Luật sư: Vụ cô gái bị đánh đập khiến thai nhi tử vong kinh hoàng như các màn tra tấn thời Trung cổ

Xuân Phương |

Nói về vụ cô gái bị đánh đập khiến thai nhi tử vong, luật sư Trần Đăng Sĩ cho rằng hành vi của các đối tượng quá tàn ác khi nhằm vào đối tượng vốn được pháp luật ưu tiên bảo vệ: Phụ nữ có thai.

Vụ việc "Bà bầu 6 tháng bị nhóm người tra tấn suốt 2 tuần đến sinh non, thai nhi tử vong ở Sài Gòn" đang gây rúng động dư luận. Luật sư Trần Đăng Sĩ, hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đã chia sẻ với Trí Thức trẻ góc nhìn pháp lý qua vụ việc này.

Luật sư: Vụ việc khiến tôi cảm giác như đang sống trong một xã hội trung cổ 

Theo dõi vụ việc trên các phương tiện truyền thông, ông Sĩ nói bản thân phẫn nộ trước hành vi của nhóm đối tượng với nạn nhân H.N.Y. "Nó cho chúng ta cảm giác như đang sống trong một xã hội trung cổ với những cách tra tấn tàn ác nhằm vào đối tượng vốn được pháp luật ưu tiên bảo vệ là phụ nữ có thai. Đây là điều không thể dung thứ và không thể chấp nhận được" - luật sư chia sẻ.

Luật sư: Vụ cô gái bị đánh đập khiến thai nhi tử vong kinh hoàng như các màn tra tấn thời Trung cổ - Ảnh 1.

Luật sư Trần Đăng Sĩ, hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Theo luật sư, việc bắt giữ, trói, tra tấn nạn nhân của Nguyễn Minh Dũng (37 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Huyền (28 tuổi) không chỉ là một hành vi đơn lẻ mà đây là tổng hợp một chuỗi các hành vi có tính liên quan với nhau, được thực hiện với động cơ đê hèn vì muốn đòi nợ hộ người khác. Hành vi thể hiện tính chất côn đồ, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng người khác.

Có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

Trong vụ việc thai phụ bị tra tấn đến sẩy thai, luật sư cho rằng hành vi của Dũng và Huyền có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo quy định tại điều 157 Bộ luật hình sự 2015. Tuy nhiên, ông Sĩ cho rằng để kết luận các đối tượng phạm vào tội gì cần phải trải qua quá trình điều tra, làm rõ thêm.

Bắt, giữ hoặc giam phụ nữ mà biết có thai là tình tiết tăng nặng

Luật sư Sĩ cho biết, hành vi bắt, giữ hoặc giam phụ nữ mà biết có thai là tình tiết tăng nặng, được quy định tại điểm e, khoản 2, điều 157 BLHS 2015.

Về mặt khách quan, qua những thông tin báo chí đăng tải có thể nhìn nhận sơ bộ hành vi khách quan mà Dũng và Huyền thực hiện trước hết chính là trói và giữ nạn nhân lại ngay chính nhà mình - thực hiện hành vi phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật. 

Nhưng tội phạm này không chỉ dừng lại ở việc bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật mà cũng xử lý đối với các trường hợp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân. Tùy vào mức độ hậu quả sẽ làm căn cứ xác định các tình tiết tăng nặng của tội phạm này. Cụ thể, theo khoản 3 của Điều 157 Bộ luật hình sự, nếu tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam thì sẽ bị phạt tù từ 5-12 năm.

Tuy nhiên, như đã phân tích, đây là một vụ việc có yếu tố phức tạp, cần phải đấu tranh khai thác để làm rõ về động cơ, mục đích, diễn biến hành vi và thái độ chủ quan của người thực hiện tội phạm từ đó để đưa ra các đánh giá phù hợp về tội danh mà các đối tượng đã thực hiện - ông Sĩ nêu quan điểm.

Không thể loại trừ có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Theo luật sư, việc các đối tượng tra tấn nạn nhân không chỉ nhằm hướng đến việc bắt, giữ hoặc giam nạn nhân trái pháp luật mà trong đó có nhiều hành vi chủ động nhằm thỏa mãn nhu cầu bạo lực của bản thân, tác động lên sức khỏe và thân thể của người khác. Đây là một khách thể độc lập với quyền tự do về thân thể.

Luật sư: Vụ cô gái bị đánh đập khiến thai nhi tử vong kinh hoàng như các màn tra tấn thời Trung cổ - Ảnh 3.

Y đang được điều trị tích cực ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương

Cần phải xem xét kĩ trong chuỗi hành vi của nhóm đối tượng này, xem có thuộc trường hợp phạm nhiều tội hay không, vì có nhiều khách thể bị xâm phạm bởi các hành vi khác nhau.

Phạm nhiều tội theo khoa học pháp lý là thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội phạm độc lập. Nếu có căn cứ, cần khởi tố với những tội danh tương ứng chứ không chỉ đơn thuần tập trung vào một tội danh nhất định. Vấn đề này cần điều tra mới có thể làm rõ - ông Sĩ nêu quan điểm.

Hành vi vứt bỏ thai nhi có dấu hiệu của tội xâm phạm thi thể

Cũng theo luật sư, trong vụ việc này, mẹ của Dũng và Huyền biết rõ hành vi của con mình, nhưng vẫn làm ngơ cho hành vi đó, đây là điều đáng trách, đáng lên án. 

Ông Sĩ cho rằng, hành vi vứt bỏ thai nhi của bà Sương (56 tuổi) có dấu hiệu của tội Xâm phạm thi thể tại điều 319 Bộ luật hình sự 2015. 

Theo đó, tội phạm này được mô tả: "Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm".

Để có căn cứ xử lý về vấn đề này, cần xác định thi thể thai nhi vào thời điểm sinh ra đã chết hay chưa? Chết vào thời điểm nào? Vấn đề này cần phải làm rõ để xác định bà Sương có hay không thực hiện hành vi xâm phạm thi thể, mà cụ thể ở đây là xâm phạm thi thể trẻ sơ sinh", luật sư Sĩ phân tích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại