tháng, thêm 3 ngày nữa thì thêm 1 tháng lương. Mức phạt đến 1 năm lương là hết mức.

Minh Mạng năm thứ 3, Quảng Nam đói kém, vua sai quan ở kinh hội với quan ở trấn phát thóc kho ra bán. Các quan phát hiện Lý trưởng Đặng Văn Diên lĩnh thóc bán cho riêng minh, xin chém để răn mọi người.

Cũng chuyện bán thóc cho dân, mà bán không đều, bỏ sót, thì các quan phụ trách cũng bị cách, giáng chức. Năm đó, Quảng Trị cũng đói kém, Cai bạ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Cứu Khánh và Thự Ký lục Bùi Phổ đến phát thóc bán cho dân, bán không đều, xã nhiều người bán thóc ít, xã ít người bán nhiều, lại có tới hơn 200 xã không được mua. 

Luật xưa: Dân ăn cắp vặt thì bị chặt đầu; quan lại lười nhác không bắt cướp cũng bị chém! - Ảnh 3.

Trộm cắp vặt thôi cũng bị nghiêm trị. Ảnh minh họa.

 Tham tri bộ Hộ Nguyễn Công Tiệp hạch tâu. Vua Minh Mạng dụ rằng: "Việc bán thóc là để nhà nghèo đều được đội ơn. Nay bọn chúng tự ý thấp cao, đến nỗi 211 xã không được mua thóc", rồi sai bắt giam, cách chức.

Ngoài ra, xảy ra sự việc tù phạm ở trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay) có 29 người phá ngục. Quân lính thuộc trấn đuổi bắt, có người bị thương và chết. 

Quan ở trấn tâu lên, vua dụ rằng: "Tù phạm nhiều như thế mà không đề phòng trước, đến nỗi chúng hành hung phá ngục, thì chức trách các người để đâu? Nếu không làm tội những hạng quan hèn kém này thì sao bày tỏ pháp luật với thiên hạ?".

Sau đó vua sai Cai đội Cẩm y là Hồ Văn Khuê và Chủ sự Hình bộ là Trương Văn Loan đến trấn Thanh Hoa, tuyên chỉ lột áo mũ từ Đốc trấn (tỉnh trưởng) Nguyễn Văn Ngoan, Hiệp trấn Hoàng Văn Diễn, Tham hiệp Hoàng Quốc Bảo, chờ xét xử.

Tội không tích cực đánh giặc cũng bị xử rất nặng. Trong năm này, ngoài biển Hà Tiên có giặc Chà Và vào cướp. Thủ ngự Phú Quốc sai các thứ đội trưởng là Ngô Văn Đức và Nguyễn Văn Sương đem binh đi tuần bắt. 

Đức lười nhác, thác bệnh cáo ốm, để Sương đi một mình, gặp giặc giao chiến chém được 3 đầu, lấy được một thuyền. Thành thần Gia Định tâu lên, Sương được phong chức Cai đội, còn Đức bị chém để nêu gương.

Nhờ từ nhà vua đến quân thần đều tôn trọng pháp luật, xét xử nghiêm minh, mà đời sau đánh giá những năm đầu triều Nguyễn là rất có kỷ cương. Nhà sử học Trần Trọng Kim đã nhận xét trong cuốn Việt Nam sử lược: "Đời vua Minh Mạng, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ".

Tham khảo từ:

- Đại Nam thực lục

- Việt Nam sử lược

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại